Tranh giành đồ ăn, tranh giành chỗ ngồi, tranh cướp tại các lễ hội, vứt rác bừa bãi, nói to, nói tục chỗ đông người, mặc đồ ở nhà đi ăn tiệc, cởi trần và thậm chí là đi vệ sinh giữa đường…
những thói xấu này không chỉ được nhiều người Việt hành động ở nhà mà ra nước ngoài cũng áp dụng y nguyên. Nhiều nơi còn để cả biển cảnh báo với những thói xấu của người Viêt Nam. Nhiều người “nóng mặt” xấu hổ với những thói xấu của người Việt khi bị bêu trên báo chí cả trong và ngoài nước. Nhưng, tại sao tình trạng này lại không giảm đi?
Hôm qua (31/3), một hội thảo bàn về cách xử lý đối với thói xấu của du khách Việt Nam đã được Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tại cuộc hội thảo này, nhiều thói xấu của du khách Việt đã được điểm mặt chỉ tên. Những tham luận tại hội thảo đều bày tỏ thái độ xấu hổ, buồn chán của những người tham gia lữ hành, những người quan tâm đến hoạt động du lịch và mong muốn quảng bá du lịch Việt Nam.
Một con số đáng chú ý được đề cập là, chỉ cần gõ từ khóa “thói xấu của du khách Việt” với google, chỉ trong 0,51 giây, sẽ có gần 600.000 kết quả hiện ra. Những thông tin và hình ảnh mà nhiều người tưởng là hiếm có khó tìm như tranh giành đồ ăn, vứt rác, nói tục, tranh nhau chụp ảnh “tự sướng”, quần áo lôi thôi, không đúng giờ, hay bỏ trốn… hiện ra tràn ngập.
Nhìn những kết quả của từ khóa mới hiểu vì sao, nhiều người phải thốt ra miệng cụm từ “nóng mặt vì xấu hổ”! Mà quả thật, không xấu hổ sao được khi mất tiền ra nước ngoài du lịch mà nhìn thấy những tấm biển ghi bằng tiếng Việt cảnh báo có camera an ninh và nếu ăn cắp sẽ bị phạt tù; những tấm biển ghi bằng tiếng Việt phạt người để lãng phí đồ ăn; những tấm biển ghi bằng tiếng Việt sẽ phạt những ai vứt rác bừa bãi. Những tấm biển bằng tiếng Việt ở nước ngoài để cho ai đọc? Liệu có ai mong muốn tiếng Việt trở nên quốc tế hóa, được sử dụng phổ biến ở nước ngoài theo cách này?
Theo số liệu thống kê, năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người ra nước ngoài. Nhiều người lần đầu đi chơi xa, thiếu sự tư vấn và hướng dẫn, nên vẫn hồn nhiên mang theo những thói quen tự nhiên như ở nhà.
Tại hội thảo, 8 thói tật xấu của người Việt khi ra nước ngoài đã được nêu ra từ trang phục, ngôn phong, tác phong, ăn uống, giữ vệ sinh, tham quan, đạo đức, xuất khẩu tệ nạn và lao động chui.
Chưa bao giờ hình ảnh Việt Nam lại xuống cấp dưới con mắt bạn bè như vậy. Những thói quen “tự nhiên chủ nghĩa”của người Việt ra nước ngoài gây không ít phiền hà cho thiên hạ, nên nhiều người cứ tránh xa cho chắc ăn. Các hoạt động đối ngoại về kinh doanh, thương mại, văn hóa…từ hội chợ đến triển lãm; nhiều khi còn góp phần PR xấu cho đất nước, mà Expo Milan 2015 là minh chứng cụ thể nhất. Quản lý tồi tệ kiểu “Cha chung không ai khóc”, cán bộ ít nêu gương, làm ít phá nhiều; lãng phí toàn tập. Cứ chăm bẵm vào lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm; bỏ mặc, thậm chí chà đạp quyền lợi và hình ảnh quốc gia vì chuyện cục bộ, sẵn sàng “bỏ tôm bắt tép”. Trong thời đại bùng nổ internet, chỉ cần vài phút sau sự cố, cả thế giới đã tỏ tường, không thể dấu diếm hoặc lấp liếm qua chuyện. Khi vui, thường gặp người thân mới chia sẻ, nên việc tốt 1 nhân 10. Sẵn bực, thì mới quen cũng sẵn sàng trút bầu tâm sự, nên việc xấu 1 nhân 100.
Nhìn vào thực trạng xã hội người Việt hiện nay, có người đã chua chát “Người Việt không còn yêu nước? Học chỉ yêu nước bằng khẩu hiệu. Nếu yêu nước thật lòng đã không có những hành xử như vậy”. Điều này trái ngược hẳn với thời kỳ chiến tranh. Khi đất nước bị xâm lăng thì trăm người như một, dốc lòng chiến đấu, sẵng sàng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Hãy bớt tự hào về quá khứ mà phải biết xấu hổ vì sự nghèo nàn, tụt hậu của đất nước ; vì những thói tật xấu xí của người Việt hiện tại. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, là vẫn còn hy vọng đổi đời cho đất nước.
Khi đã tìm ra nguyên nhân thì việc khắc phục không quá khó. Khó nhất là thay đổi tư duy quản lý, là có dám làm triệt để hay không. Việt Nam không thiếu những văn bản luật định chế tài, nhưng các vi phạm thường bị du di, “dĩ hòa vi quí” nên nhờn luật và vấn nạn ngày càng gia tăng!
Để giải quyết bản chất của vấn đề, có lẽ cần bắt đầu từ mỗi cá nhân. Mỗi người chúng ta hãy bằng những hành động cụ thể của mình, giữ gìn và phát huy các nét đẹp của văn hóa ứng xử của người Việt Nam, điều chỉnh các ứng xử không phù hợp, góp phần nâng cao hình ảnh con người Việt Nam.
Lam Nguyên