Sinh viên gốc Việt tốt nghiệp Yale muốn giúp di dân được ở lại Hoa Kỳ



Hồng Trần và bà ngoại (Hình cung cấp cho CNN)

HAVEN Connecticut – Cô Trần Hồng là một tình nguyện viên trong suốt ba năm qua, thường giúp các di dân học bài để lấy quốc tịch Mỹ sau khi nộp đơn. Giờ đây, tới lượt cô sinh viên đại học Yale này nộp đơn xin phỏng vấn, và hy vọng sẽ trở thành công dân Mỹ trong thời gian sớm nhất.


Hồng Trần (Hình cung cấp cho CNN)

Là sinh viên du học Việt Nam đến Hoa Kỳ vào năm 2010 với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, cô gái Trần Hồng, 26 tuổi, cho biết rất vui và nôn nao khi nghĩ tới ngày cô được đi bầu.

Lớn lên trong một khu phố Sài Gòn có nhiều tội ác và nghèo kém vì bị chiến tranh tàn phá, cha mẹ Trần Hồng nằm trong số hàng triệu người từ quê lên tỉnh sau khi chiến tranh kết thúc.

Để có tiền trang trải mọi nhu cầu, cha của Hồng vấn thuốc lá điếu rồi đem bỏ mối ngoài chợ. Mẹ cô đi tới tận nhà hàng xóm để chích thuốc nếu có yêu cầu. Sau đó, mẹ cô xin được một việc làm ở bệnh viện.
Trần Hồng cho biết khu vực mà gia đình cô sinh sống rất nguy hiểm. Dân nghiện xì-ke đầy dẫy khắp nơi. Từ nhà tới trường học gần đó, cô phải bước qua hàng chục ống tiêm chích bị quăng vô tội vạ.

Năm 14 tuổi, Hồng được cấp học bổng toàn phần đi du học Singapore. Cô suy nghĩ rất nhiều vì không muốn xa cha mẹ. Nhưng bên cạnh đó, cô cũng cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để cô thoát khỏi cảnh đói nghèo.


Hồng Trần khi còn ở Sài Gòn (Hình cung cấp cho CNN)

Cha cô muốn cô theo học đại học Harvard hoặc đại học Yale. Biết rằng việc được một trong hai trường đại học này nhận vào, đó là điều không tưởng, vì vậy cô không hề xây dựng mơ ước trên ảo vọng này.
Tiếc rằng cha cô đã mất sớm. Ông qua đời ngay sau khi Hồng được trường trung học ở Singapore nhận vào. Từ đó, cô học ngày học đêm, dành hết thời gian cho việc học. Sau đó, cô nộp đơn xin vào đại học Yale và được chấp thuận trước khi tốt nghiệp trung học.

Năm 2010, Hồng Trần bay sang Mỹ để tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Cô tốt nghiệp môn thần học tại đại học Yale năm 2014. Sau đó, cô bắt đầu làm việc cho những tổ chức phi lợi nhuận ở New York và Detroit. Với khả năng có thể nói được bảy ngôn ngữ, cô giúp đỡ những di dân đang có nguy cơ bị trục xuất, hoặc tìm kiếm tình trạng thường trú nhân hoặc muốn có quốc tịch Mỹ.

Tháng Tư vừa qua, Trần Hồng nhận học bổng của tổ chức Paul and Daisy Soros Fellowships for New Americans, trị giá $90,000 Mỹ kim, cho di dân tốt nghiệp đại học hoặc con cháu của di dân có trình độ học vấn. Nhờ số tiền học bổng này, cô sẽ quay lại Yale vào mùa thu này để học về luật di dân.
Câu chuyện của Trần Hồng xứng đáng để mọi người – đặc biệt là thành viên cộng đồng Việt Nam – suy gẫm. Cô cho biết so sánh với những người đồng tuổi, kể cả nam giới, cô là một người có nhiều “đặc quyền.” Đây là một từ mà cô không bao giờ nghĩ tới cho bản thân mình, kể từ khi rời khỏi Việt Nam, cho tới khi “một thân một mình” bay sang nước Mỹ.

Để có được “đặc quyền” này, cô phải học hành chăm chỉ, nỗ lực gấp đôi hoặc gấp ba người khác. Sau khi đến Mỹ, mỗi tuần cô đều tới Yale Writing Center để được dạy kèm.

Nhiều người không bao giờ sử dụng quyền lợi này, nhưng cô vẫn đều đặn đến đó mỗi tuần. Cô muốn kỹ năng viết tiếng Anh tiến bộ thực sự, và thật nhanh, để cô có được trình độ viết tiểu luận như những người khác. Sau khi tốt nghiệp, cô ghi danh làm người dạy kèm tại trung tâm như một hành động “đền ơn đáp nghĩa.”

Hồng công nhận rằng học bổng của Singapore đã giúp cuộc đời cô thay đổi, nhưng học bổng của đại học Yale mới thực sự mang lại phép màu nhiệm cho một di dân không giấy tờ như cô. Giờ đây, cô xem đất nước này như một ngôi nhà mới, mang lại một tương lai mới. Nếu không có học bổng của Yale, không bao giờ cô nghĩ đến chuyện sang Mỹ học tập.

Hồng nói rằng một khi vào học khoa Luật của Yale, cô sẽ tình nguyện làm việc thêm tại công ty luật cùng chí hướng, nghĩa là muốn thay đổi bộ mặt của Hoa Kỳ, muốn biến Hoa Kỳ thành một đất nước có tính toàn cầu hơn và công bằng hơn.

Cô cảm thấy suốt đời mắc nợ cha mẹ vì những hy sinh mà cha mẹ phải trải qua. Họ sống sót và chịu đựng để cô được nên người. Cô không biết đến ngày nào mới có thể trả được nợ cho hai đấng sinh thành.

Hồng tâm sự cô rất thích học ngoại ngữ. Nhờ biết nhiều thứ tiếng mà cuộc sống của cô mới vững vàng như ngày hôm nay. Bản thân cô chỉ mới học được bảy ngôn ngữ, nhưng điều đó đủ để nhắc nhở cô rằng thế giới này vô cùng rộng lớn và đa dạng.

Hồng Trần cũng khiêm tốn nhận ra rằng cô sẽ không bao giờ thông thạo một ngôn ngữ không thuộc về sở hữu của riêng cô. Sự khiếm khuyết nhắc cô nhớ đến cuộc đấu tranh của di dân. Cũng như cô, những người này muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ không thể nói được tiếng Mỹ, nhưng không có nghĩa là họ không muốn đầu tư ở Mỹ.

Hồng cho biết bảy năm không phải là thời gian dài, nhưng trong thời gian đó, cô nhận được rất nhiều và giờ đây là lúc cô bắt đầu “đền ơn đáp nghĩa,” cho những người cưu mang cô và đặt lòng tin nơi cô. Ngoài ra, cô cũng biết tận dụng công việc của một người tình nguyện để khuyến khích những người khác tham gia vào công tác xã hội.

Hồng thường nói với họ rằng, “Một con én không làm nổi mùa xuân, nhưng nếu không có con én đó, những con én khác không bao giờ muốn bay tới đây để làm nên mùa xuân.”
(Dựa theo một bài viết của đài CNN)

Leave a Reply