(VTC News) – Tối 14/10, CJ CGV – đơn vị phát hành phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” – xin lỗi khán giả vì để xuất hiện chi tiết cài cắm “đường lưỡi bò” trong phim.
“Tối 13/10, CGV nhận được thông tin bộ phim xuất hiện vài cảnh bản đồ Trung Quốc có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. CGV đã ngay lập tức thu hồi tất cả ấn phẩm quảng cáo và cho dừng chiếu bộ phim.
Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim. Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước” – đơn vị phát hành Everest: Người tuyết bé nhỏ cho biết.
Tối 13/10, Everest: Người tuyết bé nhỏ bị rút khỏi toàn bộ các rạp chiếu phim tại Việt Nam vì xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp trong 2 đoạn và 4 cảnh.
Trước đó, trailer của phim cũng xuất hiện hình ảnh này. Bộ phim được công chiếu 10 ngày trước khi bị rút khỏi các cụm rạp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia – thừa nhận sai sót, sẵn sàng chịu phạt và rút kinh nghiệm.
Theo bà Ngát, trong quá trình kiểm duyệt phim, hội đồng đã theo dõi rất kỹ từ nhân vật cho đến lời thoại và nghĩ rằng đây là phim hoạt hình thần thoại dành cho thiếu nhi nên có những lúc sao nhãng, dẫn đến để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Trước phim Everest: Người tuyết bé nhỏ, vào tháng 3/2018, CGV phát hành Điệp vụ Biển Đỏ. Phút cuối của phim có cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ gọi là “South China Sea”.
Nhiều khán giả đánh giá, đoạn này không liên quan tới nội dung phim, thậm chí dễ gây hiểu lầm về chủ quyền giữa các nước có liên quan trên Biển Đông.
Tối 24/3, nhà phát hành CGV Việt Nam xác nhận ngừng chiếu phim Điệp vụ Biển Đỏ trên toàn quốc vì lý do vắng khách.
Ngày 26/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Cục Điện ảnh và đưa ra kết luận: “Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”.
Tuy nhiên, trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại khẳng định bối cảnh cuối phim là ở Trường Sa.