Một quả thận ở Việt Nam giá $7,500

HÀ NỘI (NV) – Buôn bán nội tạng cho các vụ cấy ghép, phổ biến là ghép thận, vẫn diễn ra tại một số bệnh viện dù điều này trái với luật lệ ở Việt Nam nhờ sự tiếp tay môi giới của các “cò.”

 

Cò đang ngã giá để bán một quả thận. (Hình: Người Đưa Tin)

Hôm Thứ Sáu, báo Người Đưa Tin kể lại câu chuyện phóng viên của tờ báo giả làm người bán thận tiếp xúc với một người môi giới bán thận “ngay cạnh bệnh viện Việt Đức” ở Hà Nội. Qua câu chuyện trao đổi với một “cò” tên Hiệp, dịch vụ mua bán thận, giúp cho người có nhu cầu thay thận, người ta thấy sự mua bán nội tạng người, đặc biệt là thận diễn ra như thế nào.

 

Sau khi “phỏng vấn” tổng quát người có nhu cầu bán thận về loại máu, sức khỏe, “cò” hẹn ngày giờ tới gặp người cần thận và sắp xếp gặp cả “bác sĩ trưởng khoa” giải phẫu ghép thận. Mọi câu chuyện ở bệnh viện đều phải ngụy trang dưới hình thức “hiến thận” nhân đạo nhưng trong thực tế là các cuộc mua bán, có mặc cả giá tiền.

“Thông thường một quả thận có giá là 200 triệu đồng. Khi em giao đủ tiền cho người ta, người ta sẽ cắt cho anh 30 – 50 triệu. Nhưng riêng chỗ anh thì em an tâm về giá cả và chất lượng, anh bán cho hàng nghìn người chưa ai chê đâu”, lời cò Hiệp được thuật lại trên báo NĐT.

Theo cuộc điều tra này “Đường dây buôn bán nội tạng người của Hiệp, trải dài từ Nam ra Bắc, trong đó, chủ yếu chúng được kín đạo hoạt động trong các bệnh viện. Theo xác định, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những địa bàn trọng điểm của đường dây này.”

Ký giả của báo NĐT đã gặp hai cò khác ở bệnh viện Huế tên Thu và Vĩnh và ngã giá bán thận là 150 triệu đồng (khoảng $7,500 USD).

Bà cò Thu giải thích “quy trình hoạt động” là: “Em đưa người thân (có nhu cầu) đến ghép thận ở đây, chị sẽ tìm người bán thận cho em và chị sẽ móc nối lên gặp trực tiếp bác trưởng khoa. Lúc đó bác cho mình làm thì mình làm luôn. Còn nếu mình muốn nhanh nhất thì bỏ bì thư cho bác sỹ trực tiếp. Nhanh và gọn luôn.”

Sự sắp đặt có vẻ dễ dàng như bất cứ một dịch vụ giản dị nào khác. Tờ NĐT kể tiếp là “Qua trao đổi, vị trưởng khoa mà Thu muốn chúng tôi kết nối là bác sĩ V, trưởng một khoa . “Bác sỹ V này dễ nói chuyện lắm, chỉ cần đưa bì thư là xong. Em đi chỗ nào cũng vậy cả thôi”.

Khi được (nhà báo giả dạng) hỏi có trường hợp nào người bán thận bị thiệt mạng chưa, thì “Thu cho biết, chị đã giao dịch thành công hàng chục vụ, nhưng chưa trường hợp nào bị mất mạng, nhưng nói chung là sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đối tượng bán thận chủ yếu là dân nghèo, hoặc những người cần tiền để chi trả nợ.”

Bà cò Thu còn cho biết thêm: “Không chỉ tại Bệnh viện Huế, tại nhiều bệnh viện, các ca ghép nối nội tạng vẫn diễn ra thường nhật. Trong đó có ca hiến tặng thật, nhưng cũng không ít có cả ca mua bán. Về thủ tục thì chúng tôi làm như nhau, nhưng việc mua bán chỉ diễn ra ngầm”.

Chuyện mua bán, môi giới bán thận người từng được nói đến từ mấy năm trước.

Ngày 19/5/2013, Công an tỉnh An Giang đã cứu thoát một phụ nữ bị bắt cóc và đe dọa phải trả số tiền nợ $5,000 USD nếu không sẽ bị cắt một quả thận để trừ nợ.

Từ khi Việt Nam bắt đầu các chương tình cấy ghép nội tạng năm 1992 đến nay, số người được cấy ghép thận mỗi ngày nhiều lên. Theo các sự ước lượng, khoảng hơn 10,000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép thận mỗi năm.

Một số người còn chạy sang bán thận ở Trung quốc hoặc con bệnh chạy sang đó để sử dụng dịch vụ cấy ghép thận. Tháng Tư năm ngoái, từng rộ lên câu chuyện thương tâm của một sinh viên 22 tuổi của trường Cao Đẳng Kinh Tế Công Nghiệp ở Sài Gòn. Cậu sinh viên này khi bán thận ở Trung quốc về nước với nhiều biến chứng rồi qua đời sau vài tuần lễ.

Việt Nam có luật về hiến tặng, cấy ghép mô, nội tạng, bộ phận cơ thể người nhưng quy định lỏng lẻo và cũng không thấy các biện pháp chế tài cụ thể. Các vụ “hiến tặng chui” với sự toa rập gián tiếp của bác sĩ vẫn diễn ra. (TN)

Leave a Reply