VIỆT NAM (NV) – Những tàu đánh cá vỏ thép được đóng theo chương trình “hỗ trợ bám biển, khẳng định chủ quyền” đang dìm các chủ tàu chìm trong nợ. Phá sản được xem như tất nhiên, chỉ chưa biết là lúc nào.
Năm 2014, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 67, khẳng định sẽ đầu tư – phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một “gói” trị giá 14.000 tỉ hỗ trợ ngư dân bám biển, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
14.000 tỉ vừa kể chủ yếu sẽ dùng vào việc chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại.
Tờ Thanh Niên vừa có một phóng sự về những con tàu đánh cá có vỏ bằng thép đó.
Theo phóng sự này thì xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có chín tàu đánh cá vỏ thép. Cả chín tàu đều đang thả neo tại bờ vì máy móc, thiết bị hư hỏng ngay từ chuyến hải hành đầu tiên. Các đợt sửa chữa sau đó dù rất tốn kém nhưng không hiệu quả.
Chẳng riêng máy móc, thiết bị không an toàn mà vỏ thép của các tàu đánh cá này cũng bị xem là đáng ngờ về chất lượng. Ngày 5 tháng 11 năm 2016, trong chuyến hải hành đầu tiên, tàu đánh cá vỏ thép mang số kiểm soát BĐ 99939 của ông Nguyễn Thư, ngụ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, bị phá nước, chìm giữa biển lúc áp thấp nhiệt đới đang đổ đến. May mắn là thủy thủ đoàn với tám thành viên không có ai thiệt mạng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với tàu đánh cá vỏ thép của ngư dân nhiều tỉnh ven biển khác.
Ông Ngô Văn Hưng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết, sáu trong số chín tàu vỏ thép, đóng bằng tiền vay từ chương trình “hỗ trợ bám biển, khẳng định chủ quyền” không thể ra khơi vì hư hỏng liên tục. Bởi không thể đi biển, ba trong số sáu chủ tàu rơi vào tình trạng “nợ quá hạn, không thanh toán”.
Phòng Kinh tế của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định xác nhận, do chi phí quá cao, chủ các tàu vỏ thép tại thành phố này lỗ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định loan báo, sau khi làm việc với hệ thống ngân hàng, đề nghị hoãn thu nợ, họ sẽ làm việc với những ngư dân lỡ dại vay tiền đóng tàu vỏ thép để tìm giải pháp giúp ngư dân khắc phục khó khăn.
Việt Nam có hơn một triệu ngư dân và 28.000 tàu đánh bắt xa bờ. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Nếu gặp nhân tai (tàu thuộc lực lượng vũ trang của Trung Quốc tấn công, tịch thu), hoặc thiên tai (gió bão), chủ tàu phá sản.
Mỗi khi Trung Quốc hung hăng, hành xử càn rỡ trên biển Đông, khiến ngư dân Việt thêm ngán ngại trong chuyện ra biển, chính quyền Việt Nam lại hứa hẹn sẽ hỗ trợ họ bám biển. Tuy nhiên cho đến nay, những kế hoạch hỗ trợ đó chỉ làm ngư dân thêm mạt.
Tin vào chương trình “hỗ trợ bám biển, khẳng định chủ quyền”, những ngư dân đã vay tiền đóng tàu vỏ thép giờ ôm khoản nợ hơn 18 tỉ kèm… lãi vì việc đóng các con tàu vỏ thép được giao cho một số doanh nghiệp thiếu cả kinh nghiệm lẫn khả năng đảm nhận.
Chẳng phải hiện nay mà trong quá khứ, các chính sách hỗ trợ ngư dân luôn là cơ hội cho viên chức nhiều cấp, nhiều ngành đục khoét theo đủ mọi kiểu.
Năm 1997, chính quyền Việt Nam từng thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ”. Đến tháng 4 năm 2006, sau khi ngốn hết 1.400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1.400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh – thành phố, quận – huyện, phường – xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ” hồi 1997, cuối thập niên 2000, chính quyền Việt Nam đề ra một chương trình hỗ trợ khác dành cho ngư dân. Đó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá”. Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2.000 tàu đánh cá và sau đó, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn “thí điểm” đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. (G.Đ)