Khi Raphael Warnock ra đời năm 1969, tiểu bang Georgia có hai đại diện tại Thượng viện là những người có thiên hướng phân biệt chủng tộc. Một trong hai thượng nghị sĩ này là Herman Talmadge, đảng viên đảng Dân chủ từng phản đối thông qua đạo luật các quyền dân sự, văn kiện xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo trong xã hội Mỹ.
51 năm sau, ông Warnock đã trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu làm thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Georgia, sau khi đánh bại đối thủ Cộng hòa Kelly Loeffler.
Bang Georgia đổi màu
Raphael Warnock lớn lên tại thành phố Savannah trong gia đình 12 anh em. Warnock lần đầu giảng đạo vào năm 11 tuổi. Người đàn ông tốt nghiệp từ Đại học Morehouse, nơi Martin Luther King từng theo học. Ông hiện là mục sư giảng đạo tại nhà thờ Ebenezer Baptist, nơi Martin Luther King cũng từng giảng đạo.
“Thẳng thắn trên bục giảng cho tới chiến dịch vận động tranh cử về bất bình đẳng chủng tộc và công bằng xã hội”, học giả Jonathan Lee Walton viết về ông Warnock trên Washington Post.
Tính cách của ông Warnock dường như được hình thành nhờ truyền thống luôn trung thành và nói sự thật tại các nhà thờ của người Mỹ gốc Phi, “nơi luôn đặt những người bị áp bức và dễ tổn thương nhất trong xã hội vào trung tâm”, ông Walton miêu tả.
Sự nổi lên của ông Warnock, tiếp bước nhiều thế hệ nhà hoạt động quyền dân sự trước đó, diễn ra cùng lúc với những đổi thay tại tiểu bang Georgia.
Cũng như tại nhiều nơi khác, tiểu bang Georgia chứng kiến các thành phố lớn và khu vực ngoại ô dành sự ủng hộ ngày càng lớn hơn cho đảng Dân chủ trong vài thập niên vừa qua.
Kelly Loeffler – đối thủ của ông Warnock – là thượng nghị sĩ đương nhiệm, ủng hộ viên trung thành của Tổng thống Donald Trump. Bà Loeffler từng miêu tả ông Warnock là thành phần cánh tả “cấp tiến” tại một tiểu bang thành trì của tư tưởng bảo thủ. Vì vậy, chiến thắng của ông Warnock có ý nghĩa lớn trên nhiều phương diện.
Kết quả này, cùng chiến thắng của ông Biden trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11, cho thấy xu hướng chính trị đang dịch chuyển ở Georgia.
“Nhân tố Trump”
Đối với một số đảng viên Cộng hòa, Tổng thống Trump là yếu tố cuối cùng dẫn tới chiến thắng của ứng viên Dân chủ. Sự giận dữ cùng cáo buộc gian lận bầu cử mà Tổng thống Trump liên tiếp lặp lại cuối cùng đã gây hại cho chính đảng Cộng hòa.
Các khu vực ủng hộ Tổng thống Trump nhiệt thành nhất là những nơi chứng kiến tỷ lệ cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu sụt giảm tồi tệ nhất, chuyên gia phân tích bầu cử Geoffrey Skelley của Fivethirtyeight cho biết.
“Kết quả tối nay cho thấy nỗi sợ của đảng Cộng hòa đã thành hiện thực. Họ lo ngại cử tri sẽ thiếu động lực đi bỏ phiếu bởi những cáo buộc gian lận bầu cử và tính chính danh của cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11 từ phía ông Trump”, ông Skelley cho biết.
Những hạt ủng hộ ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 càng nhiều thì tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu càng giảm trong cuộc bầu cử này, chuyên gia của Fivethirtyeight cho biết.
Josh Holmes, cựu chánh văn phòng của lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, viết trên Twitter rằng những thông điệp ông Trump đưa ra về gian lận bầu cử đã tác động tiêu cực tới cơ hội của đảng Cộng hòa ở các khu vực ngoại ô Georgia.
“Sau 4 năm ngắn ngủi, chúng ta đi từ những cuộc thảo luận về việc làm và kinh tế, đến những thuyết âm mưu của QAnon, và hóa ra người dân luôn theo dõi”, ông Holmes viết.
Với chiến thắng ngày 5/1, ông Warnock trở thành thượng nghị sĩ da màu thứ 11 tại Thượng viện Mỹ, và là thượng nghị sĩ gốc Phi thứ 4 đại diện một tiểu bang ở khu vực miền Nam.
Blanche K. Bruce và Hiram Revels là hai thượng nghị sĩ da màu đầu tiên, họ đều được bầu vào Thượng viện trong giai đoạn tái thiết đất nước sau nội chiến ở thế kỷ 19.
Mặc dù vậy, sau giai đoạn tái thiết, nhiều tiểu bang thi hành những chinh sách và luật lệ qua đó gián tiếp tước quyền ứng cử và bầu cử của người Mỹ gốc Phi. Tình trạng ấy diễn ra trong một thời gian dài, cho tới khi Đạo luật quyền bầu cử được thông qua năm 1965.
Trong bài phát biểu tại quê nhà Savannah, ông Warnock nhắc lại những thăng trầm trong sự nghiệp chính trị của mình, từ việc tham gia biểu tình và bị bắt ở Washington D.C., cho tới khi chiến thắng ghế thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Georgia.
“Tôi không giận dữ với họ. Họ đang làm công việc của mình, cũng giống như tôi làm công việc của tôi”, ông Warnock nói về những cảnh sát từng bắt giữ mình ở Washington D.C.
“Nhưng sau vài ngày nữa, tôi sẽ một lần nữa gặp mặt các sĩ quan cảnh sát ở Capitol Hill. Lần này, họ sẽ không đưa tôi tới trại giam, họ có thể giúp tôi tìm văn phòng làm việc mới”, ông Warnock nói.
“Thượng nghị sĩ da màu là một con đường kỳ lạ ít người từng đi trong lịch sử nước Mỹ, và đặc biệt là chưa có ai đến từ Georgia”, nhà báo Astead Herman viết trên tờ New York Times hôm 5/1.
Điều ông Herman viết đã từng đúng trong một thời gian dài, cho tới giây phút chiến thắng của ông Warnock.