Nghệ sĩ Hải Ngoại về Việt Nam biểu diễn: Làn gió mới nhưng không lạ

Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn hay tham gia các chương trình truyền hình thực tế. Những cái tên đình đám của làng nhạc hải ngoại trên sân khấu Việt khiến khán giả Việt Nam hy vọng có làn gió mới cho thế giới giải trí nhưng có vẻ như không có gì… lạ.

Ảnh minh họa

“Ngộp thở” vì quá nhiều “sao” ngoại gốc Việt

Muốn được gặp và hát trực tiếp cho các khán giả quê nhà nghe… là những lí do được nhiều ca sĩ hải ngoại giải thích cho sự trở về của mình. Điều này là có thật, song có một nguyên nhân khác mà ít người trong cuộc nhắc đến là: thị trường âm nhạc hải ngoại đang dần bị thu hẹp! Nhiều liveshow với những tên tuổi lớn như nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Chế Linh, Khánh Ly, Duy Quang, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Hương Lan… không như mong đợi khi mà thần tượng đã già, bên kia con dốc đời người, làn hơi đã hết sức sống mãnh liệt thuở nào và sự da diết cũng chỉ là kỉ niệm. Tuy nhiên, bên cạnh những cuộc trở về mang ý nghĩa hoài niệm vẫn có nhiều “nghệ sĩ Việt kiều” đầy sức sống vì họ còn trẻ, không thuộc lớp “xin gọi nhau là cố nhân” như các bậc tiền bối.

Những ca sĩ trẻ như Tóc Tiên, Thu Phương, Phi Nhung và Dương Triệu Vũ chia sẻ, lí do tìm về là vì muốn chinh phục khán giả quê nhà, bởi đi diễn ở đâu cũng không bằng đứng trên sân khấu quê hương. Một nguyên nhân nữa cho sự trở về mà nhiều người ngại nhắc đến là do thị trường âm nhạc ở hải ngoại đang có dấu hiệu bão hòa, thậm chí nhiều chương trình biểu diễn danh tiếng hàng chục năm, nay tuyên bố đóng cửa, bỏ cuộc.

Nhiều nghệ sĩ vắng show, thất thoát doanh thu, thì thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn sôi động, nhu cầu nhiều và đặc biệt chuộng những giọng ca hải ngoại, bởi những bài hát gắn liền với kí ức của họ. Nắm bắt được thị hiếu của công chúng, các ca sĩ hải ngoại nô nức trở về với sân khấu Việt. Cát-xê hấp dẫn cũng là lí do khiến các chuyến trở về trở nên đặc biệt hấp dẫn. Một bầu show cho biết, cát-xê của các danh ca hải ngoại hiện khá cao. Tuấn Anh, Vũ Khanh, Ý Lan… có mức cát-xê cho từng show sự kiện từ 4.000 – 6.000 USD, chưa kể vé máy bay, ăn, ở (khoảng hơn 2.000 USD). Tuấn Ngọc, Trịnh Nam Sơn, Khánh Hà, Nguyễn Hưng, Trường Vũ, Mạnh Đình, Thanh Hà, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung… có mức cát-xê từ 2.000 – 6.000 USD tùy tính chất chương trình. Một số ca sĩ “hot” như Bằng Kiều, Quang Lê có giá 10.000 USD/show. Và số tiền này được cho là gấp đôi giá cát-xê mà những ca sĩ này vẫn nhận được khi ở hải ngoại.

Không ca hát thì… Làm giám khảo

Không chỉ sân khấu ca nhạc mà các chương trình truyền hình thực tế cũng là mảnh đất màu mỡ để nghệ sĩ hải ngoại trở về đua tài… Dường như không có gameshow nào mà khán giả không bắt gặp ít nhất một nghệ sĩ hải ngoại làm giám khảo hoặc tham gia chương trình trong vai trò khách mời. Tuy nhiên, chính nơi đây lại bộc lộ nhiều bất cập, làm khán giả thất vọng như khi họ nghe lại những giọng ca vàng son năm nào. Chính điều này tạo ra sự lặp lại, nhàm chán với không ít khán giả. Chưa kể việc một số nghệ sĩ như Đức Huy, Minh Tuyết, Việt Hương… khi làm giám khảo nhận xét về thí sinh còn “đuối” về cách dùng từ ngữ tiếng Việt, nói không rõ ý và các nghệ sĩ thường khen nhiều hơn là phản biện, nói thẳng nói thật để thí sinh biết cách thay đổi, cố gắng phát huy sở trường.

Thực ra, việc tham gia các chương trình truyền hình giải trí là cách giúp nghệ sĩ hải ngoại kết nối với khán giả trong nước lẫn kiều bào tốt hơn. Tuy nhiên, để có được chỗ đứng nhất định với công chúng, các nghệ sĩ hải ngoại và nhà sản xuất trong nước cần phải có điểm dừng đúng lúc vì bất cứ ai ăn mãi “một món” cũng chán. Hơn nữa, khi ngồi “ghế nóng” gameshow, các nghệ sĩ hải ngoại nên có thời gian tìm hiểu, quan sát, nghiên cứu… để nắm được vấn đề, nội dung sẽ tham gia để có những nhận định, bình luận chính xác hơn, bằng không cuộc vui cũng chỉ “vài trống canh” mà thôi! Chính tại thị trường giải trí Việt tại hải ngoại, các nghệ sĩ lớn tuổi cũng không bắt kịp nhu cầu hưởng thụ văn hóa của lớp trẻ Việt kiều và bị họ quay lưng kể cả khi họ trình diễn hay làm giám khảo hoặc tham gia các chương trình truyền hình thực tế.

Hiện tượng “tràn về” của nghệ sĩ hải ngoại đã tạo nên cuộc cạnh tranh ngầm giữa họ với nghệ sĩ trong nước. Nhiều nghệ sĩ trong nước chủ động đề nghị hợp tác với nhà sản xuất chứ không còn ngồi chờ mời năm lần bảy lượt mới nhận lời như trước đây. Có ý kiến cho rằng, khán giả Việt Nam vốn “cả thèm chóng chán”. Cùng một chương trình nhưng mùa trước và mùa sau đã phải có sự thay đổi. Nếu một nghệ sĩ được giữ lại 2 hay nhiều mùa liên tiếp thì người đó phải có những tuyệt chiêu để giữ chân khán giả. “Nhưng nói thật, hiếm có nghệ sĩ nào làm được điều ấy”, một nhà sản xuất chia sẻ. Sự trở về của những nghệ sĩ Việt ở nước ngoài là điều tự nhiên và dù nó không thể tạo ra làn gió mới trong thế giới giải trí như kì vọng của khán giả Việt thì cũng góp phần vào bức tranh muôn sắc của làng nghệ thuật nước nhà.

Hoàng Linh / Duyên dáng Việt Nam

Leave a Reply