Theo PGS.TS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều nguyên nhân gây ra thực trạng ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ, trong đó có liên quan tới các yếu tố nguy cơ như người bệnh mắc kèm bệnh lý về tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì hay rối loạn chuyển hoá.
Ngoài ra, lối sống không lành mạnh sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá và lười vận động cũng gây ra đột quỵ ở người trẻ.
“Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 – 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Mặt khác, một số trường hợp xuất phát từ những yếu tố bẩm sinh như bị dị dạng mạch máu não từ bé, khi lớn các mạch phình ra, vỡ, gây đột quỵ”, BS Tôn nói.
Chỉ một tháng qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1.000 ca đột quỵ, trong đó 100 ca (chiếm 10%) ở độ tuổi trẻ, thậm chí có người mới 14 tuổi. Các ca bệnh này rải rác ở nhiều khoa khác nhau như Cấp cứu, Tim mạch, Thần kinh.
Thông tin từ Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, 50% số ca bệnh trên đều không thể qua khỏi.
Đáng lưu ý, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Hiện, số ca đột quỵ ở độ tuổi trung niên và thanh niên chiếm 30% tổng số bệnh nhân. Mỗi năm, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng thêm khoảng 2%. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Trước thực trạng trên, để phòng tránh nguy cơ bị đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi cần tập những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, tránh xa thuốc lá, bia rượu, chất kích thích, đi khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện những nguy cơ bệnh tật có thể xảy ra.