TTO – Trong tổng số hơn 2,5 triệu hộ dân cư tại TP.HCM chỉ có 39 hộ không có nhà ở theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, một con số gây ra khá nhiều tranh cãi.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thanh Sang, phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, để nghe lý giải sâu hơn xoay quanh các con số thống kê này.
* Thưa ông, tạo lập nhà ở tại một đô thị đắt đỏ như TP.HCM là chuyện không hề dễ dàng. Thế nên nhiều người chưa tin chuyện toàn TP.HCM chỉ còn 39 hộ không có nhà ở. Ông giải thích sao về kết quả đó?
– Trong cuộc tổng điều tra dân số này, để xác định tỉ lệ người có nhà ở hoặc không có nhà ở phải dựa vào tiêu chí thống nhất của Bộ Xây dựng làm việc với Tổng cục Thống kê. Chúng tôi có định nghĩa cụ thể thế nào là hộ không có nhà ở và hộ có nhà ở, thế nào là nhà kiên cố, thiếu kiên cố, nhà đơn sơ… Hộ không có nhà ở – ở đây là những hộ sống ở lều, lán trại, vỉa hè. Hiện nay ở quận 1, quận 4 và một số huyện ngoại thành còn tình trạng này.
Để có con số thống kê này, chúng tôi không chỉ dựa vào lời khai của người dân mà có tổ chức đi thực tế xác minh xem có đúng là họ đang sinh sống ở lều, lán, trại tạm bợ hay không. Cá biệt TP.HCM cũng có không ít trường hợp người dân sống ở gầm cầu thang nhưng có dựng vách, làm cửa ra vào riêng biệt thì chúng tôi cũng tính đó là hộ có nơi ở.
* Có nghĩa là nhà ở trong khái niệm thống kê không tính đến yếu tố người phải có chủ quyền sở hữu căn nhà?
– Điều tra của ngành thống kê không dựa trên chủ quyền nhà. Người sống ở nhà trọ vẫn tính là có nơi ở. Nói chính xác thì đây là thống kê về nơi ở.
Nơi ở có thể là đó chưa phải là căn hộ, căn nhà, nhưng nơi ở đó có tính riêng biệt, có cửa ra vào riêng thì đủ điều kiện được xem là nơi ở. Những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, sống tập trung tại các cơ sở xã hội, làng SOS… thì chúng tôi tính vào diện đối tượng đặc thù. Khi khảo sát các đối tượng này thì làm chung một phiếu chứ không tách riêng ra.
Riêng các đối tượng sống lang thang, ăn xin thì trong đêm trước ngày ra quân tổng điều tra dân số, các quận huyện đều có cho lực lượng tiếp cận, thu nhập thông tin. Và không phải ai sống lang thang cũng là người không có nhà ở.
Tôi đã trực tiếp tham gia một tổ công tác tiếp cận thực tế những người này. Đêm đó tôi có gặp một người nằm ngủ ngoài đường, đến hỏi thì người đó chạy mất. Nhưng những người xung quanh thì cho biết ông ta có nhà ở đàng hoàng, con cái khá giả nhưng ông giận gia đình nên bỏ nhà đi. Những người như vậy cũng được tính là người có nơi ở.
* Ông có thể cung cấp thông tin chi tiết về 39 hộ không có nhà ở hay không?
– Nguyên tắc của ngành thống kê và Luật thống kê không cho phép tiết lộ thông tin chi tiết về những trường hợp cụ thể. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp kết quả thống kê chung. 39 trường hợp này là ở quận 1, quận 4 và huyện Cần Giờ.
Có những trường hợp có nơi ở nhưng điều kiện sống rất chật vật. Đích thân tôi đã đến khảo sát một trường hợp ngay trung tâm quận 1: một nơi ở chỉ 6m2 nhưng là nơi sinh sống của 6 con người. Nghĩa là nếu họ cùng về nhà một lúc thì khi ngủ phải nằm sát nhau. Nhưng thực tế thì họ “chia ca” ra để về ngủ nghỉ, sinh hoạt: lúc người này đi bán hàng thì người kia nghỉ ở nhà và ngược lại. Họ là người nơi khác đến, nhưng đã sinh sống ở TP.HCM rất lâu năm, cũng không quậy phá, gây rối gì nên chính quyền địa phương rất khó xử lý. Nếu đẩy đuổi thì họ sẽ đi đâu, về đâu? Đây cũng là cái khó của địa phương mà không thể giải quyết ngay một sớm một chiều.
* Có một kết quả thống kê cũng gây nhiều ngờ vực là TP.HCM hiện chỉ có hơn 8,9 triệu người. Trong khi người ta suy đoán TP chắc phải có đến 14-15 triệu dân? Căn cứ nào để ông đưa ra con số 8,9 triệu?
– Với quan điểm của ngành thống kê, hễ ai đến TP sống từ 6 tháng trở lên thì tính là nhân khẩu thường trú của hộ đó. Không cần biết người đó có hộ khẩu hay không. Có những trường hợp mới tới TP ở chưa đủ 6 tháng nhưng họ có khuynh hướng ở lâu dài – khuynh hướng đó có căn cứ cụ thể thì chúng tôi vẫn xem đó là nhân khẩu thường trú. Ví dụ như tính đến thời điểm thống kê, một cô gái mới lên TP ở 3 tháng nhưng cô ấy sẽ ở lâu dài vì mới lấy chồng TP; hoặc một công nhân mới tới TP có một tháng để làm việc nhưng đã có quyết định tuyển dụng của công ty.
Còn về suy đoán TP có đông hơn 8,9 triệu dân, tôi cho rằng đó là tính cả những khách vãng lai, những người sáng đến TP làm việc, chiều về nhà ở tỉnh lân cận, khách du lịch, người ngoại tỉnh lên TP khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, người nuôi bệnh… Đó là những người tuy hiện diện ở TP nhưng lại không có quãng thời gian thường trú ổn định, lâu dài ở TP.
* Thưa ông, vì sao kết quả thống kê lại ghi nhận tình trạng hôn nhân của người từ 15 tuổi trở lên. Liệu như vậy có mâu thuẫn với Luật hôn nhân và gia đình?
– Đây là khái niệm của Liên Hiệp Quốc đưa ra chứ không phải riêng Việt Nam. Về tình trạng hôn nhân, chúng tôi không ghi nhận dựa trên tờ giấy đăng ký kết hôn mà căn cứ vào tình trạng chung sống thực tế. Khái niệm “có vợ có chồng” của ngành thống kê là khi giữa hai người nam – nữ thừa nhận có đời sống chung trên thực tế thì xem như là vợ chồng, không quan trọng họ có đăng ký kết hôn hay không.
Dĩ nhiên, đây là vấn đề có tính riêng tư, có liên quan đến luật pháp nên khi phỏng vấn, điều tra cũng phải hết sức tế nhị, khéo léo và cam kết đảm bảo bí mật thông tin. Con số thống kê sẽ cho thấy những khuynh hướng về lối sống, quan niệm sống, xu hướng tình dục, kết hôn…
* Điều tra về dân số, nhà ở được tiến hành 10 năm một lần, với kinh phí không nhỏ. Nhưng có vẻ như những kết quả được công bố vẫn còn khá sơ lược?
– Đây mới chỉ là kết quả thống kê sơ bộ mà thôi. Ngành thống kê TP vẫn còn phải làm rất nhiều việc để xử lý nguồn thông tin khổng lồ, quý giá thu thập được từ cuộc điều tra. Nếu không có gì thay đổi, trong quý 4-2019 sẽ có thêm một số kết quả chính thức nữa. Và đến năm 2020 sẽ có thêm nhiều ấn phẩm chuyên sâu phân tích kỹ hơn các số liệu, kết quả điều tra theo từng chuyên đề cụ thể. Ngoài ra, còn cần có thời gian đến chốt số liệu trên toàn quốc. Đó sẽ là căn cứ, chất liệu để giúp TP hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian sắp tới.