Theo hãng tin AP, sự thay đổi này đã đặt Mỹ cùng phía với nhiều nước đang phát triển, vốn đang muốn các quốc gia giàu có làm nhiều hơn nữa để những người cần có thể có vắc-xin.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã tuyên bố lập trường của Chính phủ Mỹ giữa lúc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề cập tới việc tạm thời bỏ các biện pháp bảo vệ, cho phép thêm nhiều nhà sản xuất có thể sản xuất vắc-xin cứu người.
“Chính quyền Mỹ tin tưởng mạnh mẽ vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, Mỹ ủng hộ bỏ các biện pháp bảo vệ đó với vắc-xin ngừa Covid-19”, bà Tai cho biết.
Quan chức Mỹ này cũng cảnh báo rằng để đạt được sự đồng thuận toàn cầu trong việc bỏ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ theo quy định của WTO, sẽ mất nhiều thời gian. Và điều đó sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức với nguồn cung cấp các mũi tiêm Covid-19 trên toàn thế giới.
Trong một bài viết đăng trên Twitter, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Châu Phi, John N. Nkengasong nói, CDC châu Phi hoan nghênh việc bỏ các quy tắc về sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19 và gọi quyết định của Mỹ là “đi đầu trong hành động”. Ông này cho biết thêm: “Lịch sử sẽ ghi nhớ quyết định này như một hành động vĩ đại của nhân loại”.
Tuyên bố của bà Tai được đưa ra vài giờ sau khi Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo Iweala có bài phát biểu tại một cuộc họp kín với đại diện của các nước đang phát triển và phát triển về vấn đề này.
Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ đề xuất trên và một nhóm gồm 110 thành viên Quốc hội Mỹ, tất cả đều là đảng viên Dân chủ, đã gửi cho Tổng thống Biden một lá thư kêu gọi ông ủng hộ việc bỏ bảo vệ sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19.
Theo hãng tin Reuters, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ thảo luận về việc từ bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19, một quan chức cho biết trước thềm cuộc họp của lãnh đạo 27 quốc gia thuộc khối này.
Hiện các hãng sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 như Pfizer, Johnson&Johnson, AstraZeneca và Moderna đều chưa bình luận gì về thông tin trên.
Vấn đề từ bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19 đã trở nên cấp bách khi các ca nhiễm ở Ấn Độ tăng vọt. Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, là nhà sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 chủ chốt, trong đó có loại dựa trên công nghệ của Đại học Oxford và nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh và Thuỵ Điển.
Hoài Linh