Một số “bệnh” thường gặp của thẻ nhớ

Thẻ nhớ là một thứ thiết bị dễ bị lỗi, có thể không truy cập hay không truy xuất dữ liệu được, gây khó khăn cho người sử dụng. Bài viết sau đây giới thiệu một số lỗi thường gặp nhất đối với thẻ nhớ nói chung, thẻ SD nói riêng và một số giải pháp để khắc phục nhanh mà bạn nên thử trước khi đem đi bảo hành hoặc thay thẻ mới.


– Sai định dạng
Khi bạn có một chiếc thẻ mới, hoặc mua lại từ người khác mà không thể truy cập hay đọc, ghi dữ liệu, thiết bị không nhận thẻ… có thể là do thẻ đang được định dạng sai. Hãy xem xét lại thiết bị sử dụng thẻ trước đây, các định dạng tập tin hệ thống hỗ trợ từ trước, đọc thêm thông tin hướng dẫn từ nhà sản xuất để tìm ra cách khắc phục với định dạng hoặc thiết bị thích hợp, tương thích tốt nhất.
Khi đã tìm được định dạng file cần sử dụng, hãy định dạng lại (Format) với thiết bị sử dụng thẻ là tốt nhất. Tuy nhiên, hãy lưu ý trước khi Format thẻ, vì định dạng lại sẽ làm mất toàn bộ dữ liệu hiện có trên thẻ nhớ.
– Rút thẻ đột ngột
Khi sử dụng USB flash hay thẻ nhớ, tuy được khuyến cáo nên thực hiện thao tác rút thẻ an toàn trước khi tháo thẻ khỏi thiết bị nhưng nhiều người vẫn “tiết kiệm” thời gian và bỏ qua bước này. Thao tác tháo thẻ đột ngột thường không gây ra vấn đề ngay lập tức, nhưng bạn hãy coi chừng vì nó hoàn toàn có thể “đột tử” bất cứ lúc nào nếu bạn thường xuyên sử dụng một cách thiếu an toàn như vậy.
Hãy thử định dạng lại thẻ, sử dụng thêm phần mềm của hãng thứ ba để format. Nếu may mắn, thẻ của bạn vẫn còn sử dụng được và chấp nhận mất dữ liệu (thật ra có thể khôi phục được, tuy khả năng không cao), sau đó hãy rút kinh nghiệm và thực hiện tháo thẻ an toàn. Trường hợp thẻ không thể sử dụng, hãy thử bảo hành để tìm giải pháp khác.
– Hỏng hóc vật lý
Đôi khi nguyên nhân là những hỏng hóc vật lý, do môi trường xung quanh hay sơ suất của bản thân người dùng. Trong trường hợp thẻ bị hỏng dạng này, hy vọng cứu được là rất nhỏ. Dữ liệu trong thẻ cũng có thể khôi phục nhưng cần đến những dịch vụ cứu dữ liệu với giá thành rất đắt. Nếu không phải thông tin nhạy cảm cần khôi phục “bằng mọi giá”, tốt nhất bạn hãy nghĩ đến việc thay thẻ mới và bảo quản tốt hơn, tránh rơi rớt và tiếp xúc với bụi bẩn môi trường ngoài, tránh tác động vật lý mạnh đến thẻ.
– Thẻ bị khóa
Để đảm bảo an toàn dữ liệu, thẻ thường được trang bị khả năng chống ghi, với mục đích tránh sự xâm phạm của mã độc với một nút gạt để khóa nhanh ở cạnh bên và thường có màu khác so với toàn bộ thẻ. Hãy gạt nút theo hướng ngược lại để mở khóa và thử lại với thiết bị cần dùng. Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu, nhiều cá nhân, tổ chức dùng các thuật toán mã hóa nâng cao để khóa thẻ, yêu cầu điều kiện đặc biệt để thiết bị có thể nhận diện thẻ. Trong trường hợp đó, biện pháp duy nhất là được sự đồng ý của chủ nhân của chiếc thẻ đó thì bạn mới có thể mở khóa và sử dụng thẻ.
– Đầu đọc thẻ tốc độ chậm
Khi bạn sử dụng đầu đọc thẻ tốc độ chậm (có thể tích hợp sẵn hoặc đầu đọc rời), thẻ sẽ không hoạt động theo ý muốn khi mà tốc độ đọc ghi của các loại thẻ thế hệ mới là quá cao. Tương tự nếu sử dụng các thiết bị như camera đọc thẻ trực tiếp, tốc độ đọc dữ liệu cũng tương đối chậm. Cách giải quyết đơn giản nhất là tìm thiết bị đọc thẻ mới tương thích tốt hơn, nên kiểm tra trực tiếp khi mua và cân nhắc túi tiền một cách cẩn thận.
– Tốc độ ghi chậm
Tương tự với trường hợp trên của đầu đọc thẻ, thẻ của bạn có tốc độ ghi dữ liệu quá chậm so với thiết bị đi kèm, do sử dụng công nghệ cũ hay đang gặp vấn đề kỹ thuật. Trường hợp này, hãy tìm hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị dùng thẻ và xác định những thông tin cần thiết, sau đó hãy tìm mua thẻ mới với độ tương thích tốt hơn, tốc độ ghi nhanh hơn. Trong trường hợp mới mua, có thể thẻ đang gặp sự cố kỹ thuật, hãy đem ra trung tâm bảo hành thẻ để được giải quyết.

VŨ TUẤN HƯNG

Leave a Reply