Các chuyên gia cho rằng dù có quy định nới lỏng hay tiếp tục giãn cách xã hội, nhiệm vụ của mỗi người vẫn là tuân thủ phòng hộ cá nhân và không được chủ quan.
Sau thời gian kết thúc giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước và sắp kết thúc giãn cách đối với những địa phương có nguy cơ cao, đặc biệt trong 5 ngày liên tiếp, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, nhiều người đã có tâm lý chủ quan.
Nguy cơ trong cộng đồng còn rất lớn
Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng đối tượng mắc bệnh tại Việt Nam đã có sự chuyển đổi rõ ràng từ người nước ngoài sang Việt kiều nhập cảnh và hiện tại là người lao động trong cộng đồng.
Trước đây, việc cách ly kịp thời đối tượng người nhập cảnh đã góp phần ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, giai đoạn dịch hiện tại, virus đã lây lan trong cộng đồng. Mặc dù chúng ta đã trải qua gần 3 tuần giãn cách xã hội, nguy cơ lây lan virus vẫn tiềm tàng.
Nguy cơ đầu tiên đến từ những người vừa được công bố khỏi bệnh, xuất viện và những người vừa hoàn thành cách ly.
“Những trường hợp này cần theo dõi, cách ly tại nhà thêm 14 ngày mới có thể tạm thời yên tâm. Đa số là những người trẻ tuổi, sau khi về nhà, họ có thể có tiếp xúc với người lớn tuổi. Điều này rất nguy hiểm”, bác sĩ Khanh nói.
Đối tượng nguy cơ thứ hai là những người ở gần biên giới. Họ có thể dễ dàng qua lại khu vực cửa khẩu, nếu không kiểm soát tốt, đây cũng là nguy cơ lây lan virus trong cộng đồng.
Ngoài ra, hiện nay, do tâm lý chủ quan khi số ca mắc giảm đáng kể, nhiều người bắt đầu tụ tập đông người, nhậu nhẹt, không đeo khẩu trang…
“Tín hiệu đáng mừng là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng của nước ta vẫn có nhưng không còn quá nguy hiểm như một số quốc gia khác. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn lớn trong cộng đồng còn tồn tại nên chúng ta vẫn không thể tin tưởng 100% tình hình đã ổn định, an toàn được”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Mặc dù chúng ta đã trải qua gần 3 tuần giãn cách xã hội, nguy cơ lây lan virus vẫn tiềm tàng. Ảnh: Việt Linh. |
Bác sĩ Khanh lý giải hiện nay, có 3 nhóm nguy cơ lớn nhất cần phải kiểm soát chặt chẽ. Nguy cơ đầu tiên phải kể đến chính là các cơ sở y tế. Bởi khu vực này tập trung rất đông người đến từ nhiều địa phương khác nhau.
Nếu nới lỏng giãn cách xã hội, bệnh viện là nơi phải ưu tiên kiểm soát hàng đầu. Tiếp theo là những nơi tập trung đông người như quán bar, karaoke… cuối cùng là công ty, cơ quan, xí nghiệp.
“Không thể ‘bung’ giãn cách xã hội một cách ồ ạt được. Khi đó, người dân bắt đầu đi hỗn loạn khắp nơi, chúng ta chắc chắn không thể đuổi kịp con virus”, bác sĩ Khanh nói.
Nới lỏng an toàn để không vỡ trận
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), người điều trị thành công cho 2 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng trước mắt cần rà soát, những địa phương chưa từng có người bệnh, nguy cơ ít thì có thể nới lỏng trước.
Thứ hai, xem xét quy mô kinh tế, lượng người từ các địa phương khác đổ về có đông hay không để áp dụng chế độ giãn cách phù hợp. Thực tế, nhiều tỉnh dù chưa ghi nhận người mắc Covid-19 nhưng lượng người qua lại vẫn đông, khả năng bùng phát dịch bệnh rất lớn.
Theo bác sĩ Hùng, mỗi địa phương cần có biện pháp xây dựng chính sách nới lỏng riêng. Cụ thể, ngoài xem xét địa phương có nguy cơ thì phải phân loại thêm quy mô kinh tế, ngành nghề ảnh hưởng đến vai trò xã hội thì nới lỏng trước, các quán nhậu, karaoke, bar… nới lỏng sau cùng.
Các cơ quan, công ty có thể làm việc từ xa thì tiếp tục thực hiện, ngược lại, những cơ quan, công ty không có khả năng làm việc từ xa thì nới lỏng trước.
Trước khi hoạt động trở lại, các đơn vị này phải xây dựng kế hoạch rõ ràng, minh bạch về quản lý nhân viên, kịch bản ứng phó trong trường hợp cán bộ, công nhân viên lây nhiễm bệnh. Điều này đòi hỏi ngành y tế địa phương cụ thể là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, kịch bản phải chú trọng tính thực hành.
Hàng nghìn công nhân tan ca tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM). Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó, TS Hùng cho rằng cần xem xét khả năng kiểm soát, dập dịch, quản lý an ninh xã hội và xây dựng khu cách ly, điều trị của từng địa phương. Bộ Y tế hiện nay vẫn theo phương châm 4 tại chỗ nên phải xem xét địa phương có khả năng đảm đương được hay không.
Đồng thời, cơ quan quản lý y tế tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ khi cần để khoanh vùng, dập dịch.
“Khi đã có kịch bản cho từng địa phương một thì việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ an toàn hơn. Nếu nới lỏng đồng loạt và rộng khắp các địa phương thì có thể chúng ta sẽ vỡ trận. Ngoài ra, dù có tiếp tục giãn cách xã hội hay không thì người dân vẫn phải tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch, tự phòng hộ cho bản thân và những người xunh quanh”, TS Hùng khẳng định.
Sống chung với SARS-CoV-2
TS Hùng cho rằng hiện nay chúng ta chỉ mới hiểu được 60-70% về SARS-CoV-2 và những hiểu biết này thay đổi theo từng giai đoạn. Diễn biến dịch bệnh vẫn bất thường nên chưa thể khẳng định chiến thắng và cũng có thể vỡ trận bất cứ lúc nào.
Do đó, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta có thể lên kế hoạch tuyên truyền thân thiện và dễ hiểu hơn với đại đa số người dân. Khi mọi người dân có thể hiểu được sự nguy hiểm của dịch, họ sẽ tự giác thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội tốt hơn.
Thời gian cách ly ngắn hay dài phụ thuộc vào biện pháp dập dịch, sự tuân thủ và ý thức của mỗi người dân. Ảnh: Việt Linh. |
Về tương lai Việt Nam có thể sống chung với virus này, TS Hùng cho rằng hiện tại, chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi quá trình của dịch bệnh. Nếu thời gian giãn cách xã hội càng lâu, chủng virus sau có thể yếu dần và đến một lúc nào đó, có thể chúng vẫn tồn tại nhưng không còn gây bệnh hay chỉ gây ra thể bệnh nhẹ như cúm mùa hàng năm.
Ngoài ra, khi số người mắc trong tầm kiểm soát, đến một lúc nào đó, tỷ lệ mắc bệnh còn rất ít thì chúng ta cũng không cần áp dụng biện pháp cách ly xã hội triệt để. Khi đó, chúng ta vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường, virus cũng không còn khả năng gây ra dịch bệnh lớn nữa. Chúng ta có thể yên tâm sống chung với chúng.
“Nếu xã hội khống chế tốt thì thời gian cách ly sẽ ngắn. Nếu dây dưa, dịch bệnh lan tràn liên tục thì thời gian dài hơn. Điều này không nói trước được mà phụ thuộc vào sự tuân thủ, dập dịch, giãn cách mà chúng ta đang làm có triệt để hay không”, TS Hùng nêu quan điểm.