Người mua ve chai tìm thấy 5 triệu yen trong thùng loa cũ

Mở chiếc thùng sắt phế liệu mua từ năm ngoái, vợ chồng chị Hồng phát hiện bên trong có hơn 5 triệu yen (hơn 1 tỷ đồng). Nhiều người biết chuyện đã đến gây áp lực đòi chia phần khiến họ phải cầu cứu công an.

Trong hai ngày qua, chị Hồng liên tục nhận chia sẻ niềm vui từ nhiều người thân ở quê. Ảnh: An Nhơn
Hai ngày nay chị Hồng liên tục nhận được điện thoại chia vui từ người thân. Ảnh: An Nhơn

Trong căn nhà lụp xụp cách đầu hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Quang, (phường 10, quận Tân Bình, TP HCM) khoảng 50 m, vợ chồng “nhà ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi) và Trịnh Minh Vương (36 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) cười thật tươi. Họ cho biết vẫn còn thấy lâng lâng khi vừa tìm thấy trong thùng sắt chứa hơn 5 triệu yen Nhật (khoảng 1 tỷ đồng).

Chị Hồng kể, khoảng tháng 11/2013, khi đẩy xe ve chai trên đường Trần Văn Quang, gần nhà trọ, chị mua chiếc thùng loa bằng kim loại vuông, cao khoảng 0,5 m đã gỉ sét, bên dưới có 4 chiếc bánh nhựa với giá 100.000 đồng, của một người đàn ông đi đường. Do chưa có thời gian phá thùng lấy đồng bán, vợ chồng chị vứt nó lăn lóc trong đống phế liệu ở góc nhà. “Giờ tôi không thể nhớ gì về người đàn ông đó và cụ thể chỗ thu mua cái thùng này ở đâu”, chị Hồng nói.

Khoảng 15h ngày 21/3, vợ chồng chị đem thùng loa ra trước hẻm tháo ốc vít, phân loại để lấy sắt, đồng… thì phát hiện bên trong có một hộp gỗ dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15 cm và khá sâu khiến anh Vương tò mò. Khi chiếc hộp được mở, vài tờ tiền bay ra và được một số người đứng gần đó nhặt. “Vợ chồng tôi không ai biết chữ nên nghĩ là tiền âm phủ, chứ không hề biết là tiền Nhật”, anh Vương kể.

Chiếc xe mà chị Hồng hàng ngày đi mua phế liệu và "trúng được "kho báu". Ảnh: An Nhơn
Chiếc xe mà chị Hồng hàng ngày đi mua phế liệu và “trúng” được “kho báu”. Ảnh: An Nhơn.

Lời đồn về hai vợ chồng mua ve chai “trúng kho báu” lan đi rất nhanh. Chỉ vài giờ sau, nhiều người kéo đến nhà trọ của anh Vương để xin tiền “làm kỷ niệm”. Nhưng đến tối cùng ngày, cả trăm người, trong đó có nhiều thanh niên lạ mặt kéo đến vây nhà, gây áp lực buộc vợ chồng anh “phải chia tiền”. “Họ la lối, giành giật làm chúng tôi rất hoảng. Nghe mọi người bảo đó là tiền Nhật, giá trị rất lớn, chúng tôi càng sợ hơn nên trình báo công an”, chị Hồng cho biết.

Công an được huy động đến giải tán đám đông tập trung trong hẻm và vận động vợ chồng anh Vương giao nộp số tiền này. Ngay trong đêm, chị đã giao tiền cho công an thì tình hình trật tự xung quanh nhà mới vãn hồi. Tổng cộng số tiền chị Hồng giao nộp là 520 tờ tiền Nhật, có một số xấp bị mục nát, mỗi tờ mệnh giá 10.000 yen (trên 5 triệu yen, tương đương 1 tỷ đồng).

Dù đã nộp tiền cho công an, song hai ngày nay vẫn còn hàng chục người tìm đến nhà chị Hồng tìm hiểu sự việc. “Từ hôm qua tới giờ chúng tôi có ăn uống, ngủ nghỉ gì đâu. Đêm nào cũng có nhiều người lạ cứ đứng trước nhà khiến tôi và mọi người ở đây không ai dám ngủ cả”, chị Hồng nói.

Anh Vương cho biết, ngày nào, hai vợ chồng phải rong ruổi ngoài đường nên gửi hai con về quê tự chăm sóc lẫn nhau, mỗi tháng vợ chồng anh chắt chiu gửi tiền về. Mỗi ngày, nhiều thì anh chị kiếm được khoảng 500 nghìn đồng, nhưng cũng có khi lỗ vốn vì ước lượng sai giá.

Làm lụng cực khổ nên hai vợ chồng chưa bao giờ dám mơ đến một ngày “trở thành tỷ phú”. “Số tiền lớn nhất mà chúng tôi có được khoảng 50 triệu đồng. Nếu tìm được chủ sở hữu thì trả cho họ thôi, còn không có ai nhận, tôi chỉ mong được cho một số tiền để làm ăn, nuôi con ăn học và dành cho những người nghèo có hoàn cảnh như gia đình tôi”, chị Hồng chia sẻ.

Dù chị Hồng không còn giữ số tiền nhưng nhiều người vẫn đến chia sẻ niềm vui với hai vợ chồng. Ảnh: An Nhơn
Dù chị Hồng không còn giữ số tiền nhưng nhiều “đồng nghiệp” vẫn tìm đến chia sẻ niềm vui quá lớn với hai vợ chồng họ. Ảnh: An Nhơn.

Sáng 23/3, Công an phường 10 quận Tân Bình tiếp tục mời chị Hồng đến trụ sở để ký vào số tiền niêm phong. “Trong thời gian làm rõ nguồn gốc, số tiền này sẽ được gửi vào ngân hàng. Nếu không xác minh được chủ sở hữu, số tiền này sẽ xử theo luật định, trong đó chị Hồng ít nhiều cũng sẽ được hưởng”, một cán bộ công an quận Tân Bình cho biết.

Theo đó, khả năng vợ chồng chị Hồng có thể nhận được khoảng 500 triệu đồng nếu như không tìm thấy chủ sở hữu số tiền này.

Theo điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:

1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương. Phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

An Nhơn

Leave a Reply