Sự “giàu có” của Bí thư Hội An

“Quan niệm giàu nghèo của tôi khá đơn giản: tôi giàu bạn bè, giàu ân nghĩa. Tôi giàu vì khi ra đường gặp dân, họ mỉm cười với tôi, đó là giàu có. Ai đó có thể ghét mình, có thể chưa trọng mình về kiến thức, trình độ, nhưng không khinh mình – đó là giàu”, Bí thư Hội An chia sẻ.

[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Hội An” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] Bí thư Hội An Nguyễn Sự tiếp tục cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam về chủ đề quan chức làm giàu.

Nhân nào, quả đó

 

Có vẻ ông rất tâm đắc với chuyện “tri túc” của người làm quan. Nhưng có bao giờ ông so sánh thế này không: ông là một ông bí thư đương chức ở Hội An, ông có khả năng kiếm được rất nhiều tiền nếu chịu đi đêm với doanh nghiệp đến làm ăn ở đây, nhưng ông lại lựa chọn cho mình cuộc sống trong một ngôi nhà cấp 4, đi xe đạp đi làm, ăn mặc xuề xoà, uống café vỉa hè và trong túi chỉ có vài trăm bạc. Vậy khi đọc báo, thấy những quan chức có biệt thự nọ, xe hơi kia, có đất đai bạt ngàn, ông có thấy tủi thân hay giận dữ không?

Tôi không giàu có, nhưng nhìn người khác giàu có, tôi sẽ nghĩ họ giàu có từ đâu? Nếu họ giàu có là do ông cha để lại, do gia đình họ giỏi kinh doanh, thu vén, làm giàu chính đáng thì tôi không bàn. Việc làm giàu bằng trí tuệ thì tôi khâm phục.

Nhưng việc làm giàu không phải do sức mình, ô tô nhà lầu không phải do trí tuệ của anh mà do anh lợi dụng chức quyền của mình, thì đó là điều đáng giận dữ. Thứ nhất, dân nhìn vào quan chức như thế sẽ nghĩ quan chức ai cũng vậy. Đó là nỗi buồn của người làm quan chức. Thứ hai, quan trọng hơn là dân sẽ mất lòng tin, mà khi dân không tin, thì nói dân không nghe. Hình ảnh người cán bộ trong dân không còn trong sáng, dân sẽ không còn tin chính quyền nữa.

Chuyện tủi thân thì không. Tôi tin cuộc đời không cho không ai cái gì cả. Chuyện Nhân – Quả cha ông ta đã dạy. Các cụ dạy “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, nhưng giờ tôi nghĩ, gieo nhân nào sẽ gặt ngay quả đó, đời cha ăn mặn chưa kịp bỏ đũa có thể đã khát nước rồi.

Tôi tin tiền bạc là thứ dễ kiếm nếu mất đi. Nhưng danh dự, nhân phẩm thì không. Nếu tôi không làm quan chức một cách ngay ngắn, con cháu tôi sau này sẽ phải chịu tiếng xấu cả đời. Tôi suy nghĩ như thế này: làm cha mẹ nếu không thể để lại cho con mình lòng tự hào,thì cũng đừng để lại tiếng xấu cho con cái. Mà trong đời mình tôi sợ nhất là con mình khinh mình. Đó là bi kịch.

Những đứa con là người biết rõ hơn ai hết cha nó là người ngay ngắn hay không. Tôi dạy con mình sống đàng hoàng, không được uống rượu, không được đánh bạc, thì tôi phải là tấm gương đã. Tôi không thể để con tôi về nói với tôi: ba ơi, ba dạy con như thế nhưng ba vẫn nhận tiền thiện hạ thì ba dạy con bằng cái gì?

Hội An, quan chức, tài sản, minh bạch
Phố cổ Hội An. Ảnh: Chudu

Toàn lời khen chưa chắc đáng mừng

Trước khi đến gặp ông, tôi đã ở Hội An vài ngày và có thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ về ông trong mắt người dân Hội An. Cũng có nhiều ý kiến lắm: có người nói ông là người có trách nhiệm với Hội An; có người nói ông Bí thư Hội An tốt chứ chưa phải là có tài, đáng lẽ Hội An phải giàu hơn mới phải; có người chê ông dân dã quá. Họ muốn ông phải ăn mặc chỉn chu hơn, phải comple cà-vạt; có người khen ông là một ông quan thanh liêm – dù ông không thích từ này. Nhưng cũng có người nói họ không tin ông nghèo?

Nếu người dân khen tôi 70% hay khen 100%, đó chưa chắc đã phải là đáng mừng, mà có khi lại là nỗi lo. Vì họ không biết hết về mình. Và họ cũng kỳ vọng về mình nhiều quá, như vậy có thể tôi sẽ dễ làm họ thất vọng hơn.

Nếu dân chê tôi đúng, tôi sẽ điều chỉnh, nhưng tôi cũng biết tỉnh táo giữa những lời chê bai đó. Khen chê là câu chuyện đầy cảm tính. Tôi cho đó là chuyện bình thường. Dân có thể nghi tôi “giả chết”, vì các ông cán bộ khác giàu, chẳng có lý do gì ông Sự không giàu. Nhiều bạn bè ở Sài Gòn về Hội An đến nhà chơi cũng không tin tôi nghèo.

Nhưng tôi cứ sống là mình. Tôi tin thời gian sẽ là câu trả lời rõ nhất. Có điều sẽ không ai dám nói là “ông Sự nhận tiền của tôi”, vì chắc chắn tôi không làm thế để có điều tiếng đến họ.

 

Hội An, quan chức, tài sản, minh bạch
Ông Nguyễn Sự. Ảnh: Lan Hương

Và ông có dám thách thức ai đó tìm kiếm bằng chứng, nếu họ nghi ngờ ông có của chìm, của nổi?

Làm điều đó để làm gì? Tôi cho là người dân có quyền thắc mắc. Nếu tôi là dân tôi cũng có quyền thắc mắc về cuộc sống của ông quan chức nơi tôi sống. Những gì dân đặt dấu hỏi về mình là động lực để tôi sống, làm việc và răn mình sao cho để những dấu hỏi đó không còn tồn tại nữa.

Ông có nói cơ chế minh bạch của chúng ta chưa đến nơi đến chốn. Ông có ủng hộ việc công khai tài sản của quan chức với dân?

Tôi ủng hộ công khai, nhưng công khai không chưa đủ, phải cả minh bạch nữa.

Ông Sự công khai 5 lô đất. Nhưng tiền nào để mua 5 lô đất đó, đó chính là cái thực sự phải công khai, minh bạch. Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở kê khai. Chúng ta chưa xác minh được tài sản đó từ đâu ra, làm chưa tới…

Không có một cơ chế kiểm soát rõ ràng về vấn đề quyền lực, về minh bạch về tài sản thì sẽ tiếp tục còn tham nhũng. Còn cơ chế xin – cho thì cũng sẽ còn tham nhũng. Quyền lực và tiền bạc là thứ dễ khiến cho con người tha hoá hơn cả nếu chúng ta không có cách kiểm soát hiệu quả.

Nếu nói về tài sản của mình, ông có thể khẳng định gì?

Tôi ngẩng cao đầu nói rằng tôi không lợi dụng vị trí này, chức vụ nọ để thu lợi cá nhân. Tôi là lãnh đạo của Hội An, nhưng không hề có một tấc đất của thành phố. Đất đai tôi có là do cha mẹ để lại. Con cái tôi lấy vợ, làm nhà, cũng đều trên mảnh đất do ông bà để lại.

Ở Hội An có thể cấp đất cho người nghèo, cho gia đình chính sách, còn cán bộ muốn có nhà thì phải đi mua. Tôi cũng tự hào là dù không dám khẳng định 100%, nhưng ở Hội An, chuyện quan chức gây khó cho doanh nghiệp, cho người dân, chuyện tham ô, tham nhũng là rất hiếm và cá biệt.

Có khi nào ông đắn đo: mình chấp nhận du di một chút thôi, thì cuộc sống vật chất sẽ thoải mái hơn?

Quan niệm giàu nghèo của tôi khá đơn giản: tôi giàu bạn bè, giàu ân nghĩa. Tôi giàu vì khi ra đường gặp dân, họ mỉm cười với tôi, đó là giàu có. Ai đó có thể ghét mình, có thể chưa trọng mình về kiến thức, trình độ, năng lực, nhưng không khinh mình – đó là giàu.

Ở vị trí của mình, ông tâm niệm điều gì?

Tri kỷ – tri chỉ – tri túc. Biết mình là ai – biết giới hạn đến đâu là vừa – biết thế nào là đủ.

Và ông hạnh phúc….

 

Tôi trở về nhà mỗi ngày, biết rằng mọi quyết định mình đưa ra đều vì nghĩ đến lợi ích cho người dân Hội An; và biết rằng mình vẫn giữ được sự tôn kính trong lòng con cái.

Leave a Reply