Họp Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM chống Covid-19, chiều 16/6, Thứ trưởng Sơn nói rằng trong hai tuần thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, nếu đảm bảo các quy định về giãn cách sẽ giúp hạn chế lây lan Covid-19 trong cộng đồng. Đây là cơ hội tiên quyết để hoàn tất công tác khống chế dịch.
“Ngược lại, nếu trong hai tuần này không tận dụng được cơ hội, vẫn để mọi người tiếp xúc không giữ khoảng cách, tụ tập đám đông, các phương tiện công cộng lưu thông bừa bãi thì chắc chắn đó không phải là cơ hội nữa mà là nguy cơ càng cao”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng nhìn nhận nếu trong hai tuần tới, người dân không tuân thủ tốt các chỉ thị của thành phố cũng như của Chính phủ thì cơ hội ấy sẽ qua. “Khi đó, TP HCM sẽ đứng trước những thách thức rất lớn trong việc đối phó Covid-19”. Ông cũng bày tỏ hy vọng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng và sự nghiêm túc của người dân, TP HCM có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh khi kết thúc giãn cách xã hội.
Theo ông Sơn, khái niệm F0, F1, F2, F3, F4, F5 giờ đây trở thành cách gọi về các diện tiếp xúc, truy vết trong dịch tễ học. Trong thời điểm dịch bùng phát, dịch tễ rất phức tạp như hiện nay, không thể áp dụng khi F1 âm tính thì F2 giải tán mà vẫn nên tiếp tục tuân thủ quy trình cách ly, theo khuyến cáo và tình hình của từng địa phương để đảm bảo an toàn.
Hiện, TP HCM ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm và ngành y tế phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống 5.000 ca. Khi gần đến 5.000 ca lại phải chuẩn bị cho phương án 10.000 ca.
“Phải tính toán gối đầu phương án để huy động các nguồn lực nhưng không thể biến chuyển các phương án đột ngột”, ông Sơn phân tích.
Chẳng hạn, bây giờ TP HCM ghi nhận hơn 1.000 ca nhưng vẫn đang trong vùng khống chế thì không cần giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, thực tế có khi mới chỉ 500 ca nhưng dịch đã âm thầm lan rộng ra cộng đồng thì phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn thành phố, phải cân nhắc dựa trên tình hình thực tế.
Với nhiều địa phương thì Chỉ thị 16 không ảnh hưởng nhưng riêng TP HCM việc áp dụng sẽ để lại hậu quả rất lớn. TP HCM đang tiến hành theo hướng khoanh vùng rộng, sau đó thu nhỏ lại và làm sao để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thời gian qua, ban chỉ đạo chống dịch TP HCM thường xuyên họp đánh giá tình hình, triển khai các phương án. Hiện, các chuỗi lây nhiễm lớn trong thành phố đã cơ bản được kiểm soát, các ca cộng đồng thì truy sớm, khoanh vùng nhỏ từng thôn, xóm, khu nhà…. Chiến lược này đang đáp ứng tốt, theo Thứ trưởng Sơn.
Ông cũng cho rằng TP HCM đang kết hợp tốt nhiều biện pháp khoanh vùng, phát hiện nhanh ca nhiễm, vừa xét nghiệm RT-PCR vừa khai thác yếu tố dịch tễ. Ngành y tế cũng áp dụng xét nghiệm kháng thể để biết người nào đã có kháng thể, tức mắc bệnh một thời gian dài. Một số người tải lượng virus thấp nhưng chưa có kháng thể thì có thể mới mắc. Những phát hiện này giúp ích trong việc truy nguồn lây, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học.
Ông Sơn đề xuất sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng với các trường hợp tiếp xúc gần. Nếu dương tính sẽ cách ly ngay, sử dụng RT-PCR mẫu đơn. Với người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp để quét qua một lần nữa.
Về năng lực điều trị, ông Sơn nhận định TP HCM hoàn toàn có thể đáp ứng được việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Ngành y tế đã chuẩn bị được 2.500 giường ở 8 bệnh viện, sắp tới tăng lên 3.500 giường. Hiện, 4 đơn vị hồi sức bệnh nhân nặng đặt tại các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Điều trị Covid-19 Củ Chi, Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy.
Thời gian qua, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, người có bệnh lý nền như suy thận mạn, suy tim, tăng thuyết áp, tiểu đường… “Cần kiểm soát tốt những người này trong cộng đồng để tránh lây nhiễm Covid-19, giảm bớt tỷ lệ tử vong khi không cần thiết”, ông Sơn nói.
Chiều 16/6, Bộ Y tế quyết định chuyển 800.000 liều vaccine Covid-19 cho TP HCM, khi số ca nhiễm tại thành phố vượt 1.000.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Bắc Giang đã nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Y tế để vào TP HCM chỉ đạo chống dịch, từ ngày 14/6.
TP HCM đang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 14 ngày, kể từ ngày 14/6 để phòng chống Covid-19 trước nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trước đó, khi phát hiện ổ dịch tại điểm sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp, UBND TP HCM đã quyết định giãn cách thành phố xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc giãn cách theo Chỉ thị 16.