Một phụ nữ da đen kiện chợ Albertson ở Irvine, Nam Cali vì bị nghĩ đang hưởng Food Stamps

Cali Today News – Một người phụ nữ da đen ở miền Nam California đã đệ đơn một vụ kiện dân sự lên toà chống lại chợ Albertson và công ty mẹ là Safeway.

Được đệ lên vào ngày 10 tháng 4, đơn kiện cáo buộc các nhà quản trị chợ đã không có biện pháp sửa chữa hoặc xin lỗi sau khi một nhân viên tính tiền tại ở thành phố Irvine đã phỏng đoán sai bà là người hưởng tem phiếu thực phẩm.

Bà Deirdre Harris – 42 tuổi – cho biết, vụ việc xảy ra vào ngày 27 tháng giêng tại chợ Albertson trên ngã tư đường Alton Avenue và đường Culver Street. Bà Harris đang tìm cách lấy thẻ debit ra trả tiền các món đồ thì nhân viên tính tiền hỏi nếu bà muốn dùng thẻ EBT hay không. “Chính xác là cô vừa nói gì?” bà Harris hỏi lại, và người nhân viên lập lại câu hỏi liệu bà có muốn dùng tem phiếu thực phẩm hay không.

Bà Deirdre Harris – 42 tuổi. Photo Courtesy: http://www.mercurynews.com

“Tôi cảm thấy nản,” người phụ nữ – một cố vấn thời trang, cư dân quận cam sinh trưởng ở Huntington Beach, sinh sống tại Irvine 22 năm nay – chia sẻ. “Đối với tôi, đó là lời nhắc nhở rất rõ ràng – một lời nhắc nhở đau đớn – rằng, chúng tôi không sống trong kỷ nguyên hậu phân biệt chủng tộc.”

Bà Harris sau đó bày tỏ bất mãn với ba nhân viên quản trị, thậm chí cả với Ron Foss – Giám đốc vùng tại Safeway. Cũng giống như những giám đốc khác, ông Foss giải thích với bà Harris, nhân viên tính tiền không làm gì sai trái cả, chẳng qua cô tìm cách cho bà những cái túi miễn phí do người dùng foodstamp không phải trả tiền các túi nhựa tái sinh.

Ông Foss cuối cùng đề nghị tặng bà $500 Mỹ kim bồi thường cho những tổn thương tinh thần, không quên nói thêm, “Nếu là bà thì tôi sẽ nhận.” Tên ông Foss cũng được nhắc tới trong vụ kiện.

Một nhân viên điều tra khiếu nại của Safeway vào ngày 24 tháng 3 cũng đã gởi thư cho bà Harris, vào đúng ngày bà nói chuyện với ông Foss. “Xin thưa với bà, chúng tôi đã hoàn tất điều tra và xác định chợ chúng tôi không có trách nhiệm pháp lý gì về việc này. Tôi biết cáo buộc bị khủng hoảng tinh thần của bà và sẵn lòng đề nghị tặng $500 Mỹ kim … Nếu không nhận cử chỉ dịch vụ khách hàng này thì sẽ được hiểu là bà phản đối, có nghĩa chính thức phủ nhận khiếu nại này vì không có chứng cớ phân biệt đối xử hoặc phân biệt chủng tộc ở đây.”

Đây không phải là lần đầu tiên bà Harris bị phân biệt chủng tộc tại thành phố mà người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm chưa tới 1% dân số. Tuy nhiên, đối thoại giữa bà với ông Foss là “điểm bùng phát,” bà Harris cho hay. “Tôi không hồi đáp thư email cũng như không nhận $500 Mỹ kim,” bà nói. “Tôi liên lạc với luật sư và đệ đơn khiếu nại.”

Luật sư Chris Mears cho biết, hành động của nhân viên tính tiền và công ty đã vi phạm đạo luật dân sự Unruh của tiểu bang California, trong đó cấm các cơ sở thương mại không được phân biệt phân biệt đối xử với khách hàng vì chủng tộc, giới tính, tôn giáo, màu da, quốc tịch gốc, và khuynh hướng tình dục. “Cách mà công ty giải quyết vụ việc là một phần của vấn đề,” ông Mears nói. “Họ chỉ tập trung vào bản thân, không nỗ lực tìm hiểu để thấu hiểu hoàn toàn cảm nhận của người phụ nữ Mỹ gốc Phi, cho thấy họ thiếu sự cảm thông.”

Mặc dù vụ kiện đòi tiền bồi thường thiệt hại nhằm trừng phạt công ty và trả phí luật sư, nhưng bà Harris cho hay, đối với bà vụ kiện không phải vì tiền. “Tôi hy vọng, vụ kiện sẽ giúp nâng cao nhận thức lớn hơn, khiến công ty thay đổi, giảm khả năng vụ việc tương tự xảy ra lần nữa.”

Càng nói nhiều về sự việc, càng giúp bà Harris giải toả được khủng hoảng tinh thần khi bị một ai đó xem như là người không thể trả nổi tiền mua thực phẩm mặc dù không ngừng làm việc và có một nghề nghiệp khá thành công.

Hương Giang (Theo Mercury News)

Leave a Reply