Một số dân California muốn tách ra khỏi nước Mỹ của Donald Trump

Từ khi có cuộc bỏ phiếu Brexit với kết quả Anh rút ra khỏi khối Liên Minh Âu Châu, nhóm YesCalifornia đã bắt đầu vận động với mục tiêu được California ra khỏi liên bang Hoa Kỳ, đuợc gọi Calexit.

 

Một phong trào ly khai đã bắt đầu tại tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ. Phong trào ấy khởi động sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống hôm thứ Ba.

Một nhóm tên là YesCalifornia đang vận động để tách California ra khỏi nước Mỹ và trở thành một quốc gia độc lập. Phong trào này tổ chức một “buổi thông tin” ở bên ngoài trụ sở lập pháp tiểu bang tại Sacramento.

Cuộc thảo luận về đề nghị ấy đã bùng nổ trên mạng Twitter từ ngày thứ Tư, ngay sau khi có kết quả bầu cử tổng thống. Hashtag với nhãn #calexit đã được nhắc tới trong hàng trăm tin nhắn của Twitter trong mỗi phút và kéo dài suốt ngày. Nhiều người thường đính kèm nhãn #notmypresident, nhắc tới việc ông Donald Trump đắc cử. Họ ủng hộ phong trào này, nhưng một tỷ lệ đáng kể cũng chấp nhận nhãn hashtag ấy để chế giễu vụ thắng cử.

YesCalifornia là một ủy ban hành động chính trị được thành lập vào tháng Tám năm 2015. Nhóm này đang vận động để vấn đề ly khai được trưng cầu dân ý vào ngày bỏ phiếu trong tiểu bang vào năm 2019. Nếu được chấp thuận, thì đó chỉ mới là chặng đầu trong một hành trình rất dài để tiến tới việc ly khai hợp pháp.

Trong tập sách “CalExit Ble Book” dài 33 trang, nhóm này nói, “Theo quan điểm của chúng tôi, Hoa Kỳ đại diện cho nhiều điều xung khắc với các giá trị của California. Và nếu tiếp tục là một tiểu bang thì chúng tôi phải tiếp tục hỗ trợ tài chánh cho các tiểu bang khác, mặc dù chúng tôi phải chịu sự thiệt hại và con cái chúng tôi cũng bị như vậy.”

YesCalifornia nói rằng phong trào này “là về việc California lấy vị thế của mình trên thế giới, đứng ngang hàng với các quốc gia. Chúng tôi tin vào hai sự thật: (1) California gây một ảnh hưởng tích cực trên những nơi khác của thế giới, và (2) California có thể làm thêm nhiều điều tốt đẹp, với tư cách là một quốc gia, nhiều hơn so với mức California có thể làm được với tư cách chỉ là một tiểu bang của Hoa Kỳ.”
California là tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, chiếm 11.6 phần trăm dân số Hoa Kỳ, theo những dữ kiện giữa năm của cơ quan Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ cho biết. Nếu tiểu bang này trở thành một quốc gia riêng biệt, thì nó sẽ là nước lớn đứng vào hàng thứ 35 trên thế giới, theo dữ kiện của Liên Hiệp Quốc cho thấy.

Nhưng việc đi tới đó sẽ hết sức khó khăn. Một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện vào năm 1869, được gọi là Texas v. White, gợi ý rằng chỉ có hai cách thức để cho một tiểu bang có thể rời khỏi khối liên bang: “thông qua cách mạng, hoặc thông qua sự đồng thuận của các tiểu bang.”

YesCalifornia không muốn làm cách mạng, Vì vậy nền độc lập sẽ chỉ xảy ra với một loạt sự kiện khó có thể xảy ra, cho dù rằng cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày bỏ phiếu năm 2019, điều mà các cử tri California sẽ phải quyết định trước tiên trong năm 2018.

Mọi nẻo đường ôn hòa dẫn tới nền độc lập đều liên quan tới việc tu chính Hiến Pháp Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là các cơ quan lập pháp của hai phần ba, trong tổng số các tiểu bang, sẽ phải đồng thuận để cho tiểu bang lớn nhất này và bộ máy kinh tế hùng mạnh nhất của nó tách ra.

Tuy nhiên một số nhân vật khá quyền thế, đặc biệt trong phân nửa ở miền bắc giàu công nghệ của tiểu bang này, tham gia hợp tác.

Vào tối thứ Ba, khi chiến thắng của ông Trump trở nên rõ ràng, một số nhà kinh doanh công nghệ tham gia vào một mục Twitter được bắt đầu bởi Shervin Pishevar. Ông này là đồng sáng lập viên của Hyperloop One, một công ty vận chuyển theo phong cách tương lai. Ông đã hứa tài trợ cho “một cuộc vận động hợp pháp để cho California trở thành một nước riêng.”

Trong số những giới chức điều hành giàu có tham gia vào mục Twitter ấy để ủng hộ, có Dave Morin và Anand Sharma. Ông Morin là một nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, cựu giám đốc điều hành Facebook, và là giới chức điều hành chính của mạng lưới xã hội Path. Ông Sharma là người sáng lập Gyroscope, ứng dụng của iPhone chuyên theo dõi sức khỏe.

Hôm thứ Tư, ông Pishevar nói với đài CNBC rằng ông không nói đùa đâu.
Ông nói, “Đó là điều yêu nước nhất mà tôi có thể làm. Nước này đang ở nơi những giao lộ nghiêm trọng. Với tư cách là nền kinh tế lớn hàng thứ sáu trên thế giới, bộ máy kinh tế của nước Mỹ và là nơi cung cấp một tỷ lệ phần trăm lớn nhất cho ngân sách liên quan, California nặng ký lắm.”

Leave a Reply