Uống Trung Nguyên cho yêu nước, hay cứ Starbucks mà xài?

Chưa bao giờ mùi cà phê lại sực nức đến tận từng con ngõ nhỏ của Sài Gòn đến thế. Càng gần đến ngày “người khổng lồ” chính thức xuất hiện, không chỉ các fan của Starbucks và Trung Nguyên mà dân tình cũng đang xôn xao hơn bao giờ hết.

Uống Trung Nguyên cho yêu nước, hay cứ Starbucks mà xài?
Uống Trung Nguyên mới là yêu nước?

Bị Starbucks đe dọa lấy mất thị phần, ông chủ cà phê Trung Nguyên đang muốn tác động vào suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ có tư duy và mang lòng tự tôn dân tộc.

“Dù sao thì đây cũng là đất của mình, quê hương của mình, đồng bào của mình, nói một lần không được sẽ nói nhiều lần, nếu nói nhiều lần không được thì nói ngàn lần chắc cũng phải tỉnh ra… Ai thích giống Tây, giống Mỹ thì tìm tới Starbucks còn ai muốn uống cốc cà phê tuyệt hảo, muốn khơi nguồn sáng tạo, muốn yêu nước thì tìm tới Trung Nguyên”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết.

Nhiều quan điểm ủng hộ quan điểm này của ông Vũ. Chị Phương, cán bộ văn phòng quận 1, cho biết sẽ trung thành với nhãn hiệu yêu thích của mình bất chấp chuỗi cửa hàng cà phê danh tiếng đã đặt một chân lên đất Việt.

“Quả thật người ta không thể không suy nghĩ khi bản thân mang trong mình dòng máu Việt cùng những khẩu hiệu vẫn ngày ngày ăn sâu vào tiềm thức- đã là người Việt thì phải ủng hộ hàng Việt! Gia đình tôi quen dùng cà phê Trung Nguyên và trong tương lai chắc cũng sẽ mãi thế”, chị nói.

Tuy nhiên, không ít người dị ứng với kiểu tuyên truyền của ông Vũ. Nhiều người cho rằng, một lý tưởng lớn chỉ được mọi người tin, ủng hộ và cùng theo đuổi nếu như lời nói đi đôi với việc làm.

“Sẽ rất khó để mọi người tin theo rằng giá trị thực sự của Trung Nguyên là “tính sáng tạo” nếu như Trung Nguyên vẫn giữ màu sắc ảm đạm và âm u trong màu chủ đạo như hiện nay, nếu như họ vẫn viết ra những lời lẽ đai ngôn đao to búa lớn và phần lớn là vô nghĩa như “Cà phê là Báu vật của Trời đất, là Di sản của Nhân loại và Giải pháp của Tương lai” và vẫn tiếp tục sử dụng đội ngũ “người ảnh hưởng” mang đậm màu sắc hàn lâm già cỗi như hiện nay…”, một blogger chia sẻ.

Nói về luận điểm “yêu nước thì uống Trung Nguyên” có lẽ ông Vũ cũng sẽ mất đi khá nhiều người ủng hộ khi họ xem đây là một quan điểm mang tính “dựa hơi” và không mấy thuyết phục.

Họ cho rằng, chính điều này sẽ làm cho Trung Nguyên mất đi bản sắc “sáng tạo” của mình khi lẫn lộn trong việc đưa thông điệp đến người dùng.

“Yêu nước đâu nhất thiết phải uống Trung Nguyên. Nếu Starbucks đóng thuế nghiêm chỉnh thì uống Starbucks cũng góp phần làm giàu đất nước vậy”, một bạn đọc đưa quan điểm.

Tình yêu cũng cần cảm nhận bằng miệng nữa

Bên cạnh một bộ phận chịu sức hút khó cưỡng từ Starbucks thì dễ thấy Trung Nguyên được rất đông người tiêu dùng đang ngấm ngầm dõi theo và ủng hộ.

Trao đổi với báo giới gần đây, Ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Điều hành Viện Quản lý Việt Nam chia sẻ: “Trong thâm tâm tôi luôn muốn Trung Nguyên chiến thắng Starbucks. Nhưng cuộc chiến này phải đầu tư trí tuệ, thời gian và tâm sức nhiều hơn…”.

Theo ông Tuấn bài toán đối với Trung Nguyên và cũng như rất nhiều các đơn vị khác của Việt Nam đó là khái niệm sản phẩm và dịch vụ như thế nào. Không chỉ riêng Trung Nguyên, nhiều cửa hàng của Kinh Đô, ABC… cũng chỉ là khái niệm cửa hàng bán sản phẩm phát triển và chưa thấy được những đột phá xây dựng concept bán hàng.

“Khách hàng trẻ tuổi chính là yếu tố thành bại của Starbucks. Đối với nhóm khách hàng từ 25 tuổi trở lên, Starbucks sẽ không có cơ hội nhiều vì các khách hàng này đã quen với vị đậm của cà phê Việt như Trung Nguyên. Nhưng vấn đề sẽ rất khác biệt nếu như các khách hàng nhí làm quen với Starbucks khi họ sử dụng những ly cà phê đầu tiên”, ông Tuấn cảnh báo.

Theo ông, để thắng Starbucks, Trung Nguyên cần phải xác định rất rõ các khái niệm cửa hàng bán cà phê và tập trung marketing mạnh mẽ vào phân khúc khách hàng trẻ – những người uống ly cà phê đầu tiên trong đời.

Nếu như nhóm khách hàng này thích các sản phẩm Starbucks hơn Trung Nguyên, cuộc chiến sẽ dành phần thắng cho Starbucks.

 

“Tôi sẽ thử Starbucks. Tôi chuộng hàng Việt, nhưng là người trẻ, tôi không ngại gì khám phá những điều mới mẻ…”, Mỹ Linh, 24 tuổi, chia sẻ.

Thương trường mãi là chiến trường. Ai mạnh và có chiến thuật tốt hơn sẽ giành phần thắng. Lòng yêu nước chỉ có thể góp một phần trong quyết định mua hàng Việt hay hàng nước ngoài. Trung Nguyên cần truyền tình yêu qua trái tim, nhưng cũng cần lưu ý truyền đạt tình yêu ấy qua đường ăn uống nữa.

Leave a Reply