Trung Quốc sắp khai trường tàu điện ngầm nhanh nhất thế giới 400 km/h

Ra mắt hệ thống tàu điện ngầm nhanh nhất thế giới, xây tàu đệm từ, sản xuất máy bay thương mại,… chưa bao giờ những thách thức từ Trung Quốc đối với Mỹ, Nhật lại lớn như bây giờ. Những bước tiến của Trung Quốc trong công nghệ khiến thế giới giật mình.


Kỳ tích thế giới

Theo AP, Trung Quốc đã lên kế hoạch ra mắt hệ thống tàu điện ngầm nhanh nhất thế giới ngay trong tháng 9 này. Hệ thống tàu cao tốc thế hệ mới của Trung Quốc sẽ hoạt động trên tuyến Thượng Hải – Bắc Kinh, tốc độ trung bình 350 km/h và cao nhất có thể đạt 400 km/h.



Sự kiện này được xem là một kỳ tích mới của Trung Quốc. Bởi, đây là tốc độ tàu điện thương mại nhanh hàng đầu thế giới ở vào thời điểm hiện tại. Với tốc độ này, hành khách di chuyển quãng đường dài khoảng 1.300 km từ thủ đô Trung Quốc tới TP. Thượng Hải chỉ mất hơn 4 tiếng đồng hồ.

Bảy cặp tàu cao tốc được đặt tên là Phục Hưng, theo khẩu hiệu “Phục hưng đất nước” của chủ tịch Tập Cận Bình, nếu thành công sẽ tạo ra bước ngoặt trong ngành đường sắt cao tốc tại Trung Quốc sau cú sốc tại nạn đường sắt cao tốc năm 2011 làm chết hàng chục người.

Trước đó, theo tờ SCMP, một công ty đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước cũng đã lên kế hoạch xây tàu đệm từ Maglev có vận tốc độ nhanh nhất thế giới vào năm 2020, vượt ngưỡng 600 km/h mà Nhật Bản thử nghiệm thành công. Loại tàu này cũng nối Bắc Kinh với Thượng Hải nhằm với thời gian di chuyển chỉ khoảng 2,5 giờ đồng hồ, thay vì 5-7 giờ như hiện này.

Trên thực tế, công nghệ giao thông đệm điện từ đã được Đức, Nhật và Mỹ phát triển từ những năm 70 nhưng việc vào vận hành thương mại rất khó khăn và tốn kém.

Còn ý tưởng về công nghệ Maglev cũng đã có từ hơn 100 năm trước nhưng cho tới nay, tính thương mại mới chỉ có ở Thượng Hải với một đoạn đường khá ngắn, từ thành phố Thượng Hải tới sân bay quốc tế Pudong do người Đức mang công nghệ sang xây dựng, có hành trình 30km, với tổng thời gian hơn 7 phút.

Không những thế, tờ SMCP còn cho biết, Bắc Kinh đang nghiên cứu tàu siêu tốc di chuyển trong ống chân không siêu phàm hơn hệ thống Maglev mà Nhật đang thử nghiệm. Nó còn nhanh hơn so với hệ thống Hyperloop mà nhà phát minh người Mỹ đã đưa ra 3 năm trước đó. Hệ thống có thể đạt tốc độ trung bình khoảng 1.000 km/h.

Hồi cuối tháng 4, Trung Quốc cũng đã chứng kiến chiếc máy bay phản lực thân hẹp hạng lớn C919 tự sản xuất bởi tập đoàn trong nước hoàn thành bài thử nghiệm cuối cùng trên mặt đất tại Thượng Hải. Nó giúp Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ 8 trên thế giới có thể sản xuất được máy bay thương mại cỡ lớn sau Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp, Đức, Brazil và sẽ cạnh tranh trực tiếp với các nước này nếu giành được niềm tin của các hãng hàng không trên thế giới.

Tham vọng của Bắc Kinh

Sự kiện ra mắt hệ thống tàu cao tốc thế hệ mới của Trung Quốc đúng vào thời điểm tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức khởi động cuộc chiến thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ.

Ông Trump đã ký sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc, sau khi từng cáo buộc nước này “cướp bóc” nền kinh tế Mỹ trong vụ “trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới”.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không mấy lo sợ. Bộ Thương mại Trung Quốc khá nhẹ nhàng cho biết, Mỹ nên tránh những hành động làm suy yếu quan hệ thương mại lẫn nhau và truyền thông Trung Quốc cũng chỉ nhấn mạnh động thái của Mỹ “đã lỗi thời”.

Trên thực tế, sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc cho dù Trung Quốc thường được coi là nước xâm phạm sở hữu trí tuệ nhiều nhất trên thế giới và hàng hóa “made in China” được xem là chiếm phần lớn hàng giả trên thế giới mà nhiều nước như Mỹ, EU, Nhật, Canada lo lắng.

Tới thời điểm này, thế giới cũng như người dân Bắc Kinh chưa biết giá vé chuyến tàu điện ngầm nhanh nhất thế giới từ Bắc Kinh tới Thượng Hải sẽ là bao nhiều và chi phí đầu tư có đắt đỏ và phi thương mại hay không.

Nhưng có một điều mà nhiều người nghĩ tới là: công nghệ của Trung Quốc có thể sẽ rất rẻ. Giá chiếc máy bay C191 mà Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công chỉ vào khoảng 50 triệu đôla, chưa bằng một nửa giá chiếc Boeing 737 hoặc Airbus A320, theo báo giới nước này. Điều đó có nghĩa là khả năng cạnh tranh của công nghệ cao Trung Quốc sẽ rất đáng ngại.

Với hệ thống tàu điện cao tốc, mục đích đầu tiên của Bắc Kinh là phục vụ tuyến Thượng Hải – Bắc Kinh – tuyến đường đông khách hàng đầu trên thế giới, với hàng trăm triệu lượt khách mỗi năm. Và sau đó, tất nhiên là xuất khẩu công nghệ.

Bắc Kinh từng bộc lộ tham vọng phát triển tàu cao tốc xuyên biên giới có tốc độ tối đa 400 km/h nhằm phục vụ cho chiến lược xuất khẩu của ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc.

Họ muốn vượt qua Nhật Bản, Đức và Pháp trong cuộc đua công nghệ và hơn thế, đây sẽ là sản phẩm chủ lực để Bắc Kinh đem bán, nhất là các nước nằm dọc con đường Tơ lụa hiện đại theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Trung Quốc đang là quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới với hàng chục ngàn km và phát triển bùng nổ. Những gói thầu xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, đường sắt cao tốc ở một số nước Đông Nam Á gần đây đều rơi vào tay người Trung Quốc, thay vì Nhật Bản.

Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc khi tập trung vào phân khúc hàng hóa giá rẻ. Trình độ kỹ thuật của nước này đã nâng lên tầm cao mới, nhưng ở khía cạnh công nghệ cao, lĩnh vực quân sự và ứng dụng cho kinh tế,… thì vẫn là điều thế giới lo ngại.

V. Minh

Leave a Reply