Tại hội nghị triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 hôm nay, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Xuân Lập cho biết: Bộ đã trình Chính phủ kế hoạch nâng pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2013 lên thành luật.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang trăn trở về cách tiếp cận theo hướng nào về hoạt động phòng, chống mại dâm.
“Luật Hôn nhân gia đình nói phụ nữ được có con ngoài giá thú, nhưng luật khác lại cấm sống với nhau như vợ chồng, chẳng lẽ ra hứng gió để có con…”, ông Lập băn khoăn.
Ông nói rõ quan điểm việc phòng chống mại dâm phải tuân theo Hiến pháp, đảm bảo thực hiện quyền công dân và quyền con người. Hơn nữa, cách Việt Nam nhìn nhận về hoạt động mại dâm cũng phải theo xu hướng thế giới.
Ông Lập cũng nêu thực tế hiện nay không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng đi mua dâm, tỉ lệ nữ giới mua dâm ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Việc đào tạo chuyển đổi nghề với chị em phụ nữ bán dâm gặp nhiều khó khăn. Bởi có tình trạng chị em sáng đi học nghề, tối vẫn đi bán dâm.
Thậm chí nhiều chị em sau khi được học nghề vẫn quay lại bán dâm do thu nhập sau khi học nghề không bằng thu nhập bán dâm.
Ngoài ra, cũng có nhiều người bán dâm không phải do hoàn cảnh mà là do lười lao động. Những trường hợp này Hội Liên hiệp phụ nữ vẫn cố gắng hỗ trợ để chị em chuyển đổi nghề, tái hòa nhập cộng đồng, được trường hợp nào hay trường hợp đó.
Bà Thủy cho rằng, cần phải tuyên truyền để mọi người hiểu rằng không phải có tiền đi mua dâm là có quyền chả đạp lên thân thể và nhân phẩm người bán dâm.
Từ năm 2014 tới nay, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 63.300 USD để thí điểm chương trình giảm tác hại HIV/AIDS, và chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tại Đồ Sơn (Hải Phòng).
Đã có 2.179 tiếp viên được hỗ trợ; 506 khách hàng tham gia truyền thông nhóm nhỏ về phòng chống mại dâm từ chương trình này.
Gia Văn