Bài viết của ông Osius có tựa đề “Speaking Out” đăng trên tạp chí Foreign Service Journal, số ra Tháng Tư, 2018.
Vị cựu đại sứ Mỹ hiện là phó viện trưởng đại học Fulbright University Vietnam, một trường tư, bất vụ lợi ở Sài Gòn.
Hồi năm 2008, Mỹ và Việt Nam ký một thỏa thuận là Việt Nam chỉ nhận hồi hương những ai đến Mỹ sau ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Osius cho Reuters biết, trong số những người trong diện trục xuất, có “một số” người đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, bị trả về Việt Nam trong thời gian qua.
Ông cũng nói rằng nhiều người trong số những người bị trục xuất là người ủng hộ chế độ miền Nam Việt Nam do Hoa Kỳ ủng hộ, và Hà Nội sẽ coi họ là thành phần gây bất ổn cho họ, vẫn theo Reuters.
“Những người này không có một quốc gia để trở về,” ông Osius nói với Reuters.
Nhiều người trong số họ đến Mỹ với tư cách tị nạn, sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.
Ông Osius nói với Reuters rằng chính quyền Donald Trump bắt đầu yêu cầu ông ép phía Việt Nam nhận những người này từ Tháng Tư, 2017, và đây là lý do ông từ chức hồi Tháng Mười.
Ông Brendan Raedy, phát ngôn viên cảnh sát di trú (ICE), nói rằng, tính tới Tháng Mười Hai, 2017, có 8,600 người Việt Nam trong diện trục xuất, trong số này có “7,821 trường hợp bị kết tội hình sự.”
Chính quyền Donald Trump phân loại Việt Nam và tám quốc gia khác là “ngoan cố” vì không muốn nhận những công dân của họ bị trục xuất.
Tuy nhiên, di dân Việt Nam, theo Reuters, hầu hết là cư dân hợp pháp tại Hoa Kỳ, nhưng chưa phải là công dân, lại ở trong trường hợp đặc biệt.
Theo ông Osius, hầu hết những người trong dạng trục xuất đến Mỹ trước năm 1995, thời điểm Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cựu Đại Sứ Osius cũng nói chính quyền Donald Trump còn đe dọa miễn đặc quyền cho các giới chức Việt Nam khi họ đến Mỹ và liên hệ vấn đề này với quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
Ông nói với Reuters là có một số di dân vi phạm tội hình nghiêm trọng, nhưng nói thêm rằng “có một thỏa thuận giữa hai nước hồi năm 2008 là không đụng đến những người đến Mỹ từ năm 1975 đến năm 1995.”
Ông Raedy không nói cụ thể lý do tại sao những người không bị kết tội hình sự lại nằm trong diện bị trục xuất, nhưng di dân ở Mỹ mà không có quy chế hợp pháp là phải bị trục xuất, theo Reuters.
Tòa Bạch Ốc từ chối trả lời phỏng vấn của Reuters liên quan đến trục xuất.
Bà Katina Adams, phát ngôn viên Vụ Đông Á Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói rằng Mỹ và Việt Nam “tiếp tục thảo luận quan điểm của họ liên quan đến công dân Việt Nam cư ngụ tại Hoa Kỳ.”
Một giới chức cao cấp của Việt Nam xác nhận với Reuters rằng Hà Nội cũng “đang thảo luận” với phía Mỹ về vấn đề này.
“Nhiều người đến Mỹ sau khi cuộc chiến kết thúc,” giới chức này nói, và yêu cầu ẩn danh. “Đối với những người đến sau này, không phải ngay sau cuộc chiến, đó lại là vấn đề khác.”
“Những người này được chấp nhận hồi hương.”
Theo dữ kiện của ICE, có 71 người Việt bị trục xuất về nước năm 2017, so với 35 người trong năm 2016, và 32 người trong năm 2015, Reuters cho biết.
Những dữ kiện này không cho biết những người này đến Mỹ năm nào.
Theo Reuters, hồi Tháng Chín 2017, Đại Sứ Osius viết một lá thư cho Ngoại Trưởng Rex Tillerson, yêu cầu ông xem xét lại chính sách trục xuất.
Vào Tháng Mười Một, sau khi ông Osius đã từ chức, ông Tillerson viết lại rằng “không thể tiếp tục tình trạng hiện nay” và Việt Nam cần phải nhận thêm người bị trục xuất, theo Reuters.
Reuters cho biết không thể liên lạc được ông Tillerson, hiện không còn làm ngoại trưởng nữa, để phỏng vấn cho bài viết này. (Đ.D.)