Vì sao tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết ngưng sắc lệnh của TT Trump?

Một phụ nữ cầm tấm bảng chống lệnh cấm nhập cảnh của Tổng Thống Trump trước Tòa Phúc Thẩm Liên Bang vùng 9 ở San Francisco. (Hình: Elijah Nouvelage/Getty Images)

Bài này được viết tiếp theo bài hai ngày trước đây bàn về nội dung sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Donald Trump về di trú.

Vào lúc ba giờ chiều Thứ Năm, 9 Tháng Hai, Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Vùng 9 công bố phán quyết bác đơn kháng cáo của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, giữ nguyên án lệnh của Chánh Án Liên Bang James L. Robart đình chỉ việc thi hành sắc lệnh hành pháp Tổng Thống Trump ban hành ngày 27 Tháng Giêng.

Sắc lệnh này ngưng mọi nhập cảnh của công dân từ bảy quốc gia với đa số dân theo đạo Hồi Giáo (Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia, Yemen, và Somalia) trong thời hạn 90 ngày, ngưng chương trình nhận người tỵ nạn trong vòng 120 ngày, và ngưng vô thời hạn tất cả đơn xin tỵ nạn của người Syria.

Phán quyết của tòa được ghi rõ là một phán quyết per curiam order, nghĩa là một phán quyết đồng thuận của toàn ban xử án, không có ý kiến chống đối. Phán quyết dài 29 trang lần lượt đề cập, và bác bỏ, tất cả luận cứ nêu lên trong đơn kháng cáo của Bộ Tư Pháp Liên Bang. Tòa Phúc Thẩm xác nhận quyền phúc thẩm, bác bỏ luận cứ của Hành Pháp là vấn đề trước tòa thuộc một lãnh vực nằm ngoài thẩm quyền cứu xét của tòa, công nhận 2 tiểu bang Washing ton và Minnesota có tố quyền, tuyên bố Hành Pháp không dẫn chứng được tính cách khẩn cấp của đơn kháng cáo.

Phán quyết nhìn nhận vị trí trội yếu của hai nghành chính trị (political branches) trong lãnh vực luật di trú nhưng tái xác nhận nhiệm vụ giải thích luật của tòa án. Tòa đồng ý với luận cứ và quan điểm của hai tiểu bang nguyên đơn, Washington và Minnesota. Kết luận Tòa Phúc Thẩm bác đơn kháng cáo của Hành Pháp.

Cho đến khi những dòng này được viết ra vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 Tháng Hai, người ta chưa biết Bộ Tư Pháp sẽ quyết định kháng cáo hay không phán quyết của Tòa Phúc Thẩm. Hành Pháp có thể yêu cầu Tòa Phúc Thẩm tái xét trong một phiên xử rộng gồm tất cả thẩm phán (sitting en banc), hoặc kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện.

Trường hợp kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện hiện nay chỉ có tám thẩm phán, và nếu biểu quyết đồng phiếu 4-4, phán quyết của tòa dưới, nghĩa là Toà Phúc Thẩm Vùng 9 sẽ gìữ nguyên.

Với phán quyết của Tòa Phúc Thẩm, án lệnh ngưng thi hành tạm thời (tiếng Anh viết tắt là TRO) của Thẩm phán Robart tiếp tục có hiệu lực. Điều quan trọng cần ghi nhận là án lệnh Robart không đình chỉ toàn bộ sắc lệnh của TT Trump. Án lệnh Robart đình chỉ trong thời hạn 90 ngày việc nhập cảnh công dân của 7 quốc gia Hồi giáo, tạm ngưng chương trình tỵ nạn trong vòng 120 ngày, và ngưng vô thời hạn cho những người tỵ nạn Syria. Những phần còn lại của sắc lệnh vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Vì sao tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết ngưng sắc lệnh của TT Trump?
Tác giả Phan Quang Tuệ là Phó Biện Lý (Trial attorney) cho Sở Di Trú (INS) từ 1988-1993 và Thẩm phán Toà Di Trú San Francisco từ 1995 cho đến khi về hưu cuối năm 2012. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đọc kỹ phần còn lại của sắc lệnh sẽ thấy những thay đổi lớn lao trong lãnh vực các chương trình nhập cảnh, ảnh hưởng sâu rộng và toàn bộ cho giới thường trú nhân, bán thường trú nhân (immigrants, non-immigrants) và những người xin tỵ nạn (asylum seekers.) Nghiã là tất cả những ai không phải là công dân Hoa Kỳ và hiện đang đứng ngoài ngưỡng cưả chờ được nhập cảnh.

Phần còn lại của điều 3 trong sắc lệnh ra lệnh Bộ Nội An, Bộ Ngọai Giao, và Giám Đốc An Ninh Quốc Gia duyệt xét lại tức thời những tin tức cần có để cứu xét các đơn xin chiếu khán. Các cơ quan này phải phúc trình kết quả lên Tổng Thống trong vòng 30 ngày. Phúc trình gồm có danh sách các quốc gia xuất xứ của những người xin tỵ nạn. Trong vòng 60 ngày các cơ quan kể trên phải phúc trình danh sách những quốc gia không hợp tác cung cấp những tin tức được yêu cầu. Một phúc trình khác trong vòng 120 ngày về những vấn đề trên. Nói chung, sẽ có một danh sách người dân từ các quốc gia mà tổng thống sẽ tuyên bố không cho nhập cảnh.

Điều 4 nói về việc thi hành một chương trình nhằm khám phá những gian lận do những người xin nhập cảnh. Phần còn lại của điều 5 quy định sẽ không nhận quá 50,000 người tỵ nạn cho tài khoá 2017.

Các điều còn lại từ điều 6 cho đến điều 10 của sắc lệnh nói chung quy định tăng cường những biện pháp kiểm soát, theo dõi (Entry-Exit Tracking system), giới hạn, hủy bỏ chương trình Miễn Phỏng Vấn (Visa interview Waiver program). Những người xin nhập cảnh với tư cách bán thường trú (non-immigrant) cũng phải qua thủ tục phỏng vấn, thanh lọc. Gia tăng số nhân viên lãnh sự (Consular Fellows Program) để đáp ứng nhu cầu thanh lọc theo những tiêu chuẩn mới.

Nói chung những phần còn lại của sắc lệnh nhằm mục đích giới hạn và kiểm soát số lượng nhập cảnh hằng năm. Viễn ảnh con đường vào Hoa Kỳ, do đó, không mấy khả quan dưới sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Trump, cho dẫu kết quả tranh tụng về án lệnh ngưng thi hành tạm thời ra sao.

Án lệnh ngưng thi hành tạm thời chỉ ngăn được sắc lệnh của Tổng Thống Trump một thới gian cho đến khi tinh cách hợp hiến của sắc lệnh của Tổng Thống Trump được giải quyết dứt khoát khi đến giai đọan tòa án giải quyết chính vụ. Án lệnh ngưng thi hành tạm thời của Thẩm phán Robart và phán quyết duy trì lệnh này chì có tính cách giai đoạn.

Với chính sách giới hạn nhập cảnh tuyên bố ngay từ khi khởi đầu và trong suốt thời gian tranh cử, với tân bộ trưởng Tư Pháp mà quan điểm bảo thủ về di trú rất rõ ràng khi biểu quyết chống đạo luật cải tổ về di trú trước Thượng Viện năm 2013, với phe bảo thủ nắm đa số kiểm soát ở cả hai viện, thời kỳ vàng son của những chương trình nhập cảnh, tỵ nạn, bắt đầu thay đổi, chuyển hướng dưới chính quyền Trump nhân danh nhu cầu an ninh quốc gia.

Phán quyết vừa qua của Toà Phúc Thẩm rồi ra chỉ nói lên được vị trí và vai trò đặc biệt của Tư Pháp Hoa Kỳ. Nhìn vấn đề vượt qua được những tranh cãi hơn thua, phe phái, người ta sẽ hài lòng và hãnh diện với ngành tư pháp thực sự độc lập. Nhưng cuối cùng, những vấn đề trong lãnh vực di trú sẽ phải trở lại trong vòng thẩm quyền của hai ngành chính trị (political branches) là Lập Pháp, và Hành Pháp. Vì án lệ xứ này, dựa theo thuyết Quyền Tuyệt Đối (Plenary Power Doctrine) đã định rõ di trú (và ngoại giao, quốc phòng) không phải là lãnh vực thuộc thẩm quyền tư pháp.

America First! Nhưng Americans là ai? Hiệp Chủng Quốc có còn là quốc gia của những người di dân nữa không?

Leave a Reply