SANTA ANA, California (NV) – “Lấy kinh nghiệm từ bản thân, khi gặp bạn bè hay bất kỳ ai, tôi luôn khuyên họ hãy đừng nghỉ hưu sớm. Hãy làm việc đến khi nào không làm được nữa thì thôi.”
Ông Minh Trần, 70 tuổi, ở Santa Ana, Nam California, bày tỏ như vậy khi được hỏi rằng “có nên nghỉ hưu sớm hay không?”
Ông Minh Trần cũng như nhiều người khác đều có chung quan niệm là không nên nghỉ hưu theo nghĩa là không làm gì cả, trừ khi sức khỏe không cho phép. Bởi nghỉ hưu sớm sẽ đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe, thu nhập và đời sống.
Về hưu nhưng không ngừng công việc
Cách đây năm năm, ông Minh Trần đột nhiên bị bệnh, buộc phải nghỉ hưu sớm. Vì chưa chuẩn bị trước nên ông “bị khủng hoảng tinh thần vì thời gian rảnh rỗi quá nhiều.”
Ông Minh cho hay: “Tôi cảm thấy cuộc sống nhàm chán và buồn bã trong một thời gian dài, rồi đi học đủ thứ để giết thời gian. Sau này, tôi đi chọn nghề lái xe taxi. Mặc dù lương hưu đủ sống và các con đã trưởng thành, có thể phụ giúp nhưng tôi vẫn đi làm cho vui.”
Cùng suy nghĩ như ông Minh, bà Lan Anh Nguyễn, 68 tuổi, ở Cypress, từng là một chuyên gia về thiết kế đồ thể thao tại Los Angeles.
Bà Lan Anh kể: “Tôi về hưu được một năm. Thực ra thì tôi bị hãng cho nghỉ việc chứ không phải tôi chủ động nghỉ. Tôi rất yêu nghề và đã sống với nghề mấy chục năm nay. Tự nhiên ‘bị nghỉ hưu’, tôi rơi vào hụt hẫng và thất vọng. Điều tôi lo ngại nhất là thu nhập giảm hẳn. Lương hưu chỉ đủ cho tiền trả góp nhà, tôi phải rút từ tiền tiết kiệm để bù vào chi tiêu, nhưng tiền tiết kiệm không nhiều.”
Hoàn cảnh của bà Lan Anh tương tự nhiều người nghỉ hưu nhưng không đủ sống. Trong bối cảnh giá thuê nhà ở Nam California không ngừng tăng, nhiều người đang phải sống chật vật. Đặc biệt là những người độc thân, ốm yếu không còn sức lao động, đang ở trong các khu mobile home hoặc apartment thuê mướn.
Bà Hồ Kim Lan, 80 tuổi, cư dân khu Bali-Hi Mobile Homes Lodge ở Santa Ana, tâm sự: “Thu nhập của tôi chỉ có hơn $900/tháng mà hiện nay tiền thuê đất và điện, nước lên tới $860/tháng. Chồng tôi đã mất, tôi chỉ còn có một mình. Tiền tiết kiệm không có, tôi không còn đủ tiền để sinh sống, phải nhờ con cháu mua gạo, mua rau cho.”
Không có cách nào khác hơn là phải tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập, bà Lan Anh Nguyễn cho biết: “Tôi cũng đã đi nộp đơn xin việc nhiều nơi, cho dù với mức lương thấp, tôi cũng vui vẻ, chỉ để được làm việc. Nhưng không thấy người ta gọi. Có lẽ trở ngại lớn nhất là tuổi tác nên họ không tuyển dụng. Tôi thực sự chưa muốn nghỉ hưu.”
Với những người lương hưu không đủ sống thì phải tiếp tục làm việc là lẽ đương nhiên. Nhưng ngay cả những người có dư dả tiền bạc, họ vẫn muốn làm việc vì những lý do khác nhau, đa phần là để giữ cho tinh thần minh mẫn, cho cuộc sống họ có ý nghĩa.
Là một người làm việc chăm chỉ 10 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, ông Sỹ Nguyễn, chủ một văn phòng dịch vụ tư vấn luật ở Santa Ana tâm sự: “Người thân luôn muốn tôi nghỉ hưu để có thời gian đi du lịch, hưởng thụ. Nhưng tôi vẫn thấy mình có đủ trí tuệ, minh mẫn để làm việc hiệu quả, thì tại sao lại nghỉ hưu?”
Trong khi chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu là 67, nhưng ông Sỹ chưa nghĩ tới việc nghỉ hưu dù đã ở tuổi 70.
“Tôi làm việc không phải vì tiền, vì mưu sinh cuộc sống. Tôi làm việc để ‘enjoy’ cuộc đời, để giúp người khác thoát khỏi những vấn nạn của họ về nhiều mặt của đời sống như nợ nần, li dị, phá sản, tranh chấp tài sản… Tôi luôn tâm niệm rằng, mình làm những việc hữu ích cho xã hội, thì mình sẽ được nhận lại những phước đức cho mình và cho con cháu. Chính vì thế tôi giữ được sức khỏe và nhiệt huyết trong công việc.”
Nói chuyện về nghỉ hưu, nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên, chia sẻ: “Còn sức khỏe thì mình còn làm việc. Mục đích của tôi là làm việc đặng có tiền để mà làm từ thiện. Tôi giúp đỡ những em bé mồ côi, khuyết tật ở Việt Nam và ở Cao Miên trong nhiều năm qua. Châm ngôn của tôi là ‘khi mình thương một ai đó, thì mình không cần nói ra mình thương, mà người ta cần gì mình giúp thì đó là thể hiện tình thương rồi.’”
Mặc dù đã quá tuổi nghỉ hưu hàng chục năm, nhưng bà Kiều Mỹ Duyên vẫn say mê làm việc. Có khi bà làm tới 15 tiếng một ngày. Bên cạnh nghề ký giả, bà còn là một nhà kinh doanh bất động sản dày dạn kinh nghiệm từ năm 1980.
Mặc dù có thu nhập cao nhưng bà sống rất giản dị: không trang sức, không đồ hiệu, không nhà đẹp xe sang. Tài sản của bà chỉ là những tấm hình, kỷ niệm về những chuyến đi khắp thế giới và những chuyến từ thiện không biết mệt mỏi.
Bà tâm sự: “Cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống giúp được người khác, giúp một cách chân thành không vụ lợi. Tuy vậy, tôi xũng xin chia sẻ với quý vị là phải để ý đến sức khỏe của mình, có triệu chứng bệnh thì đến ngay bác sĩ, đừng để quá chậm trễ.”
Về hưu là để làm những việc mình thích, chứ không nên để “nhàn cư vi bất thiện.”
Khác với những người kể trên, ông Tường Nguyễn, 70 tuổi, ở Irvine, lại chủ động lựa chọn về hưu ở tuổi 67. Ông là một kỹ sư thiết kế công trình, làm việc cho chính phủ tại Los Angeles. Hàng ngày ông phải đối mặt với nạn kẹt xe, công việc căng thẳng, áp lực và giờ giấc bó buộc. Ông đã chủ động xin về hưu nhưng không phải để an hưởng mà là để khởi đầu một sự nghiệp khác.
Ông Tường cho biết: “Tôi đã đi học rất nhiều lớp học để lấy chứng chỉ về nghề xây cất, sau đó tôi mở công ty riêng để làm những việc mà tôi thích.”
“Tôi có một vài người bạn, khi nghỉ hưu họ cũng có một số tiền dư dả, nên họ đã không làm việc nữa. Có điều, thay vì thư giãn, giải trí lành mạnh, họ lại rơi vào cảnh ‘nhàn cư vi bất thiện’ như ăn chơi, bao mấy cô trẻ đẹp đi vũ trường, đi casino. Có người về Việt Nam, ham cưới vợ trẻ rồi bảo lãnh qua, nhưng rồi họ lại gặp cảnh ‘tán gia bại sản.’”
Ông Tường Nguyễn nói thêm: “Khi nghỉ hưu, quý vị đừng bao giờ để cho mình rơi vào trạng thái nhàn rỗi, không có gì để làm. Ai đang có hạnh phúc gia đình thì lo giữ hạnh phúc. Ai độc thân thì phải luôn giữ cho mình được khỏe mạnh, lạc quan, năng động. Ít nhất thì cũng nên đi tập thể dục, đi học hát, học khiêu vũ hay làm vườn, du lịch, nấu ăn. Nói chung là làm tất cả những thú vui lành mạnh mình thích. Tốt hơn cả là đi làm từ thiện. Kết bạn với người có suy nghĩ tích cực để cho tâm hồn mình trẻ trung.”
Chứng kiến nhiều người khi về hưu, lương không đủ sống, cũng có người về già thì tiền tiêu không hết nhưng lại ăn tiêu phung phí, xa hoa,… nên ông Tường chiêm nghiệm.
“Khi còn trẻ, nên để dành tiền càng nhiều càng tốt vào các chương mục như 401K, HSA hoặc đầu tư nhiều nơi khác nhau, đừng tiêu xài hoang phí. Khi về già, nếu có điều kiện, có tiền bạc, thì cũng nên biết cho đi. Cho đi nhiều sẽ nhận lại nhiều, cho tất cả sẽ nhận lại tất cả. Đó là phước đức. Tôi ngẫm thấy rằng, giàu có hay tiền bạc không làm người ta sống lâu, sống khỏe mà là nhờ phước đức. Bởi khi chết đi, tiền bạc không mang đi theo được, chỉ có phước đức là mang theo được.”
Ông Đào Trung ở Anaheim, 79 tuổi, từng làm nhân viên xã hội tại trung tâm vùng Orange County. Nghỉ hưu đã 10 năm nhưng ông vẫn minh mẫn và rất hài hước, yêu đời. Ông nói: “Không có điều gì tôi thích hơn là được nghỉ hưu. Có mời tôi ở lại làm tôi cũng từ chối. Tôi để dành thời gian làm việc tôi yêu thích đó là đọc sách và viết sách.”
Tình trạng chung trên toàn nước Mỹ
Các vấn đề về bệnh tật phát sinh, khủng hoảng tinh thần, thiếu hụt tài chính khi nghỉ hưu,… không chỉ xảy ra đối với cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ mà đó cũng là tình hình chung toàn quốc.
Tạp chí Wall Street Journal (WSJ) hôm 21 Tháng Từ vừa qua có bài: “The Case Against Early Retirement” của tác giả Richard W. Johnson trong đó có trích dẫn nghiên cứu của bà Maria Fitzpatrick tại đại học Cornell University và nghiên cứu của ông Timothy Moore tại đại học University of Melbourne, cho thấy tình trạng này.
“Ở Mỹ, tỷ lệ người bị bệnh và qua đời ở độ tuổi nghỉ hưu sớm (tuổi 62) tăng hơn 2% so với các độ tuổi khác, nhất là với đàn ông.”
Lý do bài báo nêu ra là bởi vì đàn ông khi nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi thường hay bị sa đà vào các tệ nạn hút thuốc lá, say xỉn và ăn ngủ không điều độ. Còn phụ nữ thường hay bị trầm cảm, buồn bã, cô đơn. Ngoài ra những người nghỉ hưu thường phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính, cuộc sống chật vật không đủ chi tiêu. Vì thế nhiều người cao niên phải tiếp tục kiếm việc làm nhưng không dễ gì kiếm được.
Nghiên cứu của Alice Zulkarnain và Matthew Rutledge tại trung tâm nghiên cứu hưu trí (Center for Retirement Research) tại trường Boston College chỉ ra rằng, nếu quý vị hoãn việc nghỉ hưu thêm 5 năm, thì tỷ lệ tử vong ở đàn ông tuổi 60 trở lên, sẽ giảm đi 32%.”
Tác giả Richard W. Johnson đưa ra đề xuất: “Chính phủ cần phải thay đổi chính sách để tăng việc làm cho những người lao động lớn tuổi. Chúng ta có thể cải tổ ngành giáo dục và đào tạo, ưu tiên học tập suốt đời, để người lao động lớn tuổi có thể cập nhật các kỹ năng của họ. Cần đầu tư nhiều hơn vào các chương trình và lợi ích cho những người lao động thất nghiệp lớn tuổi, những người thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.”
Luật liên bang Hoa Kỳ cấm phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc, được ra đời sau phán quyết của Tòa Án Tối Cao năm 2009, cần được tăng cường thực thi hơn, để cho người lớn tuổi có cơ hội ở lại làm việc.
Những cải cách trên có thể mang lại lợi ích cho những công ty đang thiếu công nhân lành nghề. Nhưng điều quan trọng hơn cả là điều đó có thể giữ được mạng sống, cả về tinh thần và vật chất, cho nhiều người lớn tuổi sắp về hưu. (Tâm An)
—-
Liên lạc tác giả: [email protected]