Thủy thủ Mỹ gốc Việt tử nạn ở Nhật là ‘đứa con được kỳ vọng rất nhiều’

Tân Huỳnh (thứ hai từ trái) cùng mẹ, em trai, em gái, và cháu. (Hình: Lily Trương cung cấp)

TULSA, Oklahoma (NV) – “Mất Tân, tôi không chỉ mất cánh tay phải đắc lực, mà còn như mất luôn cái chân. Tôi cảm thấy mình không thể vững vàng mà bước nữa. Tân là đứa con mà tôi kỳ vọng rất nhiều,” bà Lily Trương, mẹ của Ngọc Tân Trương Huỳnh, một trong bảy thủy thủ thiệt mạng trong vụ va chạm giữa tàu hàng mang cờ Philippines và khu trục hạm USS Fitzgerald hôm 17 Tháng Sáu, nói trong nước mắt.

Một ngày sau khi sang Nhật dự lễ tưởng niệm các thủy thủ thiệt mạng, trở về, bà Lily Trương có cuộc trò chuyện với nhật báo Người Việt qua điện thoại, để kể về Tân, một chuyên viên định vị thủy âm, người từng mơ ước suốt đời sẽ được phục vụ trong binh chủng Hải Quân Hoa Kỳ.

Chết lặng người khi nhận được hung tin

Như tin đã đưa, khoảng 10 giờ 30 sáng Thứ Sáu, 16 Tháng Sáu (giờ California, tức khoảng 2 giờ 30 sáng Thứ Bảy, giờ địa phương), khu trục hạm USS Fitzgerald của Mỹ, nơi Tân đang làm việc trên đó, va chạm với chiếc tàu chở container ACX Crystal trong vùng biển phía Tây Nam Yokosuka, Nhật.

“Khoảng 2 giờ sáng Thứ Bảy, lúc chúng tôi đang ngủ thì nhận được điện thoại từ Hải Quân báo tin là Tân là một trong số bảy người bị mất tích trong vụ đụng tàu. Tôi nghe mà như sét đánh ngang tai, chết điếng trong một chốc, không biết gì hết,” người mẹ nhớ lại.

Bà Lily, hiện sống ở Tulsa, Oklahoma, kể, “Cả nhà lúc đó thức hết, tôi cùng với ba đứa em của Tân, mỗi người ôm cái điện thoại xem tin tức, xem diễn biến sự việc đến đâu, đã tìm thấy xác con mình chưa. Nhìn hình hai chiếc tàu đụng nhau, tôi nghĩ 100% không thể nào con mình rớt xuống biển được hết, nên cứ cầu nguyện là con vẫn còn mắc kẹt trên tàu, cứ hy vọng nó còn sống, dù có gãy tay gãy chân cũng được, miễn là nó còn sống về với mình mình lo cho nó.”

Theo lời người mẹ, suốt ngày hôm đó, bà cứ gọi cho Hải Quân, rồi coi tin tức từ trên các trang web với niềm hy vọng mong manh là Tân còn sống.

“Đến khoảng 9 giờ tối, một đứa bạn của Tân gọi cho hay rằng nó coi tin tức thấy là đã tìm thấy bảy người nhưng tất cả đều chết. Cả nhà mở đài lên coi và tin chắc là Tân chết thiệt rồi. Một lần nữa tôi như chẳng còn hồn vía gì, mấy mẹ con chỉ còn biết ngồi khóc mà thôi. Thiệt là đau đớn lắm,” người mẹ kể trong tiếng khóc nghẹn.

Theo Reuters, bảy thủy thủ thiệt mạng trên tàu USS Fitzgerald, trong đó có Tân Huỳnh, được cho thảm kịch tồi tệ nhất của một tàu chiến Mỹ kể từ vụ đánh bom chiến hạm USS Cole ở Yemen năm 2000.

Tân Huỳnh mất đúng ngày sinh nhật tròn 25 tuổi, 16 Tháng Sáu, 2017.

Chân dung bảy thủy thủ thiệt mạng trong vụ va chạm giữa tàu hàng Phillipines và khu trục hạm USS Fitzgerald hôm 16 Tháng Sáu, tại lễ tưởng niệm ở Nhật. Chân dung Tân Huỳnh thứ hai từ phải. (Hình: Lily Trương cung cấp)

Bộ Hải Quân tài trợ chi phí đưa gia đình sang Nhật dự lễ tưởng niệm và tang lễ

Bà Lily cho biết, “Bên Hải Quân liên lạc cho biết là họ tổ chức lễ tưởng niệm bảy thủy thủ thiệt mạng tại hai nơi, ở Nhật và ở Washington, DC. Mình muốn đi dự ở đâu thì họ lo hết, vé máy bay, khách sạn, đưa đón, chỉ có ăn uống tự túc. ”

“Tôi nghĩ Tân chết ở Nhật nên chọn sang Nhật, dù xa xôi hơn. Tôi đi cùng với hai đứa em của Tân,” bà nói.

Theo lời mẹ của người thủy thủ vừa thiệt mạng, bà sang Nhật dự lễ tưởng niệm từ ngày 25 Tháng Sáu và trở về Mỹ khuya ngày 28.

“Có hai sĩ quan hải quân, một gốc Việt, một gốc Hoa, chờ đón chúng tôi từ sân bay ở Nhật, đưa đi ăn uống, đưa đến những nơi cần thiết. Họ lo cho mình rất chu đáo,” bà nhận xét.

Cũng theo lời bà, “Xác của Tân cùng với sáu thủy thủ khác đã được đưa về Mỹ trước khi tôi đến Nhật ba ngày. Họ nói đưa về tiểu bang nào đó tôi không nhớ để các bác sĩ tiến hành thủ tục mổ xác nhằm xác nhận nguyên nhân cái chết là do bị tàu va chạm đập trúng hay là chết do ngạt nước.”

Bà LiLy cho biết thêm, “Sau khi làm lễ tưởng niệm xong, họ chở chúng tôi đến căn cứ Yokosuka, nơi chiếc tàu bị nạn được kéo về đó, nhưng chỉ nhìn thôi chứ không được lên tàu.”

“Nhìn chiếc tàu mà lòng dạ mình xốn xang, rồi tưởng tượng ra rằng con mình chắc đã đau đớn lắm khi tàu đụng ngay góc của nó. Nghĩ vậy lại càng thấy đau…” tiếng người mẹ chen trong nước mắt.

Thứ Sáu, 30 Tháng Sáu, lúc 8 giờ tối, thi hài Tân được đưa về Tulsa, Oklahoma, nơi gia đình bà Lily đang sống.

“Hải Quân đưa xe limousine đến đón gia đình ra sân bay Tulsa để chờ đón thi hài Tân. Sau đó đưa về nhà quàn Floral Haven Funeral Home. Chủ Nhật, từ 3 đến 4 giờ chiều sẽ có các thầy đến tụng kinh cầu an, cầu siêu cho Tân tại nhà quàn. Thứ Tư là ngày thăm viếng và lễ an táng diễn ra lúc 1 giờ trưa Thứ Năm. Tất cả đều do bên Hải Quân đứng ra lo liệu,” mẹ của Tân nói.

Cũng theo bà Lily, “đến giờ này tôi vẫn chưa nhìn thấy xác của con tôi.”

Chị Lily Trương (giữa), mẹ của Tân Huỳnh, cùng con gái, con trai và hai sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ tham dự lễ tưởng niệm các thủy thủ thiệt mạng tại Nhật. (Hình: Lily Trương cung cấp)

Tôi kỳ vọng lắm vào đứa con này”

Tân theo cha mẹ sang Mỹ năm 1994, khi được 2 tuổi. Vài năm sau, cha mẹ Tân ly thân, Tân sống cùng mẹ và hai người em gái, một người em trai.

“Trước khi Tân đi lính năm 2014, mấy mẹ con tôi sống cùng nhau, chưa bao giờ rời xa,” bà Lily nói.

Tân từng theo học tại trường đại học cộng đồng Naugatuck Valley Community College trước khi gia nhập Hải Quân Mỹ năm 2014.

Trong trí nhớ người mẹ, “Tân thích lính lắm. Từ nhỏ Tân đã mơ lớn lên làm cảnh sát. Nhưng lớn lên lại đổi qua đi lính. Khi qua Nhật được một năm, Tân gọi về nói với tôi, rồi có khi nhắn tin với mấy đứa em, là nó không dám chắc 100% nhưng hơn 90% là nó muốn đi lính suốt đời. Tôi nghĩ có thể do khi vào lính, trong những ngày tháng huấn luyện, nó gặp toàn bạn tốt, người tốt nên nó càng thích.”

Theo bà Lily, “lần cuối gia đình gặp Tân là Tháng Năm, 2016, khi Tân đóng quân ở San Diego, một tháng trước khi Tân chuyển đi Nhật” và vĩnh viễn không về.

Dẫu mang nhiều yếu tố tâm linh, nhưng bà cho rằng “thật ra đã có nhiều điềm báo trước khi Tân mất.”

Bà tâm sự, “Trong ngày Mother’s Day, cả tôi và đứa con gái áp út khi ngủ đều chiêm bao thấy Tân chết. Có điều, lúc tôi còn đang nằm trên giường, chưa ra khỏi giấc chiêm bao thì đứa con gái đã dậy sớm bất thường chạy sang phòng tôi gõ cửa, mặt mày xanh dờn nói ‘Con nằm mơ thấy anh hai chết.’ Tôi nghe mà bàng hoàng vì mình cũng vừa trải qua giấc mơ như vậy. Cả người mình run và lạnh hết. Đứa con gái nói ‘thấy anh chết vì bom nổ, cả tàu chết hết.’ Điều này cũng trùng hợp vì mấy tháng nay, Tân hay gọi về, có khi nhắn tin với mấy đứa em, cho biết là Tân đang trong giai đoạn huấn luyện cho cuộc chiến sắp tới với Bắc Hàn, mỗi đêm chỉ ngủ có vài tiếng, không có thời gian để ăn nữa, mệt đến nỗi mỗi khi nằm xuống ngủ là cứ tưởng như mình chết luôn rồi…”

“Tân mất rồi, mấy đứa em nó mới nói cho tôi biết, là ít ngày trước đó, anh em tụi nó nói chuyện với nhau, hỏi nhau là sợ chết như thế nào. Trong khi đứa em gái nói sợ chết cháy, thì Tân nói sợ chết nước,” người mẹ tiếp tục kể, như một kiểu giãi bày cho vơi đi phần nào nỗi đau đớn ập đến quá bất ngờ.

Theo AP, “Tân được tìm thấy cùng sáu thủy thủ khác trong khoang bị ngập nước, một ngày sau khi khu trục hạm USS Fitzgerald được đưa về căn cứ Yokosuka tại Nhật.”

Cũng theo người mẹ, “Tân sống cho các em nhiều hơn cho bản thân. Lúc chưa vào lính, Tân đi làm thêm chỉ đủ tiền cho Tân xài. Nhưng lúc vào lính, dù lương lính chưa được bao nhiêu cũng dành dụm chắt mót gửi về $900 cho đứa em út mua cái laptop. Đứa em gái kế đang học y tá cần gì Tân cũng chu cấp. Đứa em nữa phải nuôi con nhỏ, thì mỗi tháng Tân tự động chuyển tiền vào ngân hàng của em, phụ em gái nuôi con. Các em xin cái gì, trong khả năng mình có Tân đều cho, không từ chối gì hết.”

“Hai mươi năm qua, một mình tôi lo cho các con. Từ khi Tân đi lính, nó phụ tôi rất nhiều trong việc phụ lo thêm cho các em. Tôi kỳ vọng lắm vào đứa con này. Mất nó, mình không chỉ mất cánh tay phải mà như mất luôn cái chân, cảm thấy mình không còn vững vàng nữa,” người mẹ nói trong thẫn thờ.

—-

 

Leave a Reply