Malilk Obama chính xác thuộc nhóm người mà ông Donald Trump không muốn cho đặt chân vào nước Mỹ. Ông ta là người Hồi giáo, ở Kenya – quốc gia đang trong tình trạng bất ổn và là mục tiêu của những tên khủng bố đến từ Somalia. Ông ta không nhớ chính xác mình có bao nhiêu vợ, đâu đó từ 3 đến 12 bà, và rõ ràng điều này đứng ngoài lề giá trị gia đình truyền thống Mỹ.
Nhưng ông Malik Obama lại có quốc tịch Mỹ, và là anh trai nửa dòng máu với đương kim Tổng thống Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, Malik là người ủng hộ Donald Trump nhiệt thành. Vào buổi tranh luận Tổng thống cuối cùng diễn ra vào tối hôm nay tại Las Vegas, Malik Obama là khách theo lời mời từ ban vận động tranh cử của ứng cử viên Cộng hoà, cho phép ông Trump và “hểnh mũi” thách thức Tổng thống Obama và bà Hillary Clinton.
Trước đây, mối quan hệ anh em không căng thẳng như vậy. Malik Obama và Barack Obama từng làm phụ rể cho nhau. Vào năm 2013, Malik từng tuyên bố, mình và người em cùng cha khác mẹ đều có tài lãnh đạo vì hưởng chung di truyền. Tuy nhiên, đâu đó từ giữa năm 2013 đến nay, Malik quay lưng lại với ông Barack, một phần nào đó là do ông ta cảm thấy bị người em trai nổi tiếng bỏ rơi. “Em trai chẳng giúp gì tôi cả,” ông Malik ám chỉ đến quỹ do ông ta thành lập, lấy họ người cha đẻ của hai anh em. “Cậu ta muốn tôi đóng cửa, không hỗ trợ gì cả.”
Ông Malik từng chạy đua vào chiếc ghế thống đốc ở Siaya, Kenya, nhưng chỉ đạt 1% số phiếu. Ở Hoa Kỳ, ông ta chủ yếu hành nghề kế toán cho các tổ chức chung quanh khu vực Hoa Thịnh Đốn, trong đó có Hội Hồng thập tự Hoa Kỳ, Lockheed Martin và Fannie Mae.
Ông ta ghi danh bầu cử tại tiểu bang Maryland, và sẽ bỏ phiếu cho Donald Trump. Phần nhiều lý do là sự bất đồng với người em chung nửa dòng máu ngày càng tăng. Khi lên tiếng ủng hộ ông Trump vào tháng 7, Malik cho rằng ứng cử viên Cộng hoà trung thực, và ông ta tin vào câu khẩu hiệu của ông Trump: “Tạo dựng Nước Mỹ vĩ đại lại.” Ông ta tin những người phụ nữ dựng chuyện tố cáo ông Trump sàm sỡ. Ngoài ra, Malik còn phản đối việc mở rộng quyền của người đồng tính, trái ngược với ông Barack, cũng như thất vọng trước việc Hoa Kỳ hạ ông Moammar Gaddafi, người mà ông ta cho là bạn thân thiết.
Nhưng sâu xa hơn, ông Malik Obama và Donald Trump cùng chia sẻ thói quen yêu thích được xuất hiện trước ánh đèn sân khấu. Ông Malik thích được truyền thông để mắt, và lời mời tham dự buổi tranh luận tổng thống tối nay sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ông ta. Trong khi đó thì ông Trump lại sử dụng lời mời đến các buổi tranh luận tổng thống để “biểu dương lực lượng” nhiều hơn, như trong lần vừa rồi, ông ta mời 4 phụ nữ liên can đến cáo buộc quấy rồi tình dục của ông Bill Clinton nhằm chuyển hướng sự chú ý cáo buộc tương tự đối với mình.
Tổng thống Obama không hề bối rối trước những bản tin nóng về người anh trai nửa dòng máu tham dự buổi tranh luận.
Hương Giang (Theo Washington Post)