Nữ Việt kiều về VN làm thụ tinh trong ống nghiệm

Sau ba lần sảy thai, năm lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành, chị Vân (42 tuổi) vẫn thuyết phục chồng để lại tinh trùng trữ đông trước khi anh về Đức.

Sau gần 10 năm kết hôn với một bác sĩ người Đức, chị Vân vẫn chưa thỏa ước mong có con bế bồng. Chị bị sảy thai lần đầu khi thai mới 8 tuần tuổi. Hai lần sau chị chửa ngoài dạ con khiến các bác sĩ buộc phải cắt hai vòi tử cung.

Ước mơ có con theo cách tự nhiên không được, chị tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhưng ông trời cũng không chiều lòng người khi cả 5 lần thực hiện, vợ chồng chị đều thất bại. Trong đó có ba lần làm tại Đức, hai lần tại Việt Nam.

nu-viet-kieu-ve-nuoc-lam-thu-tinh-trong-ong-nghiem

Các chuyên gia tiến hành chuyển phôi vào buồng tử cung người mẹ, một công đoạn trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.

Ở tuổi ngoài 40, chị vẫn không ngừng khát khao được làm mẹ. Vì thế, cuối tháng 9/2015, chị quyết định trở về Việt Nam làm thụ tinh. Lần này chị tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Đại học Y Hà Nội. Thấy chồng chán nản, chị thuyết phục anh đến lấy tinh trùng trữ đông rồi quay về Đức làm việc tiếp, còn chị ở lại trong nước làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng bộ môn Mô-Phôi, Đại học Y Hà Nội; Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – chia sẻ, trường hợp của chị Vân rất đặc biệt, bệnh nhân nữ tuổi cao, dự trữ buồng trứng giảm, tiền sử làm IVF thất bại nhiều lần. Vì thế đây là một thách thức lớn với đội ngũ chuyên môn. Mới đầu bác sĩ khuyên chị xin noãn nhưng chị vẫn tha thiết xin được làm IVF một lần nữa bằng noãn của chính mình.

“Sau khi giải thích các nguy cơ, chúng tôi quyết định kích thích buồng trứng bằng một liều FSH cao (450 IU). Sau 11 ngày, may mắn thu được 3 trứng. Sau đó, tiêm trực tiếp tinh trùng lấy được vào bào tương noãn và thu được 3 phôi”, phó giáo sư Hà nói.

Để làm tăng tỷ lệ thành công, bác sĩ khuyên chị trữ phôi đông lạnh để chuyển vào chu kỳ sau vì niêm mạc tử cung của chị không thuận lợi cho chuyển phôi tươi ngay trong chu kỳ này. Tuy nhiên, điều kiện không cho phép nên các bác sĩ quyết định chuyển phôi tươi, chấp nhận rủi ro.

Cuối cùng sau bao nhiêu khó khăn, sự mong đợi của chị và tập thể y bác sĩ đã được đền đáp xứng đáng. Niềm vui vỡ òa khi chị được nghe tiếng tim thai vào tuần thứ bảy. Hiện tại thai của chị ở tuần 22 và phát triển bình thường.

Theo tiến sĩ Hà, thụ tinh nhân tạo ở phụ nữ cao tuổi rất khó khăn. Nhiều trường hợp tiêm tinh trùng vào trứng vẫn không thụ tinh, phôi không phát triển hoặc phát triển bất thường. Số liệu tại nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, ở những phụ nữ trên 40 tuổi, tỷ lệ thành công tương đối thấp – chỉ khoảng 16%. Sau đó, việc giữ thai còn khó hơn, gần 50% số này bị sảy thai, thai lưu.

Leave a Reply