Alibaba được xem như thành công trong việc vươn ra thế giới. Nhưng sắp tới, Alibaba và các công ty tương tự ở Trung Quốc nhiều khả năng đặt mục tiêu kép: tiếp tục lớn mạnh nhưng phải tuân thủ đúng đường hướng, chính sách của chính quyền trung ương.
Cổ phiếu Alibaba đã rơi mạnh hôm 24-12 sau khi Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo điều tra tập đoàn này, nhắm vào các cáo buộc về hành vi độc quyền.
Từ cú chặn IPO của Ant Group
Trong một bài xã luận hôm 24-12, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc khẳng định chống độc quyền là một thông lệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ cạnh tranh công bằng và sáng tạo trên thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tờ này khẳng định cuộc điều tra Alibaba không ngụ ý chuyện chính quyền tỏ thái độ đối với nền kinh tế trực tuyến, thay vào đó là nhằm mục tiêu thúc đẩy các công ty phát triển lành mạnh, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế chất lượng cao của Trung Quốc.
Trên thực tế, quy định chống độc quyền đã có lâu nay nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền có động thái điều tra. Tờ South China Morning Post dẫn lại ví dụ cho thấy hồi tháng 11, SAMR cũng triệu tập 27 công ty thương mại điện tử, gồm nhiều tên tuổi như Alibaba, JD, Meituan và Pinduoduo, nhưng cuộc điều tra vào Alibaba là bước tiến mới. Hiện nay chưa rõ chính quyền sẽ đi tới đâu trong vụ Alibaba, vì còn đó một số rắc rối pháp lý cần xem xét.
Cũng chính vì vậy, dư luận dường như quan tâm hơn tới một sự kiện khác liên quan tới Ant Group, một nhánh của Alibaba đang phụ trách mảng công nghệ tài chính (fintech). Ant Group là công ty phát triển nền tảng thanh toán di động AliPay đang “làm mưa làm gió” tại Trung Quốc và thậm chí được báo chí phương Tây dự đoán sẽ là mô hình cho nền kinh tế hậu COVID-19 với những tiện ích thanh toán từ xa, hạn chế tiếp xúc…
Nhưng tháng 11 qua, thời điểm Ant Group đang lên như diều và dự kiến có đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) trị giá 37 tỉ USD, công ty này chứng kiến cú ngoặt bất ngờ khi bị chính quyền chặn cửa.
Cũng trong hôm 24-12, một thông báo riêng biệt từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết nhà chức trách sẽ có cuộc họp với Ant Group để “hướng dẫn Ant Group thực hiện việc giám sát tài chính, cạnh tranh công bằng, và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”.
Alibaba, sau này là Ant Group, đều là những sản phẩm mang theo tham vọng của tỉ phú Jack Ma về việc tạo ra một “hệ sinh thái” vừa là nền tảng bán hàng, vừa cung cấp giải pháp thanh toán. Ant Group đã phát triển vượt hơn thế, trở thành một công ty cung cấp dịch vụ tài chính, và đây có thể là rắc rối lớn nhất cho chính họ.
Trong bài viết trên Foreign Policy Research Institute (trụ sở Mỹ), nhà phân tích Bob Murray cho rằng mô hình kinh doanh của Ant Group khiến Bắc Kinh khó chịu vì lợi nhuận của công ty này gắn liền với khoản nợ tư nhân đang tăng cao, trong khi bản thân Ant Group thừa hưởng lợi thế từ chính sách quản lý lỏng lẻo vì họ không được định danh là một ngân hàng.
Bị kiểm soát chặt chẽ hơn
Nhìn chung, sự trỗi dậy của những công ty công nghệ tài chính như Ant Group đang làm thay đổi bức tranh tài chính – ngân hàng tại Trung Quốc, mà đa phần gây khó khăn cho chính quyền Trung Quốc trong việc cấu trúc hệ thống tài chính. Cụ thể, một số phân tích khác cho rằng việc Ant Group hay ứng dụng AliPay phát triển mạnh mẽ sẽ đe dọa tham vọng về đồng nhân dân tệ điện tử – đồng tiền mà Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu quốc tế hóa.
Hướng phân tích này phù hợp với những ý kiến khẳng định rằng hiện nay chính quyền Trung Quốc đang muốn nhắc nhở các doanh nhân nước này về vai trò của họ đối với sự phát triển của quốc gia. Cụ thể, sự phát triển và thịnh vượng của các công ty lớn ở Trung Quốc buộc phải đi kèm sự đóng góp với quốc gia, song hành với các kế hoạch của chính phủ.
Lấy ví dụ, chuyên gia về quy định chống độc quyền tại Global Law Office (Thượng Hải) Vincent Wang nói với Reuters: “Về mặt kinh tế, các ông trùm Internet đã kiếm rất nhiều tiền từ cuộc sống của người dân nhưng bị xem là chưa đóng góp tương xứng cho các lĩnh vực mà đất nước đang cần. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi chính phủ quyết tâm chuyển sự tập trung từ công nghệ phần mềm sang phần cứng, chẳng hạn như sản xuất chip”.
“Phát triển theo định hướng” là cách chính quyền Trung Quốc muốn các doanh nghiệp phải đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp với chính sách của chính phủ.
Nói cách khác, cuộc điều tra Alibaba có thể không dẫn tới một hình phạt nặng nề nào trước mắt nhưng là một cột mốc cho thời kỳ các công ty công nghệ ở Trung Quốc bắt đầu bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Reuters dẫn một nguồn tin trong cơ quan chức năng liên quan của Trung Quốc nói: “Các công ty Internet Trung Quốc đã thừa hưởng sự phát triển chưa từng thấy nhờ quy định nhẹ nhàng trong nhiều năm. Bước đi mới chống lại họ lần này cho thấy một thông điệp rõ ràng rằng giai đoạn vàng son của đa phần trong số ấy đã chấm dứt và sẽ không có công ty nào tại Trung Quốc có thể thuộc dạng quá lớn để chết (too big to fail)”.
Alibaba độc quyền ra sao?
Hành vi độc quyền được hiểu là cách các doanh nghiệp triệt tiêu sự cạnh tranh của đối thủ bằng cách buộc khách hàng phải chọn “một trong hai”. Trong trường hợp của Alibaba, công ty này bị cáo buộc ép người bán hàng phải bán sản phẩm độc quyền trên nền tảng của họ.
Nếu người vừa đăng sản phẩm lên nền tảng của Alibaba, vừa đăng sản phẩm lên một nền tảng khác có thể sẽ bị trừng phạt bằng cách chặn lượt truy cập, theo báo South China Morning Post của Hong Kong.