Vì sao hãng xe Toyota bỏ California?

Hôm Thứ Hai 28 tháng 4, công ty Toyota chính thức loan báo việc di chuyển trụ sở trung ương tại thành phố Torrance, phía Nam phi cảng LAX, về Plano, ngoại vi Bắc Dallas, Texas.

Một xe Toyota Prius đi vào trụ sở trung ương Bắc Mỹ của Toyota ở Torrance. (Hình: AP/Reed Saxon)

 

Việc này là một phần trong kế hoạch đưa toàn bộ các hoạt động của Toyota về một trung tâm duy nhất thay vì đặt rải rác ở nhiều tiểu bang cách xa nhau. Việc xây dựng các cơ sở tại Plano sẽ bắt đầu vào mùa thu sắp tới và ít nhất đến năm 2016 hay 2017 mọi công tác di chuyển mới hoàn tất.

[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Toyota ” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”]

California là nơi đầu tiên Toyota đặt bước vào thị trường Mỹ. Năm 1957 Toyota mở một đại lý bán xe tại Hollywood và năm sau, năm đầu tiên ở thị trường Mỹ, Toyota mới chỉ bán được 288 xe. Hơn nửa thế kỷ sau, năm 2013 bán hơn 2.2 triệu xe,

Los Angeles được công ty này chọn làm nơi đặt trụ sở trung ương đầu tiên vì bến cảng thuận tiện và về không gian là nơi gần với Nhật Bản. Trụ sở 2 triệu square feet ở Torrance có từ năm 1982, thoạt đầu là nhà kho trung tâm phân phối đồ phụ tùng, sau này thành trụ sở trung ương về thương mại tài chính. Hiện nay 75% xe Toyota bán trên thị trường Mỹ không còn phải là xe nhập cảng từ Nhật mà được chế tạo ở các nhà máy tại Texas, Kentucky, Mississippi.Vai trò của cảng Los Angeles do đó giảm tầm quan trọng đi rất nhiều.

Ông Jim Lentz, Tổng Giám Đốc Toyota khu vực Bắc Mỹ giải thích về kế hoạch tái phối trí của công ty:
“Đây là cải tổ quan trọng nhất về những hoạt động ở Bắc Mỹ chúng tôi thực hiện trong vòng 50 năm qua và chúng tôi rất phấn khích với tương lai”. Các giám đốc của Toyota nói rằng tạo lập một cơ cấu hiệu quả hơn và không cắt giảm tốn phí là mục tiêu chính trong sự xây dựng trụ sở trung ương tập trung ở Texas thuận lợi, vì gần các cơ xưởng sản xuất của Toyota hơn California.

Toyota sản xuất xe Camry và Avalon ở Kentucky, xe Corolla ở Mississippi, xe Tundra và Tacoma pickup truck ở San Antonio, còn tại Alabama có một xưởng lớn chế tạo động cơ. 4,000 nhân viên thuộc các bộ phận chế tạo, thương mại, tiếp thị và dịch vụ tài chính sẽ được chuyển từ các nơi về Plano.

2,000 nhân viên làm việc tại Torrance trong ngành thương mại và tiếp thị sẽ chuyển về Plano. 1,000 nhân viên ở cơ sở chế tạo và sản xuất Erlanger, Kentucky và những nhân viên thuộc Toyota Motor North America ở New York được cung cấp việc làm ở Plano nếu họ muốn. 1,000 người làm việc trong Financial Services còn tiếp tục làm việc ở Torrance cho đến năm 2017. 2,300 nhân viên làm việc ở Newport Beach và Ann Arbor, Michigan trong Calty, phân bộ thành lập năm 1973 chuyên về nghiên cứu kiểu dáng và trang thiết bị cho các xe Toyota sẽ tiếp tục làm việc như cũ. 8,200 trong cơ sở sản xuất lớn nhất của Toyota vẫn tiếp tục làm việc tại Kentucky.

Quỹ Texas Enterprise Fund hứa hẹn cấp cho Toyota $40 triệu, tương đương $10,000 mỗi nhân viên chuyển về Plano, tuy nhiên khoản kích thích này không phải là nguyên nhân chủ yếu để Toyota quyết định kế hoạch tái phối trí. Theo lời Tổng Giám Đốc Lentz: “Với tất cả các phần vụ cùng về một nơi, chúng tôi có thể đưa ra những quyết định mau chóng về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tập trung khả năng một cách hiệu quả, để từ đó sản phẩm của Toyota sẽ có giá trị cao hơn”.

Như vậy đến nay đã qua thời kỳ cả 3 hãng xe Nhật Bản lớn đều tập trung tại Nam California. Năm 2005, Nissan bắt đầu chuyển về Tennessee, trước hết tới Nashville rồi đến Smyrna, nơi có nhà máy sản xuất xe. Honda năm ngoái bắt đầu chuyển các cơ sở trung ương về Ohio gần xưởng sản xuất xe của họ ở Marysville.

Dù Texas rất hăng hái trong việc khuyến dụ các công ty về tiểu bang mình, trên bề mặt sự di chuyển của các công ty có vẻ bình thường. Qua nhiều năm các hãng xe từ chỗ nhập cảng của Nhật trở thành hãng sản xuất chính tại Hoa Kỳ và muốn đặt trụ sở gần cơ xưởng sản xuất của mình hơn, có sinh hoạt kém đắt đỏ và hệ thống thuế ít khó khăn hơn là California.

Theo nhận định của giáo sư Harley Shaken đại học Berkeley, từ lâu California đã có vai trò then chốt đối với thị trường xe hơi và ảnh hưởng đến khuynh hướng dùng xe của khách hàng. Ông cho rằng đặt trụ sở trung ương ở California sẽ gần với tâm lý xã hội và văn hóa, thị hiếu của người tiêu thụ, chuyển đi nơi khác có thể trở thành xa rời khách hàng và mãi dịch giảm đi. Tuy nhiên Toyota không cho rằng có ảnh hưởng lớn và tin rằng những lợi ích thiết thực khác sẽ bù đáp lại.

Thống Đốc Rick Perry tiểu bang Texas hoan nghênh quyết định của Toyota chọn Plano làm nơi đặt trụ sở trung ương. Ông nói: “Texas là tiểu bang thân hữu của giới chủ nhân với mức thuế thấp, hệ thống tư pháp công bằng, những quy định sáng suốt và lực lượng lao động tầm cỡ quốc tế”. Tiểu bang này từ lâu đã có chính sách khuyến dụ , năm 2003 lập ra quỹ Texas Enterprise Fund cấp kích thích tài chính cho những công ty chuyển về Texas. Từ đó cho đến nay khoảng 30 công ty đã chuyển trụ sở từ California về Texas.

Thị trưởng Frank Scotto thành phố Torrance chê trách Toyota di chuyển và nói rằng ông không thể nào ngăn cản khi một công ty đã có dự tính, Tuy nhiên theo ông nếu có một số nhân viên Toyota không mốn đi theo, thì công ty này phải phần nào chịu tình trạng “thoát não” (brain drain).

Leave a Reply