Các yêu cầu oái oăm mà phái đoàn Trung Quốc đòi hoàng gia Anh phải đáp ứng để đón tiếp lãnh đạo nước này có thể là lý do khiến Nữ hoàng Elizabeth II chê họ là những người “thô lỗ”.
Nữ hoàng Anh Elizabeth và vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại London năm ngoái. Ảnh: PA |
Nữ hoàng Elizabeth II hôm 10/5 trong một cuộc trò chuyện với một chỉ huy cảnh sát London, người phụ trách an ninh cho chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 10 năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Anh, đã chê đoàn đại biểu đối phương là “rất thô lỗ”. Đoạn đối thoại vô tình lọt vào ống kính camera sau đó bị phát tán rộng rãi.
Theo Guardian, như thường lệ, Nữ hoàng Anh khi đó đang đi dạo, gặp gỡ các vị khách trong bữa tiệc ngoài vườn cung điện Buckingham. Nữ hoàng lọt giữa vòng vây của giới báo chí. Peter Wilkinson, một nhà quay phim 70 tuổi, cũng nằm trong số này.
Các bản tin của BBC miêu tả Wilkinson như một “người quay phim của cung điện”. Tuy nhiên, thực tế, Wilkinson không phải nhân viên phục vụ hoàng tộc, mặc dù ông có đeo huy hiệu hoàng gia nhằm tránh sự giám sát chặt chẽ từ đội ngũ an ninh.
Wilkinson cộng tác với ba kênh truyền hình lớn là BBC, ITV và Sky với nhiệm vụ chính là ghi lại mọi hoạt động của hoàng gia Anh. Trong gần hai thập kỷ qua,Wilkinson dường như chỉ thực hiện một công việc là lượn quanh cung điện Buckingham, ghi hình Nữ hoàng, xem bà làm gì, nói chuyện với ai.
Và Nữ hoàng Anh có lẽ cũng đã quá quen với gương mặt của Wilkinson, người mà bà gặp gần như hàng ngày. Hồi năm ngoái, nhằm kỷ niệm 50 năm phát sóng, đội ngũ của kênh ITV bám theo Wilkinson để thực hiện một bộ phim tài liệu về ông. Nữ hoàng Anh thậm chí còn trao cho Wilkinson đặc quyền có buổi ra mắt riêng bộ phim tại rạp hoàng gia nằm ở tầng trệt cung điện Buckingham.
Thế nhưng, chính nhà quay phim mà Nữ hoàng Anh rất tin tưởng này lại là người đẩy bà vào rắc rối khi công bố đoạn video Nữ hoàng Elizabeth nói các quan chức Trung Quốc “thô lỗ”. Song, giới quan sát cũng đặt ra thắc mắc, vì lý do gì mà một người cẩn trọng trong phát ngôn và không muốn động chạm đến chính trị như Nữ hoàng Anh lại đưa ra bình luận như vậy?
Hồi tháng hai năm ngoái, điện Buckingham thông báo Chủ tịch Trung Quốc sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh trong tháng 10. Trước khi chuyến công du diễn ra, một đoàn công tác Bắc Kinh đã đến London để chuẩn bị hậu cần, đồng thời đưa ra hàng loạt yêu cầu về an ninh, nơi ăn chốn ở và thực phẩm.
Những quan chức cấp cao Trung Quốc được sắp xếp ở tại khách sạn 5 sao Mandarin Oriental, đối diện điện Buckingham. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện và đoàn tùy tùng hỗ trợ trực tiếp sẽ lưu trú ngay tại cung điện hoàng gia.
Ông Tập và bà Bành được bố trí ở tại Belgian Suite, nơi chuyên dành để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Căn phòng lấy tên theo vua Bỉ Leopold I, người chú kiêm cố vấn cho Nữ hoàng Anh Victoria. Tuy nhiên, một mảng trần của nó đã bị vỡ do sự cố dò nước.
Một vấn đề khác khiến phái đoàn Trung Quốc chưa vừa lòng là dù rất sang trọng nhưng căn phòng lại không có buồng tắm riêng phía trong. Ngoài ra, họ cũng than phiền về điều kiện phòng của đội ngũ trợ lý cho ông Tập.
Các phái viên Trung Quốc nhất quyết muốn nơi ở cho đoàn đại biểu nước này phải được bố trí sao cho hợp phong thủy, nghĩa là phải kê lại giường, bàn ghế, sofa, nếu cần, có thể bỏ cả gương lẫn ảnh. Họ thậm chí yêu cầu sơn đỏ toàn bộ tủ quần áo.
Vấn đề ăn uống cũng khá khó khăn. Thực đơn cho bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước đã được duyệt từ trước. Nhưng đội ngũ hỗ trợ ông Tập còn muốn tự mang thức ăn vào cung điện.
“Rõ ràng họ nghi ngờ các món ăn của người Anh như xúc xích, thịt nguội và trứng”, một nguồn tin am hiểu vấn đề nói.
Phía Trung Quốc còn phản đối việc người giúp việc vào phòng các quan chức để dọn dẹp hay tháo dỡ hành lý. Đây vốn là một công việc mang tính thông lệ mà hoàng gia Anh thực hiện để đón tiếp nguyên thủ nước ngoài trong những chuyến thăm chính thức.
Các nguồn tin từ điện Buckingham tiết lộ phía Trung Quốc không muốn những nhân viên phục vụ nhìn vào màn hình máy tính hay các thiết bị công nghệ khác mà họ lắp đặt bên trong cái gọi là “lều kỹ thuật”. Dù vậy, Nữ hoàng Anh đã yêu cầu phái đoàn Trung Quốc gồm 26 người không sử dụng máy tính tại bữa tiệc chiêu đãi Chủ tịch Tập.
Phía Trung Quốc bên cạnh đó còn cố gắng thay đổi tên khách mời dự buổi tiệc, làm rối loạn công tác bảo vệ an ninh. Họ yêu cầu đưa một nhân viên bảo vệ vào trong xe ngựa chở Nữ hoàng, hoàng thân cùng Chủ tịch Tập. Đây là điều chưa từng có tiền lệ đối với Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tử Philip.
Sau cùng, đội ngũ nhân viên điện Buckingham cũng tìm được những cách khéo léo để từ chối hầu hết yêu cầu từ phía Trung Quốc.
“Chúng tôi như đi trên vỏ trứng xung quanh người Trung Quốc? Họ nổi tiếng là rất khó khăn”, một nguồn tin hoàng gia nói.
Vậy nên, nhiều người cho rằng chẳng có gì khó hiểu khi Nữ hoàng Elizabeth thốt lên “thật xui xẻo” khi biết nữ cảnh sát Lucy D’Orsi phải nhận trách nhiệm làm người chỉ huy an ninh cấp cao trong lần phái đoàn Trung Quốc đến thăm Anh hồi năm ngoái.