Mười công ty Mỹ do ngoại quốc làm chủ

Nước Pháp nổi tiếng với bánh mì baguette, Nhật với sushi, và Hoa Kỳ có những đóng góp về văn hóa nhưng ít ai biết lại xuất xứ từ các nước khác. Nhiều sản phẩm được cho là thuần túy Mỹ như hot dog và apple pie, thực ra do các công ty của Âu Châu, Á Châu và những quốc gia khác làm chủ, theo bài viết của MSN.

 

Một trong 600 cửa hàng thuộc hệ thống dây chuyền tiệm tạp hóa 7-Eleven ở Bắc Kinh. Hiện công ty có mặt với hơn 43,000 địa điểm ở 16 quốc gia, hầu hết thuộc vùng Châu Á Thái Bình Dương. (Hình: Ed Jones/AFP/Getty Images)

Mười doanh nghiệp sau đây ai cũng nghĩ là của Mỹ nhưng hóa ra thuộc chủ nhân ở nước ngoài.

Budweiser – Thật khó tưởng tượng có một thương hiệu bia nào được người Mỹ yêu chuộng hơn Budweiser. Trong tất cả các loại bia bán tại Hoa Kỳ, Bud Light bán chạy nhất và Budweiser đứng hạng ba. Budweiser thuộc sở hữu của Anheuser-Busch InBev, một công ty hợp doanh của hai nước Bỉ và Ba Tây, có trụ sở chính đặt tại Leuven, nước Bỉ. Hoạt động tại Mỹ của công ty gồm một tá các nhà máy sản xuất bia.

Alka-Seltzer – Là thương hiệu của thuốc trị đau bụng, giúp làm giảm nồng độ acid trong dạ dày. Tên tuổi của nó được khá phổ thông một phần nhờ xuất hiện đều đặn trong các chương trình quảng cáo thương mãi trên TV. Sở hữu chủ của Alka-Seltzer là Bayer, một công ty dược phòng Ðức quốc. Tại Mỹ họ có cơ sở sản xuất, điều hành, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển ở vô số địa điểm.

Good Humor – Một thương hiệu cà rem được du nhập vào Ohio từ thập niên 1920. Tuy sản phẩm chỉ được bán ở các xe cà rem lưu động nhưng nhanh chóng trở thành phổ thông đến độ, lan ra toàn nước Mỹ chỉ trong một thập niên. Năm 1993, Unilever, công ty mẹ của Good Humor, một liên doanh của hai nước Anh và Hòa Lan, sát nhập Good Humor chung với các thương hiệu cà rem khác như Breyers, Klondike Bar và Popsicle. Kết quả dẫn đến thương hiệu Good Humor-Breyers. Công ty này cho biết trên toàn Hoa Kỳ họ có được 11,000 nhân viên.

7-Eleven – Có lẽ không hệ thống dây chuyền các tiệm tạp hóa nào được người Mỹ biết đến nhiều bằng 7-Eleven, tên nguyên thủy là Slurpee và Big Gulp. Hệ thống gồm hơn 7,000 tiệm trên khắp Hoa Kỳ. Tại Nhật, quê hương của Seven & I, công ty mà nay là sở hữu chủ của dây chuyền này của Mỹ, số tiệm nhiều gấp đôi so với Hoa Kỳ.

Gerber – Là một trong những công ty sản xuất thực phẩm cho trẻ con mới sinh ở Hoa Kỳ, vốn được thành lập từ năm 1927. Ðến năm 1994, Gerber sát nhập với Sandoz Laboratories, rồi công ty này lại nhập với một công ty khác vào năm 1996 để lập thành Novartis, một công ty chế thuốc. Năm 2007, công ty này bán lại Gerber cho công ty có nhiều nước hùn hạp ở Thụy Sĩ là Netslé với giá $5 tỉ.

Firestone – Harvey Firestone thành lập công ty làm vỏ xe vào năm 1900 ở Akron, tiểu bang Ohio. Chỉ vài năm sau, Firestone Tire and Rubber trở nên nổi như cồn khi đặc biệt chuyên cung cấp vỏ xe cho hãng chế tạo xe hơi Ford Motor, và thu lợi nhuận được trong suốt nhiều thập niên. Ðến năm 1979, công ty gặp phải khó khăn phải bán lại cho công ty Bridgestone ở Nhật vào năm 1988. Ngày nay công ty làm ăn khấm khá trở lại, có tổng cộng 10,000 nhân viên và trụ sở đặt tại Indianapolis.

John Hancock Life Insurance – Ðược thành lập đầu tiên từ năm 1862, một quá trình dài suốt 150 năm khiến nó mang tính cách lịch sử in sâu trong trí óc người Mỹ. Ðến năm 2004, Manulife Financial, một công ty bảo hiểm của Canada có trụ sở đặt tại Toronto mua lại.

Frigidaire – Ðược thành lập vào năm 1918 ở Fort Wayne, tiểu bang Indiana. Công ty do General Motors làm chủ từ năm 1919 đến 1979, là lúc được sang tay cho White Sewing. Bảy năm sau, cả White Sewing lẫn Frigidaire đều được bán cho Electrolux, một công ty chế tạo đồ máy móc gia dụng của Thụy Ðiển.

Chrysler Building – Là tòa nhà chọc trời cao hàng thứ ba và là một trong những điểm nổi bật trên bầu trời của Manhattan ở New York City. Tòa nhà kiến trúc kiểu Art Deco này từng được sang tay qua hai chủ ngoại quốc trong 11 năm qua. TNW, một tổ hợp đầu tư của Ðức, mua 75% cổ phần với giá $300 triệu vào năm 2001. Bảy năm sau, Abu Dhabi Investment Council mua lại và nay làm chủ đến 90% của tòa nhà.

Holiday Inn – Mở cửa đầu tiên tại Memphis, tiểu bang Tennessee vào năm 1952 được đặt theo tên của một cuốn phim của Bing Cosby đóng năm 1942. Tuy tiếng tăm của công ty mờ nhạt dần vào thập niên 1980, nhưng hình ảnh của nó vẫn in trong tâm khảm người Mỹ. Năm 1988, một công ty Anh tên Bass mua lại. Ngày nay Holiday Inn thuộc quyền sở hữu của một tổ hợp kinh doanh khách sạn của Anh khác là InterContinental Hotel Group với 1,315 địa điểm khách sạn gồm hơn 240,000 phòng ở Hoa Kỳ. (T.P.)


Leave a Reply