“Người chết nước, thường lạnh lẽo vào lúc đêm xuống, nên thường trồi về báo linh tính cho người thân. Bởi vậy, đêm hôm khuya khoắt, có người gọi cửa là tự biết phải đi vớt thây ma”…
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Phóng Sự + truyện ma” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” autoplay=”true” ]
Mỗi khi bà con nào có việc cần nhờ ví như ghe tàu chìm, vật quý bị rơi xuống sông hay kể cả lặn tìm xác người, .v.v. thợ lặn xóm chài Long Châu đều không quản xa xôi cách trở để đến trợ giúp. Trước là vì mưu sinh, sau cũng để giúp người, vì thời buổi bây giờ mấy ai còn làm cái nghề “tử sinh may rủi” ấy nữa…
Qua đò ngang Tân Lộc, chạy thêm mấy cây số đường làng nữa là tới xóm chài Long Châu. Đến đây, hỏi thăm nghề thợ lặn, bà con ai nấy đều xởi lởi: “Bộ mất gì sao mà tìm đến tận đây? Tui chỉ cho nhà này …, nhà này …”.
Theo lời chỉ dẫn của bà con, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Mộng (sinh năm 1958). Anh Mộng mới quá ngũ tuần mà đã làm nghề thợ lặn hơn bốn chục năm nay.
Cha của ông Mộng, ông Nguyễn Văn Mười cũng mưu sinh bằng cái nghề lặn hụp này, nên từ nhỏ anh đã theo cha lênh đênh sông nước. Lớn lên, cả 6 anh em ông Mộng đều trở thành thợ lặn lành nghề. Mỗi khi có việc bất trắc, bà con quanh xóm làng đều nhờ đến gia đình ông.

Ngày nay khác, các thợ lặn làm ăn chuyên nghiệp hơn, nhưng cũng chỉ cải tiến được ở chỗ có máy bơm hơi và mắt kiếng. Thợ lặn ngậm ống thở vào miệng, đeo mắt kiếng, người chỉ vận quần đùi ở trần rồi cứ thế lao xuống lòng sông.
Trò chuyện được một lúc, ông Mộng bỗng rùng mình kể: “Lặn vớt xác tàu ghe chìm thì không sao, nhưng lặn vớt xác người mới sợ. Có người đi lặn vô tình chạm phải thây ma kẹt trong tàu ghe thì mất bình tĩnh, từ đó bỏ nghề luôn. Nhưng tui có thằng cháu, làm nghề gan lắm, mấy chục năm trời nó lặn vớt xác người mà không hề sợ hãi. Tui giờ cũng yếu sức rồi, tất cả đồ nghề đều chuyển nhượng cho nó, nếu muốn, tôi dắt mấy chú qua nhà nó chơi”.
Người nặng nợ với thây ma
Trong câu chuyện trà nước, chúng tôi có nhắc đến cái việc rùng rợn là “chạm phải thây ma” thì anh Hùng cười sảng khoái: “Có gì đâu mà rùng rợn chú ơi, chuyện đó bình thường lắm. Tàu, ghe chìm người ta gặp nạn không thoát ra được, chết nước xác thân lạnh lẽo, giờ mình đưa người ta lên để họ có nấm mồ ấm áp, tui coi như là tích đức chứ có gì đâu mà sợ. Nhưng mà nói chớ, không hiểu tại sao, mỗi lần phải đi vớt xác người là y như rằng trúng lúc nửa đêm khuya khoát”.
Ông Mộng tiếp lời: “Tui nghe cha ông kể lại, người chết nước, họ thường lạnh lẽo vào lúc đêm xuống nên hay hiện về báo linh tính cho người thân trong khoảng thời gian này. Bởi vậy, nghe tin là anh em đi liền, vì có nhiều khi mình lần lựa, đi trễ giờ này nọ là mò không bao giờ trúng, việc này có cái lạ vậy đó”.
Hơn mấy chục năm làm nghề, không ít lần nửa đêm đang yên giấc thì thân nhân người gặp nạn gõ cửa nhà anh Hùng. Biết người ta nguy khó, tâm trạng đau buồn, bất an nên chưa bao giờ anh Hùng từ chối vụ nào.

Anh Hùng kể: “Thật ra thì cũng tùy theo số, thân nhân người bị nạn tìm đến tui nhiều là tại hình như tui hạp hay sao á. Chứ có nhiều người lặn xuống đáy sông, xác người ta nằm một bên đó mà mò cả buổi không tài nào kiếm được”.
Bởi vậy, nên dù cái nghề mang nhiều ám ảnh, thợ lặn Long Châu vẫn không nỡ làm ngơ trước những phận người bỏ mạng dưới đáy sông. Mà như ông Mộng nói: “Chắc thằng Hùng, nó nặng nợ với thây ma”…