Tiến sĩ Alan Phan, ‘Người Không Ngán Tranh Luận,’ qua đời

Tiến sĩ Alan Phan, một doanh nhân thành đạt, và nổi tiếng là người thông minh, nói thẳng, vừa qua đời lúc 11 giờ 23 phút tối 19 tháng 10 tại bệnh viện Fountain Valley, California, thọ 70 tuổi, người em gái ruột của ông cho báo Người Việt biết.

Tiến sĩ Alan Phan.

Ông Alan Phan có tên Việt là Phan Việt Ái, sinh ngày 7 tháng Tám, 1945, tại Thủ Dầu Một, Việt Nam.

Ông du học Mỹ từ năm 1963. Tốt nghiệp kỹ sư (BS) tại Pennsylvania State University, rồi cao học Quản Trị Kinh Doanh (MBA) tại American Intercontinental University. Sau đó ông sang Úc theo học chương trình tiến sĩ tại Southern Cross University.

Ông là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hồng Kông. APA chuyên về hoạt động liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc.

Trước đó, tiến sĩ Phan điều hành quỹ Viasa Fund tại Hồng Kông, chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008).

Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm công ty Hartcourt với bảy công ty con về IT tại Trung Quốc (1995- 2002). Năm 1999, Hartcourt niêm yết trên sàn NASD của Mỹ và đạt thị giá 780 Triệu USD.

Tiến sĩ Phan là cây viết kinh doanh và kinh tế sắc sảo. Ông viết cho nhiều tờ báo cả trong và ngoài Việt Nam. Đặc biệt, blog riêng của ông, “Góc Nhìn Alan” – gocnhinalan.com – thu hút rất nhiều độc giả, nhất là độc giả từ Việt Nam.

Ông cũng là tác giả của 11 cuốn sách viết về kinh tế và xã hội của những thị trường mới nổi. Nhà Xuất Bản Người Việt tái bản tại Hoa Kỳ hai tác phẩm của ông, “Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Kinh Tế Toàn Cầu” và “42 Năm Làm Ăn Tại Mỹ và Trung Quốc,” hồi tháng Bảy, 2015.

Tiến Sĩ Phạm Đỗ Chí, một nhà kinh tế có cùng chí hướng với Tiến Sĩ Alan Phan, là “cùng về đóng góp cho Việt Nam,” nói với Người Việt rằng cả hai đều “thừa nhận mình thất bại” trong việc kinh doanh tại Việt Nam.

Hai ông Phạm Đỗ Chí và Alan Phan có nhiều năm cùng làm việc tại Việt Nam, hàng tháng đều gặp nhau để thảo luận các vấn đề kinh tế. Ông Phạm Đỗ Chí nói về bạn mình: “Alan Phan là người giàu, thành công trong đời, rất có nhiệt huyết với Việt Nam.” Nhưng việc làm ăn tại Việt Nam không thành công, vì, ông Chí thuật lại lời ông Alan Phan: “Đất nước không luật lệ thì không làm ăn được.”

Từ đó, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí cho biết Alan Phan chuyển sang mục đích khác, “truyền bá tư tưởng hay, giúp doanh nhân trẻ và sinh viên khởi nghiệp.”

“Trong mục đích này thì Alan Phan thành công. Có thể nói, ông đã truyền cảm hứng và trở thành một loại ‘mentor’ cho giới trẻ Việt Nam.”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Người Việt hồi giữa năm 2013, tiến sĩ Alan Phan từng đưa ra một số nhận định rất thẳng thắn. Ông nói, trong sự so sánh giữa doanh nhân Trung Quốc với doanh nhân Việt Nam, rằng “người Trung Quốc chịu khó hơn người Việt Nam nhiều, họ tiết kiệm nhiều hơn, họ cần cù hơn, và họ thủ đoạn hơn.” Nhưng chưa hết, “người Việt Nam cũng mánh mung không kém ai về mặt thủ đoạn, nhưng để lấy lời ngay lập tức,” trong khi “người Trung Quốc nghĩ xa hơn, dài hơn.”

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn ấy, ông nói làm ăn ở Việt Nam “phải có quan hệ, phải có người chống lưng đỡ đầu thì mới đi xa được.”

Hồi năm 2013, ông từng gây “sóng gió” tại Việt Nam khi một mình đối mặt với giới kinh doanh bất động sản tại Hà Nội. Thời điểm ấy, chính quyền Việt Nam muốn tung tiền ra để “cứu” thị trường bất động sản, ông viết bài có quan điểm ngược lại, là “nên để thị trường bất động sản rơi tự do” – nghĩa là cứ để trái bong bóng địa ốc bể luôn. Giới kinh doanh bất động sản tại Hà Nội khó chịu, thách thức ông tranh luận. Ông đồng ý một cuộc hội thảo “tranh luận trí thức.”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Người Việt giữa Tháng Bảy, 2015, nhìn lại cuộc đời mình, tiến sĩ Phan nói “rất bình an với những gì mình đã có, đã mất, đã thua, đã thắng, nghĩa là cái chuyện nó đã xảy ra rồi, thế thôi.”

Ông Alan Phan qua đời, để lại vợ và ba người con. (Đ.B.)

Leave a Reply