Trong chuyến công tác về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn với 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” của dịch Covid-19.
Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm và bám việc của bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khi người đứng đầu đều tham dự họp và sẵn sàng tham gia chống dịch.
4 nguyên nhân khiến dịch lây lan
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, Thủ tướng và các phó thủ tướng phân công nhau đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ở Hà Nội với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã rất tích cực, trong mấy tuần vừa qua gần như làm việc cả đêm, cả ngày. Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên tục đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Tây Nam.
Ngày 9/5, Thủ tướng trực tiếp cùng Phó thủ tướng Lê Văn Thành và một số bộ trưởng tiếp tục đi kiểm tra thực địa tại một số địa phương và xem xét các công việc liên quan đến nhiều mặt ở các tỉnh biên giới phía Nam.
Từ 27/4 đến 9/5, Việt Nam ghi nhận tổng số 256 ca mắc Covid-19 tại 26 tỉnh, thành. Theo người đứng đầu Chính phủ, chỉ trong 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường. Ông đồng thời chỉ ra 4 nguyên nhân của việc này.
Nguyên nhân trước hết, Thủ tướng cho rằng do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Thủ tướng yêu cầu “phải xác định rõ địa chỉ, rõ người để kiểm điểm trách nhiệm”.
Nguyên nhân thứ hai là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra diện rộng.
“Nguy cơ dịch toàn quốc hiện hữu lắm rồi. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn để ngăn chặn dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cao vai trò đặc biệt quan trọng của bí thư, chủ tịch các cấp, Thủ tướng yêu cầu: “Bí thư, chủ tịch các cấp phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, chống dịch như chống giặc, mỗi tỉnh, huyện, xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, thành viên của pháo đài”.
Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế dẫn tới “bị thủng lưới”.
Nguyên nhân thứ tư là tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việc kiểm soát đường biên giới khó khăn vì đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn.
Thủ tướng cho biết vừa qua đã có hiện tượng chống phá, xuyên tạc, nói xấu, đưa thông tin sai lệch, sai sự thật trên mạng xã hội và một số phương tiện về công tác phòng, chống dịch, tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19, làm nhân dân hoang mang, dao động.
Dự liệu tình huống xấu nhất
Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết những ngày qua, ông cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra biên giới và một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ.
Thực tế cho thấy cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt, quản lý chặt chẽ biên giới, các chốt kiểm soát được bố trí dày đặc, tăng cường quân, lực lượng liên hợp… nên đã ngăn chặn khá tốt tình trạng nhập cảnh trái phép.
Song, ông cho rằng áp lực còn rất lớn. “Tuyến biên giới Tây Nam không như phía bắc, bước qua dòng sông, cánh đồng là qua biên giới. Các lực lượng chức năng phải căng mình với 500 m/chốt kiểm soát nên rất vất vả”, Phó thủ tướng nói và lưu ý cần tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất, kịp thời động viên tinh thần đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Ngoài ra, Phó thủ tướng nêu thực trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía bắc vào các tỉnh ĐBSCL để tìm đường sang Campuchia. Do đó, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép…
“Chúng ta cũng phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả”, ông Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề cách ly, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện tại Hải Dương khi chỉ một đêm cách ly cho 3.000 người, nhưng tổ chức không phù hợp dẫn tới “hậu quả xử lý cả tháng chưa xong”.
Từ đó, ông lưu ý các địa phương bên cạnh việc chuẩn bị chỗ cách ly, phải xây dựng kịch bản cách ly số lượng người lớn trong thời gian ngắn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng cần tiếp tục hoàn thiện các kịch bản để điều tiết người cách ly.
“Tôi đặc biệt lo về vấn đề xét nghiệm. Bộ Y tế làm việc với các sở ở tỉnh biên giới, phải có cơ chế khẩn cấp và mua dự phòng trang thiết bị vật tư y tế…”, ông Đam chia sẻ và đề nghị các địa phương xây dựng phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất.
Về vấn đề quản lý xuất nhập cảnh trái phép, ông Đam cho rằng các tỉnh phải chủ động, tăng cường lắp camera giám sát không chỉ ở tuyến biên giới, mà cả ở khu vực đô thị, đầu mối giao thông, những nơi nguy cơ cao… để khi cần sẽ truy vết nhanh được.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Quốc phòng cho biết đã lên phương án tiếp tục quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, mở thêm các khu cách ly tập trung mới chuẩn bị cho với kịch bản 30.000 người mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao triển khai các biện pháp phối hợp với lực lượng phía Campuchia trong công tác phòng, chống dịch, kiểm soát biên giới…
Với đặc thù có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, nơi dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, các tỉnh biên giới Tây Nam cũng đã tăng cường lực lượng, bịt kín biên giới cả trên đất liền, trên biển, tạo nhiều tầng, nhiều lớp để hỗ trợ nhau… vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tố giác người nhập cảnh trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép.