Vì sao FBI muốn điều tra lại Emails bà Clinton 11 ngày trước bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016?


Việc FBI công khai thẩm tra email liên quan đến bà Clinton là bất ngờ lớn nhất giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử, đồng thời đặt giám đốc FBI vào tình thế đường nào cũng thua.

Ngày 28/10, giám đốc FBI gửi thư thông báo cho Quốc hội rằng cơ quan này đang tìm hiểu những email mới phát hiện liên quan đến bà Hillary Clinton có chứa thông tin mật hay không.

Các email này nằm trong nhóm hàng nghìn thư điện tử mà FBI thu thập trong quá trình điều tra cựu nghị sĩ Anthony Weiner (bang New York) về những tin nhắn chat sex cho một thiếu nữ 15 tuổi. Ông Weiner từng là trợ lý của bà Clinton.

Vi sao FBI muon dieu tra lai ba Clinton vao luc nay? hinh anh 1

Điều này dấy lên khả năng FBI có thể mở lại cuộc điều tra hình sự đối với ứng viên của đảng Dân chủ. Một khả năng khác là sẽ không có phát hiện mới nào được đưa ra và bà Clinton sẽ không bị ảnh hưởng gì.

Theo New York Times, bản chất của vụ điều tra mới lần này của FBI là để tìm hiểu các email liên quan đến bà Clinton có chứa thông tin mật hay không; chứ họ chưa khẳng định chúng đều gửi đi từ máy chủ cá nhân của nữ ứng viên.

Một vụ Watergate thứ 2?

Tuy nhiên, thời điểm thông báo vụ việc mới là điều khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên. Họ so sánh chuyện lần này với vụ bê bối Watergate hồi tháng 10/1972. Khi đó, Tổng thống Nixon phải tuyên bố từ chức. (Dù nó không gây ra hậu quả lớn trong cuộc bầu cử một tháng sau đó và ông Nixon đã tái đắc cử với chiến thắng áp đảo).

Đảng Dân chủ và các quan chức Bộ Tư pháp tỏ ra vô cùng bất mãn khi ông Comey lại thông báo với Quốc hội trước khi chưa điều tra kỹ lưỡng vụ việc. Một quan chức nói rằng cách làm này đi ngược lại quy tắc của Bộ này là không nên để xảy ra bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Một quan chức khác của Bộ Tư pháp cho rằng không ai ở FBI hay Bộ này có thể khẳng định các email của bà Clinton chứa thông tin an ninh quốc gia hay các thông tin mật khác.

Còn tạp chí National Review gọi quyết định của FBI là “bất ngờ tháng 10”. “Không có lý gì khiến FBI công khai thông báo điều tra lại trước thềm bầu cử nếu các email chỉ bàn về việc tập yoga hoặc thông tin đám cưới”.

Phe Cộng hòa đón nhận “tin sốt dẻo” bằng một thái độ hăm hở. Trong buổi vận động ở New Hampshire, tỷ phú Donald Trump hào hứng thông báo với các cử tri về “tin tức nóng bỏng quan trọng này”.

“Sự mục nát của Hillary đã chạm tới ngưỡng mà chúng ta chưa bao giờ chứng kiến. Chúng ta không thể để những âm mưu phạm pháp của bà ấy vào Phòng Bầu dục”, ông Trump nói.

Thượng nghị sĩ Reince Priebus của đảng Cộng hòa khẳng định: “Việc FBI quyết định mở lại điều tra hình sự với những email bí mật của bà Clinton cho thấy sự nghiêm trọng của phát hiện lần này”. Ông cho rằng ứng viên của đảng Dân chủ cần phải bị hủy tư cách tranh cử.

Vi sao FBI muon dieu tra lai ba Clinton vao luc nay? hinh anh 2
Từng chỉ trích FBI thiên vị khi không đề nghị khởi tố hình sự bà Clinton hồi tháng 7, nay tỷ phú Trump ca ngợi giám đốc FBI hết lời khi mở lại việc tìm hiểu các email của bà Clinton. Ảnh: NBC.

Giám đốc FBI đùa với lửa

Dù kết quả các email có như thế nào, giám đốc FBI James Comey chắc chắn không thể yên thân. Nếu quả thực nội dung các email không nghiêm trọng thì FBI đã gây tổn hại lớn đến bà Clinton, người đang duy trì thế dẫn trước trong phần lớn các cuộc thăm dò.

Thậm chí, Comey còn có thể bị tố ngược là có các âm mưu chính trị trong một cuộc bầu cử vốn đã đầy rẫy những điều này. Một trong những “thuyết âm mưu” là ông Comey có thể bị tố đối xử không công bằng, hoặc cố tình gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Do vậy, giám đốc FBI được cho là đang đánh cược rất lớn khi có thể thay đổi lộ trình cuộc bầu cử nhưng đổi lại không được gì. Trang Lawfarenhận định “Comey và FBI đang ở trong một tình thế vô cùng tồi tệ”. Còn tờ Atlantic thì tỏ ra thông cảm: “Comey đối diện với một lựa chọn bất khả thi”.

Thế khó của FBI

Lẽ ra Comey có thể chọn không thông báo cho Quốc hội, điều mà ông cũng thừa nhận “tôi không bắt buộc phải làm thế” mà điều tra âm thầm. Tuy nhiên, FBI có nguy cơ bị chỉ trích ém nhẹm thông tin quan trọng nếu chuyện này bị lộ ra sau ngày bầu cử, trong khi vị giám đốc luôn khẳng định “minh bạch” trong quá trình điều tra.

Đêm 28/10, ông Comey quyết định lên tiếng giải thích vì cảm thấy “nguy cơ rất lớn dễ bị hiểu nhầm”. Giám đốc FBI nói ông muốn thông báo với Quốc hội vì phải cân bằng nghĩa vụ với các nhà lập pháp, để họ biết cuộc điều tra tưởng như đã kết thúc thì nay lại được tiếp tục.

“FBI không thể khẳng định ngay là các email này quan trọng thế nào, cũng như quá trình tìm hiểu sẽ kéo dài bao lâu”, Comey thừa nhận.

Bà Clinton phản ứng nhanh chóng và quyết liệt khi yêu cầu FBI “công bố ngay tất cả thông tin mà ông có. Người dân Mỹ xứng đáng biết sự thật đầy đủ và nhanh chóng”. Nữ ứng viên đảng Dân chủ cũng tự tin khẳng định lộ trình bầu cử sẽ không thay đổi vì sự cố này.

Chuyên gia pháp lý Paul Callan của CNN gọi quyết định của ông Comey là “ngu ngốc” và nói vị giám đốc phải từ chức vì sự liều lĩnh này. “Ông ta đã ném một quả bom xăng vào giữa đường đua”.

Theo CNN, hậu quả trước mắt từ hành động của ông Comey là các cử tri lại rơi vào vòng xoáy của những đồn đoán và các lời cáo buộc chưa thể xác định căn cứ.

“Do vậy, cái gọi là sự cởi mở và minh bạch của Comey đã đập tan thể diện của ông ta và thanh danh của FBI”, chuyên gia Callan của CNN gay gắt nhận định.

FBI điều tra vụ email bà Clinton: ‘Cú đá vào giữa mặt’

Việc FBI quyết định xem xét lại vụ bê bối email của bà Clinton được coi là “bất ngờ tháng 10” mới và có thể tác động nghiêm trọng tới cuộc đua lần này.

Mark Shields, cây viết lão luyện của Creators Syndicate, gọi vụ FBI mở lại vụ bê bối email của bà Clinton là “cú đá vào giữa mặt”.

Cuộc chạy đua tưởng chừng nằm gọn trong tay bà Clinton giờ trở nên mong manh, không chắc chắn.

Những phóng viên đi cùng trên máy bay của bà Clinton hôm 28/10 (ngày vụ việc xảy ra) miêu tả lại cảnh các trợ lý bà Clinton đang rất hào hứng với việc cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Arizona.

Đây là bang truyền thống của phe Cộng hoà trong nhiều năm và phe Clinton đang có lợi thế kỷ lục trong bỏ phiếu sớm. Các thăm dò đều đang chỉ hướng về một chiến thắng áp đảo cho bà.

Nguyên tắc ’60 ngày’

Mọi thứ đột ngột thay đổi sau khi thông tin về vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) xem xét lại vụ email của bà Clinton được các hãng giật lên. Ở trên độ cao 10.000 mét với Wi-Fi chập chờn, các phóng viên và nhân viên của Clinton không biết rõ được chuyện gì xảy ra ở phía dưới ngoài các dòng tin báo tóm tắt.

Khi phóng viên thông báo cho phe Clinton, các trợ lý của bà hoàn toàn chết lặng. Không khí trên chiếc chuyên cơ đã thay đổi hẳn.

Jeffrey Toobin, chuyên gia về luật của CNN và New Yorker, nói giám đốc FBI James Cobey đã vi phạm nguyên tắc bất thành văn rằng FBI sẽ không can thiệp hay tung thông tin gì can thiệp tới cuộc bầu cử 60 ngày trước cuộc bỏ phiếu.

Lần này, quả bom tấn được tung ra chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử. Với số lượng email là hàng nghìn, theo Washington Post, hay là hàng chục nghìn, theo New York Times, thì trong 11 ngày FBI sẽ không thể đưa ra được bất cứ kết luận điều tra gì.

FBI dieu tra vu email ba Clinton: 'Cu da vao giua mat' hinh anh 1
Bà Clinton và các nhân viên trong chiến dịch tranh cử trên máy bay riêng ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Trả lời Zing.vn, Giáo sư Graham Wilson của Đại học Boston thừa nhận: “Đây là diễn biến rất sốc”.

“Tôi đoán rằng giám đốc FBI sẽ bị chỉ trích nếu ông ta không thông báo gì. Nhưng sẽ là tiền lệ xấu khi lực lượng an ninh cho công khai từng giai đoạn điều tra mà họ đang tiến hành”, giáo sư Wilson nói. “Ông ta hoặc là hãy công bố nhiều thông tin hơn, hoặc là không nên nói gì cả”.

Bất ngờ tháng 10

Những thông tin FBI đưa ra sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lớn. Các chuyên gia mà Zing.vn tiếp xúc đều vẫn tin tưởng bà Clinton sẽ tiếp tục chiến thắng nhưng sẽ không còn vang dội nữa – đa số nói bà sẽ không thể thắng lớn với cả Thượng viện và Hạ viện nữa.

Tuy nhiên, nguy cơ vẫn có thể xảy ra. Nguy cơ lớn nhất hiện nay là các cử tri Dân chủ sẽ không còn cảm thấy hứng thú hoặc chủ quan và sẽ không đi bỏ phiếu vào ngày 8/11.

Phe Cộng hoà trong khi đó lại có cú hích rất lớn sau thông báo này. Từ liên tục chỉ trích giám đốc FBI về chuyện đóng cuộc điều tra hồi tháng 7 vừa qua, phe Cộng hoà quay sang ca ngợi quyết định mới này và chỉ trích phe Clinton là “chính trị hoá” trong các chỉ trích với FBI.

Các chuyên gia luật chỉ ra FBI sai ngay từ quyết định hồi tháng 7 – về nguyên tắc, FBI không có quyền đóng một cuộc điều tra mà chỉ báo cáo lên Bộ Tư pháp và đưa ra các đề nghị. Bộ Tư pháp sẽ là nơi đưa ra quyết định khép lại hay tiếp tục cuộc điều tra này.

Điều tệ hại nhất của diễn biến mới là củng cố thêm hình ảnh không đáng tin cậy của bà Clinton – trái ngược với hình ảnh mà chiến dịch tranh cử của bà cố xây dựng về một chính trị gia kinh nghiệm và lão luyện.

“Cho đến khi có thêm thông tin, đây giống như một cú bom của bất ngờ tháng 10”, một cố vấn lâu năm của bà Clinton nói.

Nhà Trắng không được báo trước việc FBI điều tra email của Clinton

Nhà Trắng cho biết họ không nhận được thông tin gì trước khi FBI thông báo xem xét các thư điện tử mới bị rò rỉ liên quan đến cuộc điều tra máy chủ cá nhân của bà Clinton.

Chúng tôi không được thông báo trước”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz hôm qua nói với các phóng viên khi đang trên đường cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama đến một sự kiện vận động trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton ở thành phố Orlando, bangFlorida.

Theo Schultz, thông tin về việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiến hành đánh giá, xác minh những email mới bị rò rỉ của ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ không ảnh hưởng tới sự ủng hộ mà ông Obama dành cho bà Clinton.

“Tôi không nghĩ bất kỳ điều gì có thể thay đổi ý kiến và quan điểm của Tổng thống đối với cựu ngoại trưởng Clinton”, Schultz nói.

FBI tìm thấy những thư điện tử mới khi các thiết bị của cựu nghị sĩ Anthony Weiner và Human Abedin, trợ lý hàng đầu cho bà Clinton, bị tịch thu. Trong lúc xem xét máy tính xách tay của ông Weiner, các nhà điều tra phát hiện bà Abedin cũng sử dụng nó và thiết bị chứa một số thư điện tử giữa bà Abedin và bà Clinton.

FBI đang xem xét liệu các thư điện tử mới bị phát hiện có chứa thông tin mật hay không và tác động ra sao đến cuộc điều tra về máy chủ cá nhân của bà Clinton vốn đã khép lại trước đó. Các quan chức hành pháp cấp cao cũng chưa rõ liệu có thư nào gửi đi từ máy chủ cá nhân của bà Clinton hay không.

Phản ứng trước diễn biến này, Hillary Clinton tuyên bố bà tin cuộc điều tra sẽ không thay đổi kết luận được đưa ra hồi tháng 7.

Leave a Reply