Thành công của người Mỹ gốc Á không hẳn nhờ học vấn


Trong một ấn bản vào năm 2014 của báo Washington Post, nhà bình luận Bill O’Reilly từng đưa ra một nhận định, sau khi nhìn vào những số liệu thống kê ghi nhận, cho thấy thu nhập của những gia đình gốc Á Châu cao hơn 20% so với mức thu nhập trung bình của những gia đình người Mỹ da trắng.

“Vậy, họ có nhận được đặc quyền da vàng tại Mỹ không?” ông O’Reilly đưa ra câu hỏi. Tất nhiên là không, ông trả lời. Lý do dẫn đến việc người Á Châu “thành công nhiều hơn so với người Mỹ gốc Phi Châu và hơn cả người da trắng” có thể được cho là vì “các gia đình Á Châu coi tầm quan trọng của gia đình và học vấn là nền tảng cho sự thành công,” ông nói.

Ông chia sẻ thêm sau khi đưa ra một tuyên bố của ‘U.S. News và World Report năm 1966’ từng ghi nhận về những “kỉ luật nghiêm khắc” và “nét đẹp truyền thống” của người Mỹ gốc Á Châu. “Vào thời điểm khi hàng trăm tỷ đô la đề xuất dùng cho việc giúp đỡ những người da đen và các sắc tộc khác, một quốc gia với 300,000 người Mỹ gốc Hoa đang ngày càng phát triển mạnh bằng chính sức của họ,” ông O’Reilly nói thêm.

Đến một mức độ, “khuôn mẫu” này của dân tộc thiểu số dần trở thành một nét đặc trưng cho sự phát triển chóng mặt của người Mỹ gốc Á Châu.

Một thế kỷ trước, người Mỹ gốc Á Châu chỉ được biết đến như những người lao động nặng nhọc và chỉ nhận được mức lương căn bản. Họ thường làm những công việc như thợ đào mương, thợ giặt và thợ mỏ. Nhưng chỉ sau vài thập niên, người Chấu Á đang leo lên những nấc thang cao hơn về vị trí xã hội và kinh tế.

Hiện nay, nguyên do cho sự phát triển chóng mặt của sắc tộc này vẫn còn là một điều ít ai có thể giải thích.

“Những giả thuyết được loan truyền cho rằng người Mỹ gốc Á Châu đến Hoa Kỳ trải qua những khó khăn và bất lợi về nhiều mặt, bù lại họ có lợi thế trong việc đầu tư học vấn cho con cháu mình,” ông Nathaniel Hilger, một nhà kinh tế học tại Brown Univeristy nói.

Nhưng học vấn không phải yếu tố quyết định, ông nói thêm.

Ông Hilger sử dụng những số liệu từng ghi nhận để lần theo tài sản và thu nhập của người da trắng, da màu và da vàng từng sinh ra tại California trong thời điểm đầu và giữa thế kỷ 20. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy cấp độ học vấn không ảnh hưởng trực tiếp gì nhiều đến việc tại sao người Mỹ gốc Á Châu lại có thể rút ngắn khoản cách thu nhập so với người da trắng vào những năm 1970.

Nghiên cứu của ông cho thấy, xã hội đang giảm dần sự “kị thị chủng tộc” đối với người Á Châu.

Người Mỹ gốc Á Châu đã và đang gắn liền chặt chẽ với lịch sử Hoa Kỳ. Ghi nhận cho thấy, đợt sóng đầu tiên của người Á Châu di cư vào Mỹ là vào những năm 1800, khi người Hoa đến California lao động nhằm xây dựng đường xe lửa. Tại thời điểm ấy, sự hiện diện của một sắc tộc khác dẫn đến những nỗi oán giận, căm ghét của những người da trắng dẫn đến cuộc thảm sát người Hoa vào năm 1871 xảy ra tại Los Angeles. Đây được xem là một trong những cuộc treo cổ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Năm 1882, Quốc Hội Mỹ thông qua điều lệ nhằm ngăn cấm người Hoa “tràn vào” Mỹ qua việc hạn chế những người lao động có kỹ năng kém và không chuyên môn được vào Hoa Kỳ. Đến năm 1924, đa phần người di cư từ các nước Á Châu bị cấm.

Tuy gặp phải “kỳ thị chủng tộc”, một số gia đình quyết định cư lại, chủ yếu tại bang California. Ý kiến tổng quát tại thời điểm ấy cho thấy người da trắng có những định kiến rất nặng đối với người Mỹ gốc Á Châu và Mỹ gốc Phi Châu. Người Á Châu phải sống ở những khu riêng biệt và cha mẹ thường đưa con em đến những trường học dành riêng cho người Á Châu. Để tồn tại, một số người phải tự khởi nghiệp và tự mở công ty riêng vì không nơi nào muốn nhận họ làm.

Năm 1965, với sự thay đổi luật nhằm tìm kiếm và thu hút di dân có tài năng đã thu hút một lượng lớn người Á Châu, mà ngày nay nhóm người này chiếm một phần lớn dân số những người Á Châu sinh sống tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trước làn sóng những người Á Châu có kỹ năng và học thức cao nói trên được vào Mỹ, thì những người Á Châu sống trước thời điểm này đã ít nhiều thu hẹp sự chênh lệch lương so với người da trắng.

Thống kê vào năm 1940 mà Hilger tìm được cho thấy, người Á Châu sinh tại California có thu nhập thấp hơn so với người Phi Châu sinh tại California. Đến năm 1970, thống kê ghi nhận, thu nhập của người Á Châu gần bằng với người da trắng, và đến năm 1980, người Á Châu sinh ra và lớn lên tại Mỹ có thu nhập cao hơn người da trắng.

Suốt thời gian ấy, nhiều gia đình Mỹ gốc Á Châu tập trung “đầu tư” cho việc học của con em mình. Tuy vậy, Hilger phát hiện rằng những cải tiến về trình độ học vấn, là một yếu tố “quá khiêm tốn” để giải thích thế nào cho sự phát triển nhanh chóng trong thu nhập của người Á Châu.

“Người Á Châu từng được trả lương bằng với người Phi Châu,” ông Hilger cho biết. “Nhưng giữa năm 1940 và 1970, họ bắt đầu nhận mức lương bằng người da trắng.”

Ông Hilger nhận thấy, nguyên nhân cho việc này là do sự “tháo dỡ” chậm từ những tổ chức phân biệt đối xử sau Chiến Tranh Thế Giới thứ hai với người Á Châu, cùng lúc thay đổi các định kiến về phân biệt chủng tộc.

Đây cũng là giải thích tương tự mà hai kinh tế gia, bà Harriet Orcutt Duleep và ông Seth Sanders, nhận thấy người Mỹ gốc Á Châu, vào giữa thế kỷ 20, dần lấn vào nhiều ngành nghề khác nhau và được trả mức lương cao hơn so với những người làm cùng lãnh vực dù rằng mức độ làm việc của hai bên đều như nhau.

Nói một cách khác, sự phát triển thu nhập của người Á Châu sinh và lớn lên tại Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng từ trình độ học vấn. Đây là kết quả từ việc người Á Châu nhận được cơ hội phát triển – nhận mức lương xứng đáng cho kỹ năng và mức lao động như bao người khác.

Thế thì vì sao người Mỹ gốc Phi Châu lại không thu hẹp được khoảng cách thu nhập như người Á Châu? Việc này rất khó giải thích. Nghiên cứu cho ông Hilger thấy có mức độ khác biệt về kỹ năng việc làm. Nếu so sánh người Á Châu và Phi Châu có cùng trình độ học vấn, người Mỹ gốc Phi Châu hay nhận được cơ hội thấp hơn vào những năm 1940.

Tuy vậy, một yếu tố khác có thể giải thích cho việc thu hẹp thu nhập của người gốc Phi Châu có thể là do quan niệm của người dân, sau khi chiến tranh, thay đổi khác nhau giữa người Á Châu và người Phi Châu.

Vào những năm 1850, truyền thông tại California than phiền về việc người Hoa di cư là cặn bã của tầng lớp lao động vì có những “cách hành xử”, “thói quen” và “quan niệm sống” giống người Phi Châu. Tuy vậy vào những năm 1960, quan niệm của người dân lại thay đổi theo một hướng khác. Truyền thông khi ấy lại khen ngợi người Á Châu là những người chăm chỉ, ham học hỏi, không gây xích mích và ít khi than phiền.

“Một ý tưởng truyền thống vẫn được loan truyền rộng rãi tại khu Chinatown là thay vì chỉ sống dựa vào phúc lợi từ nhà nước, con người nên dựa vào chính sực lực bản thân,” trích U.S. News and World Report.

Đến nay, làn sóng người di cư với kỹ năng cao đã và đang thay đổi ít nhiều về những quan niệm của người Á Châu và biến hình ảnh của sắc tộc này như một chủng tộc có học vấn và thu nhập cao. Phụ huynh có trình độ học vấn cao sẽ khuyến khích con cháu mình chú trọng vào học vấn. Gần nửa số người Mỹ gốc Á Châu trên 25 tuổi có bằng đại học trong tay so với 28% của tổng số người Mỹ.

Nghiên cứu của Hilger cũng cho thấy, 50 năm trước, người Á Châu phát triển không nhanh vì họ không có nhiều cơ hội. Nay những định kiến về người Á Châu đang dần “phai” đi, người Á Châu đang phát triển một cách nhanh chóng. Trung bình thu nhập của người Mỹ gốc Á Châu cao hơn vì họ có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao.

Tuy vậy, nếu nhìn kỹ hơn vào nghiên cứu của Hilger, người Á Châu lại có thu nhập thấp hơn 5% so với người da trắng mặc dù họ có cùng trình độ học vấn – người da màu và người gốc Hispanic có thu nhập thấp hơn 20%.

Thành công của người Mỹ gốc Á không hẳn nhờ học vấn
Cơ hội cho người Á Châu phát triển nhiều hơn trước (Hình: BEHROUZ MEHRI/AFP/Getty Images)

Cùng có học vấn cao, tuy nhiên người da trắng vẫn có thu nhập cao nhất.

Nhiều người cho rằng người Mỹ gốc Á Châu là ví dụ điển hình cho việc “học cao và chăm chỉ làm việc” dẫn đến thành công mặc cho bạn thuộc sắc tộc nào. Trái lại, thống kê lại cho thấy, nếu bạn thuộc một chủng tộc thiểu số, bạn phải làm việc cật lực hơn với mức thu nhập thấp hơn.

Học vấn cao sẽ ảnh hưởng đến việc thu hẹp khoảng cách thu nhập ít nhiều, nhưng yếu tố này không hoàn toàn giải quyết vấn đề. Mặt khác, nghiên cứu cho thấy, hiện nay, có xu hướng chênh lệch thu nhập ngay cả với những người có học vấn cao giữa người da màu và người da trắng. Theo một báo cáo của Economic Policy Institute vào Tháng Chín, sự chênh lệch về thu nhập giữa người da trắng và người da màu cùng có bằng đại học, bắt đầu từ những năm 1980.

Quá nhấn mạnh về “sức mạnh” học vấn cũng làm lu mờ những rào cản còn lại. Mặc cho những than phiền từ Stephen K. Bannon, tổng thống đắc cử Donald Trump cùng cố vấn của ông, phủ nhận việc “hai phần ba, hoặc ba phần tư CEO tại Silicon Valley là người Á Châu”. Ngay đến những công ty công nghệ thông tin hay tuyển dụng người Á Châu, thì người Á Châu vẫn được ít thấy với những chức vụ quan trọng trong hệ thống quản lý điều hành.

Người Mỹ gốc Á Châu đã gặt hái được những tiến bộ vượt bậc tại Mỹ. Điều tuyệt vời nhất đối với họ không phải là học vấn cao, mà là quan niệm của người Mỹ về chủng tộc này đang thay đổi tích cực và người Mỹ đối xử với họ một cách tôn trọng hơn. (Kh.L.)

Leave a Reply