Một sĩ quan Hải Quân Mỹ đã bị truy tố tội cung cấp bí mật quốc phòng, và hồ sơ truy tố cho thấy anh ta đã có quan hệ với phụ nữ mãi dâm trong thời gian làm gián điệp.
Nhân vật bị chiếu cố là Trung Tá Edward Chieh-Liang Lin, 39 tuổi, một người đã chào đời tại Đài Loan trước khi đến Mỹ năm 14 tuổi và trở thành công dân Hoa Kỳ năm 2008
Edward Lin từng phục vụ trong một đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ kiểm tra một số phi cơ thám thính của Hải Quân. Trong vai trò tại đơn vị này, anh có thể biết những phương pháp thu thập tin tức tình báo của các máy bay Mỹ hoạt động ở đại dương, kể cả tại Biển Đông nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Cộng và các nước thân Mỹ.
Trong tập hồ sơ được biên tập lại và có nhiều đoạn bị bôi đen dành cho giới truyền thông, công tố viện của Hải Quân tố cáo Trung Tá Lin đã “trao đổi những thông tin bí mật liên quan đến quốc phòng Hoa Kỳ với một người đại diện một quốc gia khác.” Những thông tin này được cung cấp “với ý định giúp cho nước khác có lợi thế.”
Những tài liệu mà ông Lin từng trao cho “người đại diện quốc gia khác” được liệt kệ là “Bí Mật” (secret), tức là một cấp dưới bậc cao nhất là “Tối Mật” (top secret).
Hồ sơ khởi tố không nêu tên của quốc gia mà Edward Lin đã liên lạc, nhưng các nguồn tin không tiết lộ danh tính từ chính quyền đều cho biết Lin đã làm việc với một người đại diện cho Trung Quốc. Hồ sơ cho thấy Edward Lin đã ngoại tình và có quan hệ với một phụ nữ mãi dâm.
Hồ sơ không cho biết vấn đề tình cảm này đã đóng một vai trò như thế nào trong hoạt động gián điệp của Lin. Có phải anh bị gài vào một vụ tình ái và phải hợp tác với Trung Cộng để giữ bí mật về mối tình bất chính?
Vào ngày thứ Sáu tuần qua, Lin đã nghe luận tội tại một tòa án quân sự ở Chesapeake, Virginia, nơi mà anh bị giam từ mùa thu năm ngoái. Đến ngày thứ Hai, 11 tháng Tư, 2016, vụ bắt này mới được tiết lộ với báo chí.
Trên mạng của Hải Quân vào năm 2008, Trung Tá Edward Lin từng nói về ước mơ được đến sống tại Mỹ: “Tôi luôn mơ ước được đến miền đất hứa Hoa Kỳ. Tôi đã lớn lên từng nghĩ rằng tất cả những con đường tại Mỹ đều dẫn tới Disneyland.”
Các nguồn tin cho biết viên sĩ quan này là một chuyên gia về hạt nhân khi nhập ngũ, trước khi anh làm chuyên viên thám thính.
Trước khi Trung Tá Lin gia nhập một nhóm nhỏ của những người lái loại máy bay bí mật nhất của Hải Quân, anh là một thủy thủ và nhập ngũ vào năm 1999. Sau khóa huấn luyện căn bản, anh theo học tại các trường đào tạo hạt nhân của Hải Quân ở Charleston, South Carolina, từ tháng Ba, 2000 cho đến tháng Hai, 2002.
Sau đó trong tháng ấy, Lin ghi danh nhập học tại Trường Ứng Viên Sĩ Quan (OCS) của Hải Quân, và được giao nhiệm vụ vào ngày 10 tháng 5, 2002, theo tiểu sử hải quân chính thức của Lin được báo chí Mỹ tiết lộ được hôm thứ Hai.
Edward Lin (Hình của Hải Quân Mỹ)
Sau khi học xong ở OCS, Lin trải qua hai năm công tác trong hệ thống phi hành và tình báo truyền các tín hiệu của hải quân. Sau đó anh trình diện tại đơn vị hoạt động đầu tiên là phi đội thám thính Fleet Air Reconnaissance ‘World Watchers’ (VQ-1), tại trạm hàng không hải quân Air Station Naval Whidbey Island, ở tiểu bang Washington vào ngày 30 tháng 6, 2004 .
Phi đội World Watchers (Theo Dõi Thế Giới) chuyên lái loại máy bay tình báo tín hiệu Lockheed Martin EP-3E Aries II, thu thập thông tin từ những nơi có thể trở thành kẻ thù của Mỹ.Lin nói thông thạo tiếng Quan Thoại, và là một trong những chuyên viên phân tích trên máy bay. Ông có thể cung cấp cho các vị chỉ huy sự đánh giá thời gian thực về những điều mà nhóm đi trên chiếc Aries II biết được từ việc thám thính của họ.
Sau thời gian làm việc ở VQ-1, Lin được thuyên chuyển sang Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACFLT), tại căn cứ Joint Base Pearl Harbor-Hickam ở Hawaii. Anh giữ chức phụ tá nhân sự từ năm 2007 đến năm 2009.
Trong thời gian ở PACFLT, tại buổi lễ tuyên thệ nhập tịch, Lin nói về niềm mơ ước thời thơ ấu được sang Mỹ, và cho biết nói rằng khi đến ngôi trường Mỹ đầu tiên, cái tên họ tiếng Hoa của anh quá dài và không thể nào phát âm được, nên anh quyết định lấy tên là Eddy (viết ngắn của Edward), theo tên con chó của mẹ anh.
Sau thời gian làm việc ở Pearl, Lin phục vụ trên hàng không mẫu hạm USS Eisenhower (CVN-69) trong một phiên công tác trên biển, trước khi theo học tại trường đại học Naval War College, ở Newport, Rhodes Island trong hai năm, và tốt nghiệp năm 2012.
Lin đến Hoa Thịnh Đốn và phục vụ trong hai năm với chức vụ liên lạc viên Quốc Hội cho phụ tá bộ trưởng Hải Quân đặc trách Quản Trị Tài Chánh, và kiểm soát viên, tức viên chức chính phụ trách ngân sách dân sự của cơ quan này.
Trong năm 2014, Lin trình diện tại đơn vị Special Projects Patrol Squadron Two ‘Wizards’ (VPU-2), ở căn cứ không quân Marine Corps Air Base Kaneohe tại Hawaii, nhận chức đứng đầu phân ban. Phi đội Wizards lái các phiên bản của loại máy bay tình báo tín hiệu EP3-E Aries II. Loại phi cơ này trong nhiều thập niên đã được phân loại là một phần của chương trình “đen,” tức là bí mật. Lin chính thức được tái bố trí từ đơn vị này vào ngày 25 tháng Ba. Mục kế tiếp theo trong tiểu sử hải quân chính thức của anh là Consolidated Brig Chesapeake, Virginia.
Lin đã bị giam tám tháng trước. Anh đã có kiến thức căn bản về các hệ thống năng lượng hạt nhân của Hải Quân Hoa Kỳ trong thời gian tại ngũ. Thế nhưng khoảng thời gian anh công tác trên chiếc phi cơ thám tính Aries II mới là điều mà Trung Quốc chú ý nhiều nhất.
Những thông tin gây tổn hại cho Hoa Kỳ bao gồm những loại hệ thống Trung Quốc mà Mỹ đã tìm kiếm và lắng nghe. Những loại nào dễ phát hiện hơn và khó phát hiện hơn. Họ đã thu thập những thông tin nào, và họ đã đánh giá điều gì từ những thông tin ấy, và đánh giá như thế nào.
Chức vụ của Lin tại EP-3Es là điều phối viên các thiết bị cảm biến. Đây là một giám sát viên hướng dẫn những gì mà nhóm trên máy bay đang tìm kiếm, hướng dẫn cách thức giải thích các dữ liệu, và cách thức giúp đỡ các nhà lãnh đạo quân sự về phương thế sử dụng những thông tin được thu thập trong quá khứ.
Khiến thức về những hoạt động EP-3E và những thiết bị cảm biến – đặc biệt là loại máy bay được chuyên môn hóa do Wizards lái, sẽ là quan trọng đối với Trung Quốc, để phát triển những bộ cảm biến làm cho Hoa Kỳ khó phát hiện hơn, và có thể đem lại cho quân đội Trung Quốc một lợi thế trong một cuộc xung đột toàn diện.
Hầy hết các radar chính là điều mà Trung Quốc muốn biết.
Vào năm 2001, một chiếc máy bay EP-3E đụng độ một chiến đấu cơ Shenyang J-8 của Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Hải Nam trên Biển Đông, khiến cho phi hành đoàn phải cho máy bay hạ cánh trên đất Trung Quốc.
Cuối cùng Trung Quốc trả lại phi hành đoàn và phi cơ, nhưng chỉ sau khi Trung Quốc thu thập rất nhiều dữ liệu về cách thức mà chiếc máy bay ấy và phi hành đoàn làm công việc của họ. Vụ xảy ra ở Hải Nam đã khiến cho hải quân Mỹ phải thay đổi phần lớn trong cách thức những chiếc EP-3E làm công việc và những thiết bị của loại phi cơ do thám này.
Thế nên Trung Cộng đã rất muốn biết về những chiếc Aries II hiện nay hoạt động có thể triệt tiêu nhiều phần trong công việc mà Hải Quân đã làm, để củng cố chương trình của họ sau khi xảy ra vụ tai nạn tại đảo Hải Nam.