Bến xe Miền Đông là một trong những bến xe lớn của TP.HCM, đảm nhận việc trung chuyển hành khách cho các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên, phía Bắc và đông Nam Bộ.
Bến xe đã tồn tại trên 30 năm, ở P.26, Q.Bình Thạnh từ năm 1981 cho đến nay.
Trên diện tích khu đất 67.857 m2,, BX có vị trí địa lý tại cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, được bao quanh bởi các đường Quốc lộ 13, Nguyễn Xí và Đinh Bộ Lĩnh.
Trong thời gian gần đây, bến xe luôn phải chịu nhiều sức ép quá tải trong thời kỳ cao điểm bến đón khoảng 50 ngàn hành khách/ngày.
Theo dự kiến, bến xe Miền Đông mới gồm công trình cao nhất là 26 tầng; trạm xe buýt cao 2 tầng; khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa cao 5 tầng; khu thương mại dịch vụ cao 15 tầng. BXMĐ mới kết nối với các tuyến xe buýt và tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Tổng vốn đầu tư bến xe mới gần 4.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, với Bến xe Miền Đông hiện hữu cũng được UBND TP cũng đã quy hoạch chi tiết 1/500, trở thành khu vực tái thiết đô thị với chức năng chính là đầu mối trung chuyển hành khách nội đô, trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BX Miền Đông cho biết hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, lượng xe đăng ký tại bến trên 3.000 đầu xe. Trong đó, hằng ngày có khoảng 1.000 – 1.100 lượt xe xuất bến và 1000 lượt xe cập bến. Ngày thường, lượng khách tập trung về bến khởi hành hơn 20.000 khách/ ngày, ngày lễ có thể tăng lên 40.000 – 50.000 khách/ ngày. Ông Hải cho biết khi bến xe di chuyển ra ngoại thành TP (P.Long Bình, Q.9) sẽ khó khăn cho khách đi xe, vì hành khách muốn mua vé trực tiếp hoặc đến BX khởi hành phải đi quãng đường gần 20 km, trong khi cửa ngõ phía đông TP có lượng xe di chuyển lớn hay xảy ra ùn ứ. Đồng thời, theo cách quản lý vận tải hành khách TP hiện giờ để tràn lan nạn xe dù, bến cóc hoạt động không đúng theo quy định pháp luật. Nếu không có biện pháp khắc phục, bến xe ra đó e rằng sẽ giảm cả lượng xe và lượng khách, vì người dân không muốn bất tiện. “Tuy nhiên, bên cạnh mặt bất lợi cũng có cái lợi đó là bến xe mới có mặt bằng rộng, có thể kết hợp với hệ thống metro Bến Thành – Suối Tiên, xe buýt”, ông Hải cho biết thêm. Ghi nhận Thanh Niên sáng 9.3, tại bến xe Miền Đông, hàng trăm lượt xe ra vào tại bến không xảy ra lộn xộn. Tại các cổng ra vào bến không xuất hiện cảnh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Trong khi đó, một số tài xế có xe hoạt động tại bến cho biết, các đường dẫn vào BX thường xảy ra ùn ứ, chẳng hạn cầu Bình Triệu (hướng cầu Bình Phước – BX Miền Đông) hiện mặt cầu nhỏ, trong khi lượng xe khách và xe gắn máy qua cầu về đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) quá cao. Đồng thời, xe khách khi di chuyển theo hướng cầu Sài Gòn cũng thường kẹt tại giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Bạch Đằng. Ngược lại, khi xe khách hướng cầu Sài Gòn về BX thường xảy ra ùn ứ tại ngã 5 đài liệt sĩ hướng quốc lộ 13. |
Phạm Hữu – An Huy