Thủ tướng Narendra Modi cùng với các nhà lãnh đạo khác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 ở Davos, Thụy Sỹ. (Ảnh:narendramodi.in)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng nói về quan điểm tư tưởng của Ấn Độ về phát triển và chia sẻ sự thịnh vượng với phần còn lại của thế giới. Mặc dù ông Modi không trực tiếp nêu tên Pakistan hay Trung Quốc, nhưng những vấn đề mà ông nêu ra, thường liên quan đến hai nước này.
Trong bài diễn văn lịch sử của mình, xen kẽ với nhiều ‘câu thơ đôi’ tiếng Phạn, chỉ rõ ý tưởng của Ấn Độ theo nghĩa thực của nó, ông Modi cho rằng: “Mối đe dọa lớn thứ hai đối với thế giới là khủng bố. Trong năm 2016, hơn 25.000 người đã bị sát hại trong các vụ tấn công khủng bố, và có 77 quốc gia, chiếm 44% các nước thành viên Liên Hợp Quốc có người bị mất mạng”.
Cũng theo Thủ tướng Modi, cùng với vấn đề vấn đề biến đổi khí hậu, khủng bố là mối quan ngại nghiêm trọng của thế giới. Chủ nghĩa khủng bố là nguy hiểm, nhưng điều nguy hiểm cũng không kém là sự “phân biệt giả tạo” giữa “kẻ khủng bố tốt” và “kẻ khủng bố xấu”, ông Modi nhận định.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp toàn cầu về tham vọng của Ấn Độ trong thời đại hiện nay, ông Modi khẳng định: “Ấn Độ không có bất kỳ tham vọng về ý thức hệ và địa lý nào. Chúng tôi không lợi dụng bất kỳ nước nào, mà sẽ hợp tác cho sự phát triển của đất nước đó. Kết quả của hàng ngàn năm cùng tồn tại hòa bình và đa dạng của Ấn Độ, chính là điều mà chúng tôi tin vào thế giới đa văn hóa, và trật tự toàn cầu đa cực”.
Thủ tướng Modi nói thêm: “Ấn Độ đã chứng minh rằng tất cả các tranh chấp và sự khác biệt có thể được loại bỏ bởi nền dân chủ, hợp tác, hòa thuận và truyền thông. Không chỉ có vậy, một nước Ấn Độ tiến bộ, minh bạch, ổn định và có thể dự đoán được, sẽ tiếp tục là một tin tốt lành trong một trạng thái khác của sự không chắc chắn và thay đổi liên tục. Một Ấn Độ, với sự đa dạng rất lớn tồn tại một cách hài hòa, sẽ luôn luôn là một lực lượng thống nhất và hòa hợp”.
Lời tuyên bố của ông Modi về tham vọng của Ấn Độ là rất quan trọng, đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của họ, thông qua cái được coi là một hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc. Dự án của Trung Quốc được đề cập đến nhiều nhất chính là ‘Sáng kiến Vành Đai và Con đường’ (BRI), cũng được gọi là ‘Sáng kiến Một vành đai, Một con đường’ (OBOR). Các phương tiện truyền thông quốc tế gọi BRI là “thương mại toàn cầu theo thuật ngữ của Trung Quốc”. Ấn Độ là nước quan trọng duy nhất của thế giới, không ủng hộ Hội nghị thượng đỉnh BRI ở Trung Quốc vào năm ngoái, và cũng không cử các đại biểu của mình đến tham dự. Rõ ràng, Bắc Kinh không hài lòng với hành động này của Ấn Độ.
Ấn Độ có những quan ngại chính đáng đối với BRI của Trung Quốc. Một trong những dự án hàng đầu của BRI, Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), là một phần mở rộng của Sáng kiến Con đường Tơ lụa (NSR), đi qua khu vực Kashmir, hiện đang bị tranh chấp bởi 3 nước là Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Đối với các dự án này, người ta tin rằng Pakistan có thể sẽ trở thành một thuộc địa của Trung Quốc trong những thập kỷ tới vì sáng kiến này.
Ông C Raja Mohan, biên tập viên về vấn đề đối ngoại của tờ Indian Express, đã lập luận trong một bài báo năm ngoái rằng OBOR là “ngoạn mục về mục đích”, nhưng không phải là “chưa từng xảy ra”. Theo ông Mohan: “Đó là những gì mà Ấn Độ trong thời kỳ bị Vương quốc Anh cai trị, đã từng thực hiện trong thế kỷ 19 như: mở cửa thị trường, xây dựng các tuyến thương mại mới, thiết lập các liên minh và thuộc địa, biến Ấn Độ – Thái Bình Dương trở thành một khu vực có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, được kiểm soát từ thành phố Calcutta”.
Thậm chí tờ Nhật báo Dawn của Pakistan đã công bố những chi tiết riêng biệt về những mục tiêu của dự án CPEC, sẽ đạt được vào năm 2030. Các chi tiết cho thấy Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ Pakistan đến năm 2030 như thế nào.
Tại diễn đàn thế giới ở Davos hôm 23/1, ông Modi đã lưu ý rằng trước đây khi thủ tướng Ấn độ tham dự diễn đàn kinh tế thế giới trong năm 1997, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Ấn Độ khi đó mới chỉ hơn 400 tỷ USD, nhưng bây giờ nó đã tăng hơn 6 lần. Trong khi viện dẫn chủ đề của Diễn đàn kinh tế 2018 “Tạo ra một tương lai chung trong một thế giới bị phân rẽ”, ông Modi cho rằng triết lý Ấn Độ ‘thế giới là một gia đình’ bây giờ là thích hợp hơn để giải quyết những bất đồng và khác biệt trên thế giới.
Phạm Duy