CNN dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, số vụ xả súng giết người hàng loạt xảy ra ở Mỹ nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới.
Từ năm 1966 đến 2012, có 90 vụ xả súng xảy ra ở Mỹ, chiếm gần 1/3 trong tổng số 292 vụ trên toàn cầu cùng thời điểm. Trong khi dân số Mỹ chỉ chiếm 5% toàn cầu, thì số vụ xả súng ở nước này lại chiếm tới 31%.
Theo nghiên cứu, một vụ xả súng được định nghĩa là có ít nhất 4 nạn nhân, không bao gồm các vụ giết người kiểu băng nhóm hay liên quan tới cái chết của một loạt thành viên cùng một gia đình. Vụ việc mới xảy ra ở Orlando được coi là vụ xả súng chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ.
“Mọi người hầu như không mấy ngạc nhiên khi xem các thống kê trên”, Adam Lankford, Phó giáo sư về luật hình sự thuộc đại học Alabama, người thực hiện phân tích cho hay. Ông Lankford đã trình bày nghiên cứu của mình tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Xã hội học Mỹ hồi năm ngoái và cho hay, đây là nghiên cứu đầu tiên kiểu này có so sánh với các nước khác.
Xả súng ở Mỹ khác ở những nước khác
Lankford xem xét kỹ hồ sơ của từng vụ xả súng, và phát hiện được một số điểm chung cho thấy các vụ xả súng ở Mỹ khác với phần còn lại của thế giới.
Tại Mỹ, nếu đang làm việc hoặc ở trường, khả năng trở thành nạn nhân của một vụ xả súng là rất lớn. Trong khi đó, ở nước ngoài, các vụ bắn giết điên loạn thường xảy ra gần các khu vực quân sự.
Trong hơn nửa số vụ xả súng ở Mỹ, thủ phạm thường có hơn một khẩu súng còn trong những vụ việc tương tự ở những nước khác, thủ phạm thường chỉ có một khẩu súng.
Tại Mỹ, trung bình một vụ xả súng có 6,87 nạn nhân. Tại 171 quốc gia khác, theo nghiên cứu của Lankford, trung bình mỗi vụ có 8,8 nạn nhân. Vị phó giáo sư cho rằng, tại Mỹ, số nạn nhân của một vụ xả súng thấp hơn vì dân Mỹ thường được huấn luyện cách đương đầu với những tình huống như vậy, dù nó hiếm khi xảy ra so với những kiểu phạm tội khác.
“Tại các nước khác, cảnh sát cũng phản ứng chậm hơn và thường không được chuẩn bị kỹ lưỡng như ở Mỹ”, ông cho biết.
Xả súng kiểu nhắm mắt bắt chước
Nhiều thủ phạm tiến hành các vụ xả súng ở Mỹ có vấn đề về thần kinh, dữ liệu cho thấy. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu cho hay, số lượng các vụ tâm thần không tăng mạnh trong khi số lượng các vụ xả súng lại vọt cao.
Theo một phân tích của trường Y tế công Havard và Đại học Northeastern, từ năm 2011 tới 2014, số lượng các vụ bắn giết điên loạn ở Mỹ tăng gấp 3 lần. Nghiên cứu của trường Havard cho thấy, số lượng các vụ xả súng ở nơi công cộng trung bình cứ 64 ngày lại xảy ra. Trong 29 năm trước đó, con số này là 200 ngày.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng, các vụ xả súng dễ lây lan. Một vụ xả súng hay giết người xảy ra thì trong vòng 2 tuần tiếp theo, nó sẽ lại tái diễn.
Hiện tượng bắt chước thường xảy ra ở Mỹ vì sở hữu súng ở đây dễ hơn các nước khác. Mỹ có nhiều súng hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, ước tính 270-310 triệu khẩu súng đang lưu hành tại quốc gia này. Dân số Mỹ hiện là 319 triệu người, như vậy mỗi người dân Mỹ sẽ có gần 1 khẩu súng.
Khảo sát của Pew cho thấy, sau nhiều vụ xả súng khét tiếng, người Mỹ thường thích sở hữu vũ khí hơn.
Xả súng để được nổi tiếng
Phó giáo sư Lankford cho hay, “dường như người Mỹ ngày càng có ham muốn được nổi tiếng và không còn hoài nghi gì nữa, có một sự liên kết giữa các vụ việc và chuyện báo chí đưa tin”.
“Những kẻ xả súng muốn được nổi tiếng sẽ giết nhiều nạn nhân hơn. Và một điều có lẽ là vô cùng đáng sợ, nếu kẻ xả súng trước giết nhiều người hơn để được nổi tiếng hơn thì những thủ phạm các vụ sau sẽ cố “cải tiến” để được nổi tiếng hơn nữa – một kiểu cải tiến để thu hút nhiều sự chú ý hơn”.
- Hoài Linh