Giống như bất cứ một sản phẩm nào khác trên thị trường, bảo hiểm y tế có nhiều giá. Trong bảo hiểm Obamacare, giá mua (price) thay đổi theo 4 bậc, cũng được gọi là 4 chương trình. Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa câu nói “tiền nào của ấy” trong 4 chương trình này.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”ObamaCare” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false” ] Bốn chương trình (plan) hay bốn bậc (tier) trong hệ thống bảo hiểm Obamacare là: Bạch Kim (Platinum), Vàng (Gold), Bạc (Silver), và Đồng (Bronze), trong đó Bạch Kim là bậc có giá trị nhất, xuống thấp hơn là Vàng, Bạc, và sau cùng là Đồng Để dễ nhớ, chúng ta có thể liên kết với những cái huy chương trong thi đấu thể thao.
Đối với người tiêu thụ đang phân vân về giá cả, có lẽ cần phải xếp theo thứ tự ngược lại: Đồng là rẻ nhất, và từ từ đi lên, cho tới Bạch Kim là đắt nhất. Những người dưới 30 tuổi và hội đủ một số điều kiện về hoàn cảnh khó khăn có thể mua một chương trình thấp hơn nữa, gọi là “catastrophic,” còn rẻ hơn cả bậc Đồng.
Vậy giá trị của các chương trình này tương ứng với giá mua ra sao?
Đồng: 60-40
Giá mua các chương trình đồng là rẻ nhất, có nghĩa là nhà cung cấp bảo hiểm chẳng “ăn” được bao nhiêu tiền từ người mua. Nhưng bù lại trách nhiệm của họ đối với người mua cũng rất thấp, có thể tóm lại trong công thức 60-40. Công thức này được hiểu là họ sẽ “cover” 60% chi phí y tế, còn người tiêu thụ sẽ trả 40% còn lại. Chẳng hạn, nếu dịch vụ y tế tốn kém $1000, bảo hiểm sẽ trả $600, còn bạn trả $400; Tương tự, nếu chi phí y tế là $100,000, bảo hiểm bỏ ra $60,000, bạn chịu $40,000 còn lại.
Ngoài cái mức “cover” rất thấp ấy, con số các dịch vụ y tế được hưởng quyền lợi cùng với số bác sĩ và bệnh viện tham gia chương trình cũng rất ít. Nghĩa là, có thể bạn phải mòn mắt mới tìm ra một ông/bà bác sĩ trong địa phương của mình chịu nhận cái chương trình …. bằng đồng (nát) ấy!
Chương trình này thích hợp với những người xưa nay rất ít dùng tới các dịch vụ y tế, gần như chẳng phải đi bác sĩ hoặc bệnh viện bao giờ. Nay bắt buộc phải mua thì mua cho có để khỏi bị phạt. Đối với những người này, Obama-ke trở thành ông “kẹ Obama”, nên phải tìm hết cách mà tránh thôi.
Bạc: 70-30
Chương trình bạc là mức trung dung của thị trường bảo hiểm y tế hiện nay, theo đó bệnh nhân chịu 30% và hãng bảo hiểm chi trả 70% còn lại. Bảo phí, tức là tiền phải bỏ ra để mua bảo hiểm hàng tháng, cũng ở mức phải chăng, là vì bạn còn được trợ cấp nếu lợi tức không vượt quá 400% “mức nghèo toàn quốc”. Thế nào là “mức nghèo toàn quốc”? Đó là mức lợi tức do chính quyền liên bang qui định. Hiện nay, con số đó là $11,490 cho một người độc thân. Nghĩa là, nếu còn độc thân và lợi tức không quá $11,490 một năm, bạn sẽ được coi là người nghèo tại Mỹ. Áp dụng trong việc mua bảo hiểm, lợi tức của bạn có thể cao gấp 4 lần số đó (tương đương $45,960) mà vẫn được trợ cấp để mua bảo hiểm. Dĩ nhiên, lợi tức càng thấp thì trợ cấp càng nhiều, và ngược lại. Nhưng dù thế nào chăng nữa, bảo phí không thể nhiều hơn 9.5% lợi tức của bạn.
Chương trình Bạc thích hợp với những người có dùng một số dịch vụ y tế căn bản, nhưng không có vấn đề trầm trọng về sức khỏe.
Vàng: 80-20
Để mua chương trình vàng, chúng ta phải trả tiền nhiều hơn. Nhưng đổi lại, nếu phải dùng tới dịch vụ y tế, hãng bảo hiểm chịu trách nhiệm tới 80% chi phí, còn mình chịu 20%. Thêm nữa, số tiền “deductible”, và tổng chi phí rút từ túi của bệnh nhân (out-of-pocket expenses) cũng ít hơn. Vấn đề Deductible và Out-of-Pocket Expense là những ý niệm phức tạp và hơi khó hiểu đối với đa số người tiêu thụ, nhưng đây là những ý niệm không thể bỏ qua khi chúng ta so sánh các chương trình bảo hiểm. Nói một cách vắn tắt, chúng ta phải chọn những chương trình với 2 con số Deductible và Out of Pocket Expense càng thấp càng tốt.
Với những người phải dùng tới nhiều dịch vụ y tế, chương trình này dầu giá mua có đắt, nhưng xét lâu dài chắc chắn có lợi hơn.
Bạch kim: 90-10
Chương trình bạch kim – giá cao nhất, nhưng cho hưởng nhiều quyền lợi nhất trong đó hãng bảo hiểm chịu trách nhiệm 90% chi phí y tế, còn người bệnh chỉ chịu 10% – là chương trình thích hợp cho những người thường đau yếu luôn luôn hoặc những gia đình vốn có sẵn người bệnh.
Chương trình Catatrophic
Với nghĩa đen là “tai họa,” chương trình “Catastrophic” gần như chẳng “cover” gì cả, trừ một số rất ít trường hợp xảy đến như “tai họa” với bạn mà thôi. Bác sĩ hoặc bệnh viện nhận chương trình này chẳng có mấy người. Nhưng không phải ai cũng có thể mua chương trình này: Nếu không có lý do chính đáng, thì giá chót bạn phải mua cũng là bậc Đồng, chứ không phải bậc “tai họa” này đâu.
Đến giờ này, chắc bạn đã mua Obamacare rồi? Bởi vì, đối với nhiều người, Obamacare rất rẻ, gần như cho không. Vậy chương trình của bạn là gì? Bạch kim, vàng, bạc, hay đồng? Nếu hiện đang ở bậc thấp mà thấy bậc cao hơn cũng vừa túi tiền, bạn vẫn còn có thể chuyển đổi được, ngày 31 tháng Ba mới là hạn chót.
Eric Trần