Quán bún chả quận Hoàn Kiếm treo bảng song ngữ tố quán bên cạnh bán bún ‘nhái’

HÀ NỘI – Cạnh tranh trên thương trường là chuyện đương nhiên, ai mạnh sẽ thắng. Từ thị trường quốc tế với sự cạnh tranh giữa các cường quốc kinh tế cho đến những hàng quán ở các chợ búa tại Việt Nam, ở đâu cũng có giành giật để kiếm lợi.

Tại Hà Nội, sự cạnh tranh giữa hai quán ăn đã đưa đến một bảng hiệu khác thường với nội dung quán này tố cáo quán kia bán hàng giả. Sự tranh chấp bắt đầu sau khi một nhân viên của nhà hàng “quit job” để ra mở quán riêng ở ngay bên cạnh.

Tấm bảng hiệu tố cáo quán bên cạnh bán hàng giả mạo tại đường Hàng Mành, quận Hoàn Kiếm. (Zing)

Quán bún chả treo bảng song ngữ tố quán bên cạnh bán bún ‘nhái’

Một bản tin của báo điện tử Zing ở trong nước trong tuần này cho biết một cửa hàng bún chả trên đường Hàng Mành ở quận Hoàn Kiếm đã treo bảng tố giác để khẳng định thương hiệu gia truyền. Tấm bảng khiến cho khách Việt Nam cũng như khách ngoại quốc tò mò đứng xem.
Tấm bảng được viết như sau: “Nhà hàng bún chả Đắc Kim thông báo, cửa hàng bún chả số 1 Hàng Mành bên cạnh là giả mạo! Xin quý khách lưu ý.”
Tấm bảng quảng cáo này còn được viết thêm mấy câu với nội dung tương tự bằng tiếng Anh: “Bun Cha Dac Kim Restaurant announced that shop bun cha beside us, address #1 Hang Mang Str. is faked!!! Please kindly note. Thank you.”
Bà chủ quán Đắc Kim cho biết rằng họ đã treo bảng với nội dung trên vài ngày sau khi cửa hàng bún chả bên cạnh khai trương.
Chủ quán này cho biết rằng cửa hàng đang buôn bán khấm khá, thế nhưng từ khi quán bên cạnh khai trương và lấy tên “Bún chả số 1 Hàng Mành” thì khách cũng chuyển sang ăn tại đó.
Bà chủ này nói thêm, tại chợ Thành Công, đường Hoàng Quốc Việt cũng có cửa hàng tên “Bún chả hàng Mành.” Tuy nhiên, bà không có ý kiến với các quán “nhái” nói trên.
Theo lời bà chủ quán, thương hiệu bún chả nổi tiếng nói trên được gây dựng từ năm 1965 tại địa chỉ số 1 Hàng Mành. Tuy nhiên đến lúc đăng bạ thương hiệu vào năm 1966, đơn vị này không được lấy tên đường, địa chỉ cụ thể, nên đặt là Đắc Kim. Tại Hà Nội, đây là địa điểm bán bún chả nổi tiếng thu hút du khách ngoại quốc.
Quản lý cửa hàng “thứ thiệt” chia sẻ, chủ quán “nhái” trước đây là nhân viên của Đắc Kim. Tuy nhiên, sau một thời gian, người này chuyển sang kinh doanh riêng, đặt quán bên cạnh và lấy tên là Bún chả số 1 Hàng Mành. Vì quá “bức xúc” nên quán này này làm bảng khuyến cáo hàng nhái để khách hàng lưu ý.
Bà Đỗ Thị Sự, chủ cửa hàng được cho là “ăn cắp” thương hiệu xác nhận bà từng là nhân viên cũ của quán bún chả Đắc Kim. Tuy nhiên, nhân vật này bác bỏ việc ăn cắp thương hiệu hay công thức pha chế.
“Hiện tại, cửa hàng tôi là một trong 5 nhà liền nhau trong dãy phố mang tên số 1 Hàng Mành. Vì vậy, tôi đặt tên quán là ‘Bún chả số 1 Hàng Mành’ để du khách dễ nhớ,” bà Sự giải thích.
Mặc dù rất bực bội về hành động sang đòi khách và nội dung bảng hiệu của cơ sở Đắc Kim, nhưng bà Sự khẳng định, với mức giá bình dân 40,000 đồng ($1.85 Mỹ kim) mỗi phần ăn (rẻ hơn cơ sở Đắc Kim 20,000 đồng) và với công thức pha chế nước chấm đặc biệt, vị ướp món ăn riêng biệt, cửa hàng bà Sự sẽ chắc chắn thu hút được một số khách.
Thực tế, tại Việt Nam, việc trùng thương hiệu hay nhân viên tự học cách pha chế mở quán, lấy thương hiệu cũ là điều không lạ, đặc biệt ở Hà Nội.
Tại Nguyễn Khuyến – con phố nổi tiếng với đặc sản bún chả mang thương hiệu Sinh Từ – có cả dãy cửa hàng treo bảng quảng cáo thương hiệu trên. Bảng hiệu nào cũng nhấn mạnh “truyền thống,” “chính hiệu,” “chất lượng lâu năm,” “giá hợp lý,” v.v.. Thậm chí, để khẳng định thương hiệu, một cửa hàng trong dãy phố đề bảng “bún chả hàng bên là nhái.” Tuy nhiên, rất ít người biết đâu là hàng “xịn” thứ thiệt.
Bà Lương Thị Hồng Yến – chủ cửa hàng Xôi Yến (35B Nguyễn Hữu Huân) cho hay, có nhiều cá nhân, cơ sở muốn “mượn” thương hiệu để kinh doanh, nhưng bà từ chối. Trường hợp duy nhất bà Yến cho mượn tên thương hiệu là cửa hàng bên cạnh của người chị dâu. Tuy nhiên, lượng khách của hai điểm luôn chênh lệch.
Luật sư Phùng Viết Vĩnh, giám đốc công ty luật VINAWIN, nói với báo Zing rằng việc cửa hàng bên cạnh được cho là “nhái” ghi trên bảng hiệu “Bún chả số 1 hàng Mành” là không vi phạm pháp luật. Mà việc ghi bảng hiệu như vậy còn là yêu cầu bắt buộc theo quy định của luật doanh nghiệp.
Theo ông Vĩnh, việc tố cáo nói trên của thương hiệu có trước được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Hành vi này mang tính chất gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh quy định tại Điều 39, Luật Cạnh Tranh.
“Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp hiệu quả nhất, các chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ cần có biện pháp riêng biệt như giữ bí quyết, xử lý nội bộ, thay vì đăng biển chỉ đích danh giả mạo,” ông Vĩnh cho biết.
Tuy nhiên, một ý kiến khác lại cho rằng, theo quy định của Luật Sở Hữu Trí Tuệ thì cụm từ nói trên không được pháp luật bảo hộ. Bởi trong cụm từ này chứa yếu tố mô tả sản phẩm (bún chả) và có chỉ dẫn địa lý theo địa giới hành chính (số 1 Hàng Mành).

Leave a Reply