Muôn mặt ẩm thực vùng ven Sài Gòn

Sài Gòn muôn mặt, nên mỗi con đường có thể là một câu chuyện, một gương mặt thể hiện diện mạo lịch sử, văn hóa ẩm thực, và biết bao vui buồn của cuộc đời.

Quán cơm bình dân này, nay có thêm “người hàng xóm”
là món xúc xích Đức. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Chúng tôi chọn một con đường, nối dài từ trong quá khứ tới hiện tại. Nối từ nội ô Sài Gòn tới vùng ven đô. Nó nằm trong khoảng từ dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, nơi một thời dân người Hoa hay tới đây cá mưa cá nắng kéo dài qua tới bến xe quận 8, trước kia là địa danh của bến xe Lam một thời, có tên – Thủ Đức, Ký Thủ Ôn. Lên tới nữa là ngã tư quốc lộ 50 và đại lộ Nguyễn Văn Linh, nơi mà trong ký ức của những người dân cố cựu nơi đây nó còn có một tên gọi dân dã khác là “Ngã tư trại vịt.”

Đoạn đường từ trước bến xe quận 8 cho tới ngã tư Nguyễn Văn Linh dài không quá 2km, nhưng hai bên đường san sát những quán ăn.

Các quán ăn với đủ thứ xuất xứ khác nhau, không chỉ là 3 miền, mà còn là sự pha tạp giữa Việt và Hoa, Khmer, nay lại còn thêm bảng hiệu Đức.

Từ quán bình dân cho tới “du hý” hạng sang đều hiện diện trên con đường này, vì đây là con đường giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh, là một phần của cửa ngõ miền Tây về Sài Gòn qua Long An và quốc lộ 50.

Tại Việt Nam, khi nền kinh tế chuyển đổi, vùng đất nông nghiệp ven đô lên đô thị thì vùng xôi đậu giáp ranh bao giờ cũng tấp nập, phồn thịnh (ảo) vì giá đất, cũng như nhu cầu bất ngờ tăng cao.

Chúng tôi không đề cập tới vấn đề ăn chơi xa hoa, mà chỉ phản ánh cách buôn bán, sinh hoạt đời thường của một con phố. Một con phố tuy không dài, không nổi tiếng, nhưng là một diện mạo rất đặc trưng của vùng ven đô Sài Gòn.

Đầu tiên phải kể tới sự nhập cư của dân miền Tây, vì vùng cửa ngõ là ưu tiên số một của họ.

Đó là lý do mà trên con đường giáp ranh này có những quán trương bảng – Bún mắm Sóc Trăng. Kế đó lại là đại lý Bánh Pía Sóc Trăng.

Tô bún mắm đậm đà hương vị miền Tây, bán với giá bình dân có 18 ngàn đồng một tô.

Tiệm cơm bình dân bao no, đề giá có 15 ngàn đồng. Tuy không trương bảng miền Tây, nhưng từ chủ quán cho tới nhân viên phụ quán nói rặt một giọng miền Tây. Các món ăn rất ngon,đặc biệt là các món chế biến từ mắm. Nhưng nay quán đã gỡ bảng hiệu, hỏi thăm, có người nói bà chủ trúng số về quê rồi, có kẻ lại nói bà chủ đi trốn nợ.

Quán cháo lòng mắt heo, nay chỉ còn thấy bán ở
vùng ven Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Vùng ven Sài Gòn ở đâu cũng vậy, không thể thiếu món ăn dân dã của người miền Nam là món cháo gỏi vịt. Ở đây, quán nằm ngay đầu bến xe quận 8.

Quán cơm chay T.P, là một địa chỉ ưa thích của người bình dân vùng ven đô này. Không hẳn chỉ vì hương vị đơn giản, mộc mạc, giá bình dân 10 ngàn đồng. Mà có lẽ chính yếu hơn là sự liên kết vô hình về tâm linh, giữa những người nghèo có ý hướng về Phật pháp.

Đối diện kế đó không xa, là một quán bún riêu. Có giá 20 ngàn đồng một tô, nấu theo kiểu người Nam nên có kèm theo một cục giò heo.

Đặc điểm của quán xá vùng ven là giá cả bình dân và hương vị dân dã đậm đà, chưa bị lối ăn uống thị thành làm phai lạt hương quê.

Nhưng ở đây, không phải là không có món ngon với giá thị thành một chút, vì đó cũng là đặc điểm của vùng giáp ranh.

Như món bánh canh ghẹ, thấy treo bảng báo là xuất xứ từ vùng chợ Tân Định (Sài Gòn), có giá từ 25 ngàn, tới 30 ngàn đồng một tô.

Hay như, quán lẩu dê 404, một thương hiệu gần như độc chiếm vùng quận 7, đã mở rộng qua khu Trung Sơn (Bình Chánh giáp với khu Nancy cũ), nay mở rộng thêm ra khu giáp ranh quận 8. Và khi phố xá lên đèn,quán lẩu dê này tấp nập thực khách, dậy những tiếng la: “Dzô!”, “Dzô!” làm náo nhiệt cả vùng ven.

Một trong những thương hiệu hủ tiếu nam vang có tiếng ở Sài Gòn là Nhân Quán, cũng về khu này mở một phân nhánh, với giá cả được điều chỉnh mềm hơn nội đô một chút cho phù hợp với vùng ven.

Những dân cư cố cựu, những người lao động nhập cư nghèo, muốn tìm chút đưa cay cùng với nước mắt quê hương để quên đời. Đã có món đặc sản một thời của vùng Chánh Hưng này là món cháo mắt heo. Thường được bán cùng với hột vịt lộn và mấy con khô cá đuối.

Treo bảng mặt tiền, nhưng lại có một con đường nhỏ dẫn vô một quán sân vườn rộng, với đủ các món ăn nhậu là quán Làng Nướng Nam Bộ. Cuối tuần quán còn có ban nhạc tới mở sân khấu hát với nhau.

Quán bò né với giá bình dân chỉ 25 ngàn đồng/1 phần. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Chưa hết, thú vui ăn chơi mặt tiền trên con đường này còn có hớt tóc thanh nữ, máy lạnh. Tiệm massage thảo dược và quán Karaoke thu âm, mà cho tới tận 2-3 giờ sáng vẫn dập dìu tài tử giai nhân, lứa đôi mươi dìu nhau ra vô.

Vì vùng giáp ranh quận 8 này, cũng là nơi có một bộ phận người gốc Hoa sinh sống. Do vậy, không thể thiếu những bảng hiệu kiểu như, “Đạt ký mì gia,” hay quán cơm chiên hải sản Tuyền ký.

Rồi một hôm, có lẽ nhận ra con đường này là nơi đất lành chim đậu hay vì một lý do nào khác. Người ta thấy xuất hiện nơi con đường ẩm thực bình dân vốn đang rất phồn thực này, lại xuất hiện một ông Tây đứng nướng xúc xích Đức, bày bán ngay trên hè phố.

Xúc xích của ông Tây, nhận mình là người Đức này có hai loại là xúc xích heo và xúc xích bò. Một cây xúc xích nướng được bán với giá là 35 ngàn đồng, hơi cao so với mặt bằng bình dân ở đây.

Ngoài xúc xích thì ông Tây này còn bán kèm bia lon Đức hiệu Beck, cũng với giá 35 ngàn đồng một lon. Trong khi bia lon 33 của Việt Nam chỉ có giá là 10 ngàn đồng, bia lon Larue của Pháp cũng chỉ có giá là 9 ngàn đồng. So sánh vậy, vì quán xúc xích Đức này bán đem về, không phục vụ ăn tại chỗ.

Bia Đức và xúc xích Đức lâu nay vẫn là hai món danh bất hư truyền, nổi tiếng trên chốn giang hồ quốc tế.

Nhưng riêng trong trường hợp này, thì xúc xích Đức của ông Tây này cũng không ngon hơn đồ của Vissan bán đầy trong siêu thị. Còn bia lon Beck mới du nhập gần đây vô Sài Gòn lại cũng chưa phải là đối thủ đủ sức cạnh tranh với bia Sài Gòn.

Sài Gòn là một thành phố rất hay, luôn mở rộng vòng tay đón nhận những cái mới. Nhưng qua quá trình sàng lọc, món gì không ngon thì không ăn, bia rượu loại nào dở thì không uống.

Ngoại trừ cái “món Cộng Sản,” mà dân Sài Gòn bốn mươi năm nay, nuốt không vô mà khạc cũng không ra.

Leave a Reply