Sinh ra lành lặn như người bình thường nhưng khi lớn lên, cơ thể ông Tê bỗng nhiên xuất hiện cả ngàn khối u mọc từ chân lên đầu, có khối u nặng đến 10kg.
Đau khổ hơn, 2 đứa con ông này cũng mang căn bệnh đó. Mắc căn bệnh đó, mấy cha con ông Tê sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Nhưng điều khiến họ khổ sở hơn đó là sự kỳ thị, xa lánh của người dân trong vùng.
“Tôi bị khối u nổi đầy người đã đành, 2 đứa con vô tội mang cùng dòng máu cũng bị lây theo. Nếu biết trước tôi sẽ không lấy vợ để con tôi không phải chịu cảnh thế này”, ông Tê buồn rầu nói về căn bệnh của gia đình.
Mang nặng nỗi đau
Trong căn nhà tình thương ở buôn Tung I (xã Buôn Triết, Đăk Lăk), ông Lưu Văn Tê (SN 1963) nặng nề ngồi trên ghế dài, chốc chốc lại hắt ra những tiếng thở dài nặng nhọc mệt mỏi.
Mỗi khi bước đi, ông Tê lết từng bước nặng nhọc, những khối u trên người ông lắc lư, kéo xệ tấm thân gầy còm. Thấy có khách lạ đến nhà, ông Tê có vẻ rụt rè. Khi được hỏi với sự cởi mở, chân thành và sự đồng cảm, ông Tê mới trải lòng với chúng tôi.
Dù chưa hết rụt dè, đắn đo, nhưng thuyết phục mãi ông Tê cũng cởi bộ quần áo dài khoác trên người ra cho chúng tôi xem.
Gia đình ông Tê |
Theo qua sát của chúng tôi, từ đỉnh đầu xuống chân ông Tê chi chít những khối u lớn nhỏ đua chen nhau mọc. Khuôn mặt ông bị biến dạng vì bị hàng chục khối u kí sinh, riêng phần mông còn có khối u với trọng lượng gần 10 kg…
Ông Tê kể, việc mang trên người hàng trăm khối u lớn nhỏ gây cho ông nhiều khó khăn về sức khỏe và sinh hoạt. “Khối u ở mông lớn quá khiến tôi đi lại rất khó khăn, cũng vì nhiều khối u mà sức khỏe yếu hẳn. Những khối u khiến người ngứa ngáy không ngủ được. Lúc nằm ngủ thì vướng phải khối u sau đầu rất khó chịu”.
Ông Tê là người quê ở huyện Đông Hưng (Thái Bình), là con thứ 3 trong gia đình 7 người. Khi mới sinh, ông Tê lành lặn như bao đứa trẻ khác. Năm 14 tuổi thì một khối u bằng quả chanh bỗng xuất hiện trên mặt và lớn dần theo thời gian.
Đến năm 21 tuổi, trong một lần đi khám bệnh, ông được bác sĩ tư vấn nên mổ khối u để cho “dễ nhìn và lấy được vợ”. Nghe lời khuyên, ông Tê dành toàn bộ sức lực của mình đi làm thuê để kiếm tiền đi mổ.
Sau khi mổ khối u, ông Tê lấy vợ là bà Chu Thị Nguyệt ở khác xã và sống cuộc sống yên bình.
Một thời gian ngắn sau, bỗng có một khối u đột ngột mọc trên người ông Tê, rồi liên tiếp sau đó các khối u khác thi nhau mọc ngày càng nhiều, chi chít từ đầu xuống chân. Chán nản, tuyệt vọng vì thân hình khác người, năm 1988, gia đình ông Tê chuyển vào Đăk Lăk định cư cho đến bây giờ.
Vào Đắk Lắk, những khối u ngày càng mọc lên nhiều và dày hơn. Bản thân ông Tê cũng đi chạy chữa nhiều nơi từ Nam chí Bắc nhưng không có kết quả, những khối u không có dấu hiệu ngừng “sinh sản”.
Điều đáng buồn hơn là trong nhà không chỉ mình ông Tê bị “khối u hóa”, mà 2 đứa con của ông cũng bị căn bệnh quái dị như ông. “Mới đầu sinh ra 2 đứa con tôi cũng lành lặn, đến 3 năm sau thì khối u nổi lên trên vai, mặt. Đi khám thì bác sĩ nói bị u thần kinh mạch máu, khó có thể chữa trị dứt điểm”, ông Tê buồn rầu nói.
Cam chịu miệng đời
Sau một hồi cho chúng tôi “ngắm” hết các khối u trên cơ thể, ông Tê vơ vội chiếc áo khoác lên người để che đi “nỗi đau” trên cơ thể. Vừa mặc áo ông vừa nói: “Không phải ai cũng thân thiết và gần gũi với chúng tôi. Các anh lạ, mới ở xa đến mà gần gũi với tôi thế này thật hiếm. Nếu ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt thân thiện thì chúng tôi mừng lắm”.
Ông Tê bảo, hồi còn thanh niên, đám bạn cùng làng hễ gặp ông là cứ bĩu môi dè bỉu, gọi ông là “Tê u” và không chơi với ông. “Tê u” ngày đó thật thà, hiền lành, ai trêu chọc chỉ biết cúi mặt bỏ đi hoặc lang thang đến chỗ vắng người ngồi “gặm nhấm” nỗi buồn một mình.
Vào vùng kinh tế mới ở tỉnh Đăk Lăk, vợ chồng ông Tê mưu sinh bằng mấy sào ruộng nhưng không đủ sống nên phải đi làm thuê để kiếm thêm tiền. Mới đầu định cư, gia đình ông Tê không chiếm được cảm tình của hàng xóm vì thân hình không bình thường.
Thân hình đau xót của ông Tê |
Dần dà tiếp xúc, mọi người dần quen mắt và cảm thấy thương cho số phận gia đình ông Tê nên có một số người đến động viên, chia sẻ với gia đình anh.
Dù đã được bà con lối xóm chia sẻ, nhưng điều làm ông Tê thấy đau đớn hơn căn bệnh mình đang mắc phải là mỗi khi đi ra đường, nhiều người lạ thấy ông thì che mắt, nhiều người nói gặp ông là gặp phải quỷ, là bị xui xẻo.
“Tôi biết họ không thích. Tôi cũng không trách họ. Bản thân xui xẻo gặp bệnh lạ thì chịu chứ sao. Cuộc sống đã không mỉm cười, âu cũng là số phận, phải biết chấp nhận thôi”, ông Tê nghẹn ngào.
Ông Tê kể những lần đi đám cưới, một số người thấy ông vào ngồi chung mâm là xua tay đuổi, có người thấy ông ngồi vào mâm là bỏ sang bàn khác ngồi.
Bản thân ông ý thức rất rõ về hoàn cảnh của mình nên quần quật làm thuê làm mướn để dành tiền chữa bệnh. Nhiều lúc đi chợ cũng không dám mua đồ ăn bởi tiết kiệm mua thuốc. Một phần cuộc sống vất vả, một phần bệnh tật nên ông Tê yếu hẳn, đi lại cũng khó khăn.
“Chỉ thương cho 2 đứa con”
Căn bệnh quái ác này không chỉ một mình anh ông Tê gành chịu, mà 2 đứa con ông là Lưu Thị Ngoan (27 tuổi) và Lưu Văn Tuấn (18 tuổi) cũng cùng chung số phận.
“2 đứa nhỏ mang dòng máu của tôi nên cũng mang khối u. Bây giờ nó còn trẻ, khối u chưa nổi nhiều, tôi sợ sau này khối u nổi nhiều như tôi thì tội cho chúng nó. Cũng vì khối u mọc mà chúng phải nghỉ học sớm, đánh mất cả tương lai”.
Lúc còn nhỏ, Ngoan lành lặn, xin xắn bụ bẫm lắm. Nhưng đến năm 2 tuổi thì những khối u mọc lên ở bả vai, má và tai, che mất 1 phần mặt khiến cô bé mất đi sự dễ thương, thay vào đó là sự xa lánh dần của bạn bè.
Dù bị bệnh, nhưng Ngoan rất chăm chỉ, hiền lành. Để cùng gia đình vượt qua khó khăn, Ngoan phải đi làm thuê cho gia đình người quen ở tỉnh Đăk Nông, cách nhà Ngoan gần 200km.
“Ngoan đã đi làm 1 tháng, không biết cháu đi làm có kiếm được tiền về chữa bệnh không nữa”, bà Nguyệt, mẹ đẻ của Ngoan than thở.
Tuấn năm nay đã 18 tuổi, cũng bị khối u to nổi lên ở mặt. Một phần nhà nghèo, một phần bị khối u nên Tuấn chỉ học đến lớp 5 rồi bỏ. Hàng ngày Tuấn thường lặn lội ra dòng sông Serepok để mò cua bắt cá kiếm sống. Nhưng dòng sông này giờ ngày một ô nhiễm và cạn kiệt nên mỗi ngày dù chăm chỉ cũng chỉ kiếm được khoảng 20 đến 30 nghìn đồng.
Lúc chia tay, ông Tê vội đưa bàn tay sần sùi kéo chúng tôi lại. Ông nói ấp úng đầy vẻ cảm động: “Hôm bữa có nhà báo mang tiền của độc giả đến giúp đỡ cho gia đình. Hiện tiền đó tôi không dám động đến, cất vào heo đất dành tiền ra Tết chữa bệnh cho 2 đứa con”.
Theo Báo Gia đình và Cuộc sống