Người Việt làm nông ở Mỹ

Một vòng quanh các chợ, các tiệm bán trái cây, đặc biệt là những loại trái cây nhiệt đới quen thuộc như mít, ổi, mận, xoài, chuối xiêm, hồng, ớt chỉ thiên, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, thanh long… người ta dễ nhận thấy rằng, thời buổi này, đa số các loại hoa quả ấy là do rất nhiều người Việt ở California trồng. Mới đầu, có thể chỉ là trồng để ăn, để làm kiểng, để nhớ về quê hương. Dư ăn không hết thì biếu bà con, bạn bè. Còn dư nữa thì đem ra chợ bán. Trong loạt bài phóng sự “Rau vườn Việt trên đất Mỹ” đăng trong năm 2010 trên nhật báo Viễn Đông, chúng tôi đã đề cập tới đủ thứ loại rau quả do người Việt Nam trồng ngay sau vườn nhà.

Anh Trần Tân, chủ trang trại thanh long ở San Diego, tại một tiêm bán trái cây trên đường Bolsa – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Có thể nói, ngày nay người Việt ở Cali không thiếu gì những loại trái cây như ở Việt Nam. Phẩm chất thì không cần phải bận tâm, khỏi sợ ngộ độc vì sử dụng quá nhiều thuốc hóa học hay chất kích thích… như các loại trái cây Việt Nam hay trái cây của Tàu. Người Việt Nam vốn cần cù lao động, cái gốc làm nông trong những gia đình Việt Nam vẫn còn, từng gắn liền với vườn rau, vườn cây ăn trái khi còn ở Việt Nam…
Sau khi rời xa quê hương, vượt trùng dương đi tìm bến bờ tự do trên xứ lạ quê người, một thời gian trên dưới 3 thập kỷ, bươn chải, tạo dựng sự nghiệp trên đất Mỹ, nhiều người chưa kịp thưởng thức lại những loại rau quả đặc thù từng gắn liền với đời sống của mình thì đã “về bên kia thế giới”. Nhiều người lúc mới sang Mỹ định cư những năm đầu, mong được ăn những loại rau, quả như hồi ở Việt Nam mà làm gì có. Nhưng giờ đây thì “Việt Nam” đã hiện diện khắp nơi trên xứ Mỹ. Sự hiện diện này có thể nhìn thấy qua các ngôi chợ Việt Nam, mà nhật báo Viễn Đông đã đăng loạt phóng sự “Chợ Việt Nam trên xứ Mỹ” hồi giữa năm 2012.


Những trang trại nông sản ở miền Bắc Cali phải có “nhà kính” bảo vệ khi tiết trời sang Đông – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Không những thế, nhiều sắc dân khác ngày nay cũng biết đến các loại rau quả của người Việt Nam. Trong những ngôi chợ Việt, người ta cũng bắt gặp đông người sắc tộc khác cùng đi chợ Việt. Biết được nhu cầu ấy, nhiều chủ nhân những trang trại lớn trồng trái cây, rau củ ngay trên xứ Mỹ này, không chỉ cung cấp cho thị trường của người Việt Nam, mà còn cung cấp cho các chợ Mỹ. Trong loạt phóng sự kỳ này, phóng viên Viễn Đông tìm hiểu về những nông trại của người Việt Nam ở Hoa Kỳ, đặc biệt tập trung ở California, nơi khí hậu cho phép trồng trọt những loại cây, rau có gốc gác từ vùng nhiệt đới.
Tình cờ khi trò chuyện với anh Mai Anh, chủ tiệm bán trái cây tươi trong khu chợ Tam Biên trên phố Bolsa, chúng tôi gặp được vợ chồng Trần Tân – Nguyễn Lan, chủ nhân trang trại trồng trái cây thanh long và ổi rất lớn ở San Diego.


Ớt chỉ thiên anh Tân cũng ươm để ăn và bán – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Anh Tân cho biết: “40 chục ngàn trụ thanh long đã 7 tuổi trên 25 mẫu. Với 2 vườn, một vườn 7 mẫu còn trồng ổi. Nói 7 mẫu vậy chứ tính ra diện tích có thể lên đến 10 mẫu. Vì đây là vùng đất đồi núi, khi mình thuê thì người ta chỉ tính diện tính đất bằng. Mình hưởng lợi hơn là nhờ vào đất đồi. Thật ra, trước khi thuê đất khoảng 50 năm để mở trang trại, vợ chồng chúng tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu hướng dẫn cách trồng cây ăn trái như thanh long, ổi. Tất nhiên là còn phải tính đến nhiệt độ và khí hậu của từng mùa nữa. Rồi kinh nghiệm của một vài năm đầu. Sau hai năm, thu hoạch rất thành công”.
Nhiều người cũng thuê đất mở trang trại tại San Diego này, nhưng không phải ai cũng đạt được thuận lợi mỹ mãn. Điều mà anh Tân tâm đắc là chọn đúng vị trí đất đồi núi để trồng. Khí hậu ở San Diego rất ôn hòa, lạnh nóng tới rồi đi, chứ không bảo lưu lâu một chỗ. Còn ở ngay vùng Santa Ana này, nóng thì nóng quá nên cũng không phải là khí hậu lý tưởng để trồng thanh long hiệu quả. Chính vì có được khí hậu thuận lợi nên cây trồng phát triển tốt và cho quả rất sung. Ngoài ra, anh còn trồng thêm loại mãng cầu và trái na, giống lấy từ Việt Nam nhưng tháp với mãng cầu Mỹ; trồng sen lẫn trồng vườn để vừa làm mát đất vừa tăng thêm tính hiệu quả kinh tế trên từng mẫu đất.


Một số khoảnh đất trống, anh Tân còn trồng thêm dưa gang – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Anh Tân cho biết, hiện nay là mùa thanh long trổ hoa. Mỗi khi chiều xuống, một rừng hoa thanh long rực rỡ kéo dài suốt đêm. Đến khi nắng lên thì hoa cũng bắt đầu tàn dần. Mỗi ngày đều có hoa thanh long nở kéo dài cả mấy tháng trời, vì thanh long ra hoa 2, 3 đợt một mùa. Anh nói, mỗi ngày lái xe chạy trên những vùng đồi thanh long xanh rờn đầy hoa mà lòng phơi phới: “Khi qua Mỹ, mình lại yêu thích cái nghề trồng trọt này. Hưởng được cái thú cỡi xe xem hoa trái giữa vùng bình nguyên bao la rộng lớn trên xứ Mỹ. Lao động ở đây không như ở Việt Nam. Tất cả đều tự động hóa từ lúc trồng cây, làm cỏ, cắt tỉa, và hệ thống tưới nước tự động, cho đến việc hái trái và vận chuyển đến các chợ”.


Chị Nguyễn Lan, vợ anh Tân, chuyên phụ trách phát triển thị trường tiêu thụ cho mặt hàng nông sản của gia đình – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngày nay, những loại hoa quả Việt đơm bông kết trái ngay trên đất Mỹ, không chỉ cung cấp cho cộng đồng Việt Nam mà cho mọi sắc dân khác cùng thưởng thức. Anh Tân cho biết: “Nhân công chỉ có 4 người, nhưng họ làm việc rất siêng năng. Vợ chồng chúng tôi cũng hầu như có mặt thường xuyên trên nông trại để theo dõi và coi sóc kỹ lưỡng. Thời gian còn lại thì đi giao hàng. Thanh long phần lớn là bán cho thị trường Mỹ, vào hầu hết các chợ Ralphs, chợ Vons, Payless Foods, Albertsons… Bà xã tôi lo về phần thị trường tiêu thụ và làm việc với các mối lái”.
Ánh mắt anh dường như nói lên niềm hạnh phúc lứa đôi khi hai vợ chồng cùng hợp sức làm việc và sống cuộc đời nhà nông gần gũi bên nhau trên mảnh đất do chính họ vun trồng, không còn cảm giác “xứ lạ quê người” nữa.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Thomas Trương/Viễn Đông

Leave a Reply