Tại sao Obama cảm ơn Hillary?

Trong một giây phút đáng nhớ tối 27/1, Tổng thống Barack Obama giải thích với Steve Kroft, người dẫn chương trình của CBS, rằng ông yêu cầu cuộc phỏng vấn 60 Phút chung với Hillary Clinton, bởi vì “tôi chỉ muốn có cơ hội công khai nói Cám ơn”.

 

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton trò chuyện với Steve Kroft, người dẫn chương trình “60 Phút” của CBS, tại Phòng Xanh của Nhà Trắng. (Ảnh: AP/CBS)


Thực vậy. Obama có lý do để cảm thấy biết ơn đối với bà Clinton, nữ Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm và là cựu đối thủ chính trị của ông.

 

Trong màn thể hiện ấn tượng về sự phục tùng và tận tụy sau cuộc cạnh tranh sơ bộ thuộc diện quyết liệt nhất trong lịch sử chính trị Mỹ, Clinton đã thực sự nổi bật trong 4 năm làm Ngoại trưởng của mình. Tuy nhiên, hành trình của bà từ một nhân vật chính trị có ảnh hưởng của Đảng Dân chủ – một ứng viên từng được xem là dễ dàng lật đổ ngôi sao mới nổi Obama – tới một sứ giả trung thành và bảo vệ Obama không hề dễ dàng.

Về phần mình, Tổng thống Obama đã đạt được đúng những gì ông có thể đã vạch ra khi làm việc với con người mà ông gọi là một “tài năng đặc biệt” trong chính quyền của mình. Ông đã loại bỏ được một cách hiệu quả mọi chỉ trích hoặc bình luận công khai có thể có từ cựu đối thủ chính trị hoặc người chồng nổi tiếng của bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, người trước kia từng lên án gay gắt ông Obama trong các vòng bầu cử sơ bộ.

Ban đầu, những kỳ vọng đó là khác biệt. Ngay sau khi Obama bất ngờ chọn Hillary Clinton vào vị trí Ngoại trưởng vào mùa thu năm 2008, Washington đã bắt đầu xuất hiện lời đồn về những tranh cãi nội bộ mà sự có mặt của Hillary có thể gây ra trong chính quyền mới.

Như Tổng thống thừa nhận vào tối ngày 27/1, ông đã đề nghị bà trở thành Ngoại trưởng của mình một phần bởi vì năm 2008, ông biết mình sẽ quá bận bịu với một nền kinh tế đang suy sụp, và ông cần ai đó “là một nhân vật toàn cầu” để đảm nhận chính sách ngoại giao.

Ngụ ý kể trên có nghĩa bà Clinton sẽ là một nhân vật nổi trội. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, Hillary Clinton nhanh chóng thấy rằng chính sách ngoại giao đang được điều hành chủ yếu ở bên ngoài Nhà Trắng. Hoặc như một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao bình phẩm: “Nếu bạn hỏi ai là Henry Kissinger của Barack Obama thì câu trả lời, tất nhiên sẽ là chính Barack Obama”.

Trong những tháng đầu tiên của chính quyền mới, Hillary Clinton dường như trở thành một người mờ nhạt ở cương vị đứng đầu Bộ Ngoại giao, tới mức mà bạn bè thân hữu, những người luôn biết đến bà như một cỗ máy chính sách, cảm thấy thất vọng khi thấy bà dường như không có uy lực.

Và như một số người còn nhớ, những vết thương của chiến dịch tranh cử sơ bộ vẫn còn nguyên đó trong chính quyền mới. Gần như toàn bộ năm đầu tiên, bầu không khí giữa hai phe Clinton và Obama vẫn phản ánh một khoảng lặng đầy bất trắc. Các trợ tá của Clinton có thể cảm thấy một sự cảnh giác lạnh lùng từ những người trung thành với Nhóm Obama tại Nhà Trắng, đặc biệt là nhà chiến lược chính trị David Axelrod, thư ký báo chí Rpnert Gibbs khi đó và Valerie Jarrett, trợ tá thân cận nhất của ông Obama.

Ngay từ đầu, bà Clinton “không nằm trong đội ngũ nòng cốt. Điều đó khá rõ”, một nguồn tin thân cận giấu tên nhận xét năm 2010. Đến lượt bà Clinton cũng phải “than phiền về một sự thiếu vắng những tiếng nói bất đồng trong chính phủ”, một người bạn lâu năm của bà Hillary cho biết. “Lúc đầu, bà ấy nói: Họ muốn thế này, họ muốn thế kia”, ám chỉ Nhà Trắng. Phải mất một thời gian bà mới có thể bắt đầu nói “chúng tôi”.

Bên cạnh đó, sự thẳng thắn của Hillary đôi khi gây kinh ngạc ở Cánh Tây của Nhà Trắng. Trong năm 2009, trước khi có Mùa xuân Ảrâp, nữ Ngoại trưởng Mỹ ngụ ý rằng bà sẽ phát triển một chính sách mà sẽ đưa các nhà độc tài Ảrập vào một khối chống Tehran. Trong một bài phát biểu, bà táo bạo kêu gọi các chính phủ Ảrập tham gia vào một “chiếc ô phòng thủ” kiểu chiến tranh Lạnh trước chương trình hạt nhân của Iran. Báo New York Times ngay sau đó dẫn lời “một quan chức cấp cao của Nhà Trắng” bình luận rằng Clinton đang nói cho chính bản thân mình. Đó là lần cuối cùng người ta nghe thấy cụm từ “chiếc ô phòng thủ”.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm, Hillary Clinton tự thừa nhận rằng thời gian đầu khá khó khăn, ít nhất là đối với bà và các trợ tá chính trị của Tổng thống. “Tôi thực sự nghĩ có một khoảng cách nhỏ giữa Tổng thống và tôi. Nhưng tôi nghĩ là công bằng khi nói rằng những người ủng hộ cả hai chúng tôi có thể mất thời gian hơn để vứt bỏ những vết tích của một chiến dịch vốn rất gắt gao. Bởi vì đó chính là bản chất của con người”.

Tuy nhiên, Clinton đã hạn chế một cách tối thiểu mọi tiếng thì thầm xung quanh và dồn sức cho một nỗ lực lớn nhằm xóa bỏ bất kỳ khoảng cách nào giữa bà và “tổng thống của bà”, và cho dù lời cảm ơn của ông Obama ngày nay là một dấu hiệu gì đi nữa thì bà cũng đã đạt được thành công lớn.

Giây phút quyết định, theo các trợ tá của Clinton, xuất hiện tại các cuộc thảo luận về khí hậu toàn cầu ở Copenhagen tháng 12/2009. Bà đã gánh trọng trách trước đó, đặc biệt là trong đánh giá lại chính sách Afghanistan, khi đứng về phía Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thuyết phục Obama tăng viện thêm 30.000 quân nữa tới đất nước này. Tuy nhiên “Copenhagen là giây phút A-ha cho cả hai người”, một trợ tá cấp cao của bà Clinton cho biết.

Cuộc họp của 133 nước, tập trung đàm phán một hiệp ước kế thừa hiệp ước Kyoto, có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Trong một quyết định tự phát, Obama và Clinton tham gia một cuộc gặp mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tổ chức với các nhà lãnh đạo Brazil, Ấn Độ và Nam Phi nhằm ngăn những kiểm soát khí hậu đơn giản, chẳng hạn như “MRV” (đo đạc, báo cáo và kiểm chứng) về khí thải nhà kính. Mỉm cười và bắt tay nhau như thể vừa gặp-và-chào, Obama và Clinton đã làm việc cùng nhau như khi cá nhân họ hành động cho chiến dịch, sau đó Tổng thống ngồi lại và bắt đầu đàm phán, với bà Clinton ngồi ở bên trái chuyển giấy tờ cho ông. Cuối cùng phía Trung Quốc đồng ý nhượng bộ, cả Obama và Clinton biết rằng giây phút quyết định đã xuất hiện từ hai ngày trước khi bà bất ngờ bay tới để đưa ra một viên kẹo ngọt – lời đề nghị 100 tỷ USD từ các nước giàu vào năm 2020 giúp các nước nghèo hơn đương đầu với kiểm soát khí hậu. Obama đã khép lại thỏa thuận mà bà Clinton đã vạch ra.

Trong hai năm cuối của nhiệm kỳ, mặc dù Clinton chưa từng thực sự giành lại sáng kiến chính sách – ngoại giao từ Nhà Trắng, bà vẫn có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là trong việc thúc giục Tổng thống can thiệp vào Libya, thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn với Tehran.

Trong cuộc phỏng vấn 60 Phút trên CBS, Obama bày tỏ: “Thật là một sự cộng tác lớn trong 4 năm qua. Tôi sẽ nhớ bà ấy”.

Có mọi lý do để nghĩ ông chủ Nhà Trắng hàm ý điều đó.

Thanh Hảo (Theo National Journal)

Leave a Reply