Ứng viên danh hiệu tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam

Sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup thì ai sẽ là tỷ phú đôla tiếp theo của Việt Nam?

Ứng viên danh hiệu tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam

Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội dồng Quản trị tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Một ứng cử viên trong số các đại gia trong nước kế tiếp là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông bầu của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đã hai năm liên tiếp 2008-2009 xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, giá cổ phiếu HAG rớt mạnh trong năm 2010, đặc biệt trong năm 2011 và đầu năm 2012 đã khiến giấc mơ tỷ phú thế giới của ông chưa thành.

Trong số các đại gia Việt, bầu Đức là người duy nhất đến nay bày tỏ khát vọng cháy bỏng trở thành tỷ phú đôla được xếp hạng của thế giới. Tính tới cuối năm 2012, bầu Đức vẫn đứng thứ hai trong bảng xếp hạng nhưng bị ông Phạm Nhật Vượng (tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam được tạp chí Forbes thống kê) bỏ khá xa. Cuối năm 2012, chỉ tính riêng số cổ phiếu của ông Vượng đã có giá trị hơn 17.000 tỷ đồng, trong khi đó bầu Đức dù tài sản có tăng mạnh gần 30% nhưng chỉ có hơn 5.600 tỷ đồng. Nếu tính vào thời điểm giá cổ phiếu chưa giảm, tổng giá trị tài sản của bầu Đức đã khoảng 11.000-12.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 500-600 triệu USD.

Một số ứng viên khác là ông Trần Đình Long (Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, hiện có tài sản hơn 2.100 tỷ đồng); ông chủ tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang (không trực tiếp nắm cổ phần MSN); ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen Group; ông Hồ Hùng Anh (MSN)…

Trước đó, giới đầu tư khá kỳ vọng vào hai đại gia tên tuổi lừng danh Đặng Thành Tâm và Đặng Văn Thành. Tuy nhiên, gần đây, hai doanh nhân này đã duy trì các doanh nghiệp của mình hoạt động không thực sự tốt. Với nhiều khoản nợ trên vai, giá một loạt cổ phiếu của ông Tâm như KBC, SGT, ITA… đã tụt giảm. Trong khi đó, ông Thành lại rút khỏi ngân hàng Sacombank và tài sản xé lẻ cho nhiều người con của mình.

Những tỷ phú ngầm

Một điểm mà nhiều người thường nói về giới giàu có tại Việt Nam là: nhất trên TTCK chưa chắc đã phải là nhất. Nếu tính của chìm, tài sản chưa lên sàn, chưa công khai thì rất có thể còn nhiều ứng cử viên sáng giá. Họ có thể lọt danh sách Forbes bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp của họ niêm yết.

“Chúa đảo” Tuần Châu – Đào Hồng Tuyển.

Đầu tiên đó là “Chúa đảo Tuần Châu” – Đào Hồng Tuyển. Doanh nhân “không già” này là ông chủ của nhiều bất động sản trên khắp cả nước và sở hữu khá nhiều công ty, xí nghiệp. Tổng giá trị tài sản của ông ước tính có thể lên tới 2 tỷ USD.

Một đại gia cũng rất nổi tiếng khác nhưng không nằm trong các danh sách giàu có trên sàn chứng khoán là ông chủ tập đoàn Geleximco, Vũ Văn Tiền. Các dự án bất động sản của tập đoàn này trải ở khắp nơi trong khu vực miền Bắc và đều là những dự án khổng lồ.

Geleximco đang đầu tư xây dựng một số dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Tuyên Quang), nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh)…

Hạ tầng, BĐS cũng là một thế mạnh của Geleximco với nhiều dự án đô thị: Cái Dăm (37,04 ha) tại Quảng Ninh, Lê Trọng Tấn (135 ha) tại Hà Nội, Đồng Trúc – Ngọc Liệp (250 ha) tại Quốc Oai – Hà Nội, Phú Mãn (461,2 ha) tại Hà Nội; Láng – Hòa Lạc kéo dài tại Hà Nội; 02 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao; các trung tâm thương mại…

Geleximco cũng là cổ đông chiến lược của rất nhiều các doanh nghiệp lớn như ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, chứng khoán An Bình, công ty cổ phần tập đoàn công nghệ CMC…

Theo VietNamNet

Alan Phan: ‘Tôi biết nhiều người giàu hơn ông Vượng’

Theo TS Alan Phan, nếu tài sản thực của nhiều người được công bố, Việt Nam sẽ có thêm tỷ phú thế giới.

Alan Phan: 'Tôi biết nhiều người giàu hơn ông Vượng'

TS Alan Phan: Mừng vì Việt Nam có tỷ phú đô la

“Tôi biết nhiều người giàu hơn ông Vượng”

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup vừa lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới được Forbes công bố. Hiện ông cũng là nhà tỷ phú đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà theo ước tính của Forbes thì giá trị tài sản vào khoảng 1.5 tỷ USD, dựa vào 53% cổ phần (trực tiếp và gián tiếp) tại Vingroup.

Theo đó, ông Vượng xếp hạng 974 trong danh sách của Forbes năm 2013, đồng hạng với hơn 40 tỷ phú khác, với giá trị tài sản ròng theo Forbes là 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Vượng cũng nằm trong danh sách 210 tỷ phú mới nhất của năm 2013.

Theo TS Alan Phan – Chủ tịch quỹ Đầu tư Viasa, đây thực sự là niềm vinh hạnh cho doanh nhân Việt: Tôi không nắm rõ về con đường làm ăn của vị tỷ phú trẻ tuổi này nhưng tôi cũng thấy vui vì đất nước có người được ghi danh là tỷ phú thế giới.

TS Alan Phan dự đoán, một vài năm nữa Việt Nam sẽ xuất hiện thêm một vài tỷ phú đô la. Mặc dù ông không muốn nhắc tới tên một ai nhưng TS Alan Phan khẳng định “bảng vàng” tỷ phú đô la ghi danh thêm một số doanh nhân Việt.

Với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc, TS Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa Hartcourt, công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987). Ông cũng là doanh nhân Việt đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997).

Tạp chí Forbes định giá tài sản của các cá nhân dựa trên cổ phiếu của họ trong các công ty nhà nước và tư nhân, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Tuy nhiên, theo TS Alan Phan: Ở Việt Nam tài chính còn thiếu minh bạch. Người ta chỉ nhìn thấy cái bề nổi mà không ai biết tài chính ngầm (nợ) của doanh nhân.

Forbes tính toán dựa trên tài sản nổi tức là giá trị cổ phiếu, tỷ giá trên thị trường hiện tại, sở hữu công ty có tài sản bao nhiêu, cổ phần bao nhiêu nhưng họ không tính nợ nần. Trong khi đó, ở Mỹ việc tính toán tài chính khá minh bạch nợ nần được công bố rõ ràng và rất chuyên nghiệp. “Chúng ta chỉ biết người ta giàu vì nhiều cổ phiếu, cổ phần nhưng chẳng ai biết người ta đã vay bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu, góp cổ phần”, TS Alan Phan nói: “Tôi biết còn nhiều người giàu hơn ông Vượng rất nhiều. Chỉ tính tiền mặt của họ đã là một con số khổng lồ nhưng người ta ẩn danh. Sau việc ông Vượng lọt vào tốp tỷ phú thế giới sẽ có thêm nhiều người Việt nữa xếp vào vị trí này”.

Sau ông Phạm Nhật Vượng, ai sẽ là tỷ phú đô la?

Sau ông Phạm Nhật Vượng, Việt Nam sẽ có thêm bao nhiêu người công bố tài sản của mình để lọt vào tốp tỷ phú thế giới? Câu hỏi này được khá nhiều người đặt ra.

Khẳng định biết nhiều người Việt giàu hơn ông Phạm Nhật Vượng nhưng theo TS Alan Phan, tỷ phú đô la tiếp theo đang được giới doanh nhân “đồn thổi” là một nữ doanh nhân giàu có và hiện tài sản của bà vẫn còn là con số bí ẩn. Đó là bà Nguyễn Thị Nga, lãnh đạo cao nhất của tập đoàn BRG. Bà Nga từng là Chủ tịch Ngân hàng Techcombank. Hiện tại, bà là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeABank, Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex Việt Nam.

Tập đoàn BRG đầu tư và hoạt động tập trung chủ đạo vào lĩnh vực Tài Chính – Ngân hàng, sân Golf với các công ty thành viên, các đơn vị liên kết có uy tín tại Việt Nam và quốc tế như sân golf quốc tế Đảo Vua (Kings’ Island Golf Course), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn (Doson Seaside Golf Resort), khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn, khách sạn Sông Nhuệ, tòa nhà văn phòng cao cấp Oriental Tower, khu căn hộ Oriental Palace, showroom Honda Ôtô Tây Hồ, Honda Ôtô Hải Phòng, dự án Thung lũng Nữ hoàng và còn loạt dự án đang và sẽ triển khai như Oriental Garden, Oriental Plaza, Oriental Sun, Oriental Pearl, Oriental West Lake…

Giới doanh nhân chỉ thấy bóng dáng của bà trong những sự kiện liên quan đến các dự án sân golf tiêu chuẩn thế giới, trong vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội, trong chức vụ Chủ tịch HĐQT của SeABank và trước đây là Techcombank, nhưng bà giữ bao nhiêu vốn, thâu tóm bằng cách nào, tài sản ước tính ra sao thì vẫn còn là câu hỏi.

Dù chỉ nghe đồn đoán bà rất giàu nhưng TS Alan Phan dự đoán có thể bà sẽ là tỷ phú đô la tiếp theo của VN nếu công bố tài sản thực.

Theo GDVN

Leave a Reply