11,5 triệu trang tài liệu mật của hãng luật Mossack Fonseca (trụ sở tại Panama) đã cho thấy hàng loạt khối tài sản kếch sù của 140 chính trị gia, các quan chức, người nổi tiếng và vận động viên trên khắp thế giới được cất ở đâu và bằng cách nào.
Business Insider cho hay, số dữ liệu khổng lồ này, còn được gọi là ‘Tài liệu Panama’, được thu thập từ 1977-2015, đã được Tổ hợp Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) gửi tới tờ Suddeutsch Zeitung của Đức và hàng chục tờ báo khác.
Vụ bê bối rò rỉ tài liệu Panama |
Dữ liệu này lên tới 2,6 terabyte, bao 4,8 triệu hồ sơ, các báo cáo tài chính, 4,8 triệu email, được cho là lớn hơn 100 lần so với khối dữ liệu 1,7GB mà Wikileak công bố năm 2010.
Tài liệu này đã lật tẩy một loạt công ty ma được dùng làm bình phong che giấu khối tài sản của giới siêu giàu và chính trị gia thế giới.
Sau một năm nghiên cứu kho dữ liệu khổng lồ này, ICIJ, Fusion và The Guardian và gần 100 tờ báo khác đã phát hiện ra một số chi tiết nổi bật trước khi ‘Tài liệu Panama’ chính thức được công bố.
Tài liệu cung cấp dữ liệu về hơn 214.000 thực thể nước ngoài liên quan tới những người ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có thông tin về tài sản ở nước ngoài của 140 chính trị gia và quan chức trên khắp thế giới, gồm có thủ tướng Iceland, Pakistan và Tổng thống Ukraina, Vua Ả Rập Xê Út.
Liên quan tới Iceland, tài liệu này cho rằng Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson và vợ sở hữu doanh nghiệp ở nước ngoài, với hàng triệu USD trái phiếu trong ngân hàng Iceland thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Các nội dung tiết lộ tài sản của gia đình hoặc người thân quen của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Tổng thống Ukraina Petro Pososhenko.
Tài liệu cũng nhắc tới tài sản của Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko |
Mặc dù không có tên trong tài liệu này, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin không tránh khỏi liên quan khi nhiều người thân cận của ông được ‘điểm danh’. Theo tờ Guardian, bạn bè của ông Putin đã thu về hàng triệu USD từ các phi vụ khó có thể thành công, nếu thiếu sự tác động của Tổng thống Nga.
Cụ thể, Sergei Roldugin, người bạn thân nhất của ông Putin và cũng là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, là tâm điểm của hàng loạt vụ chuyển tiền lên tới gần 2 tỷ USD giữa Ngân hàng Rossiya và hàng loạt công ty nước ngoài. Như vậy, ông Roldugin được cho là kiểm soát số tài sản có thể vào khoảng hơn 100 triệu USD, bao gồm một phần trong ngân hàng Rossiya.
Tài liệu cũng nên tên của ‘ít nhất 33 cá nhân và công ty bị chính phủ Mỹ cho vào danh sách đen’ vì các cáo buộc liên quan tới các trùm ma túy của Mexico và các tổ chức khủng bố.
Trong kho dữ liệu này cũng nhắc tới tài sản của ngôi sao phim hành động võ thuật Thành Long, và cầu thủ Messi…
Trong khoảng 15.000 trang tài liệu cũng chỉ rõ “hơn 500 ngân hàng lớn, bao gồm cả HSSBC, UBS, Société Générale”, đã tiếp tay cho việc dựng nên các công ty ma ở những thiên đường trốn thuế. Chẳng hạn như Thái tử Xê út đã mở tài khoản cho công ty nước ngoài của ông tại ngân hàng UBS.
Theo đó, công ty đã giúp lập nên một mạng lưới hỗ trợ chính trị gia và doanh nhân nhiều nước che giấu tài sản, trốn thuế, hoặc rửa tiền mặt với số lượng tới hàng tỷ USD.
Các công ty được dựng lên làm bình phong, giúp quản lý số tiền của khách hàng nhưng không công bố chủ sở hữu số tiền. Trụ sở của các công ty này thường nằm ở những địa điểm mà nhà chức trách khó lòng tìm ra dấu vết của chủ sở hữu. Nhiều nơi được coi là các thiên đường trốn thuế, có thể kể đến là đảo Virgin của Anh, Bahamas, Panama.
RÒ RỈ LIÊN QUAN TỚI LÃNH ĐẠO VÀ CHÍNH TRỊ GIA THẾ GIỚI Số lượng các lãnh đạo thế giới có liên đới (đương chức hoặc đã đã về hưu): 12 Số người thân hữu hoặc họ hàng liên quan tới lãnh đạo quốc gia: 61 Số lượng chính trị gia hoặc lãnh đạo công có liên quan: 128 Số lượng các tỷ phú do Forbes bình chọn có liên quan: 29 Số quốc gia có liên quan tới dữ liệu rò rỉ: 202 |
Theo tờ Guardian, biên bản ghi nhớ từ một đối tác của Mossack Fonseca có trong số tài liệu rò rỉ có viết: “95% công việc của chúng tôi tình cờ trùng khớp với việc bán các phương tiện để trốn thuế”.
Các công ty nước ngoài này còn có thể thực hiện các mục đích bất chính, chẳng hạn như làm ăn với các hãng hoặc cá nhân bị cho vào danh sách đen.
Trong số các nhân vật được nhắc tới có Tổng thống Argentina Mauricio Marci. Ông Mauricio Marci là giám đốc của công ty Fleg Trading Ltd – một công ty Bahamas giải thể vào năm 2009 – chuyên kinh doanh tại Brazil.
Tài liệu còn cho hay, Vua Ả Rập Xê Út đã dùng các công ty ma ở đảo Virgin của Anh để lấy khoản thế chấp tài sản trị giá 34 triệu USD ở London.
Sự việc bê bối rò rỉ ‘Tài liệu Panama’ đang gây chấn động dư luận, và được coi là ‘Wikileaks’ của giới siêu giàu thế giới.
Lê Thu