Tổng giám đốc đài truyền hình VietFace: con số 1.5 triệu Mỹ kim là hoàn toàn không đúng
Đài truyền hình VietFace TV hiện đang là chủ điểm khiến giới truyền thông và cộng đồng người Việt tại hải ngoại xôn xao bàn tán.
Chuyện bắt nguồn từ bài báo trên tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN, mang tựa đề “Sai phạm “động trời” của Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long” với nội dung tỉnh ủy Vĩnh Long đang mở cuộc điều tra về việc giám đốc đài Phát Thanh Truyền Hình Vĩnh Long đã có sai phạm ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền một loạt phim truyện truyền hình và chương trình giải trí với công ty VietFace Media Group, Inc, tức đài truyền hình VietFaceTV.
Nhưng chi tiết được dư luận đặc biệt quan tâm nhất là: bài báo trên đưa ra số tiền 1.5 triệu Mỹ Kim, tương đương hơn 30 tỉ đồng, do đồng bào hải ngoại quyên góp để giúp các người bất hạnh trong nước. Tuy nhiên, chỉ còn 8 tỉ đồng trong sổ sách của đài PT-TH Vĩnh Long. Như vậy, phát sinh nghi vấn: số tiền 22 tỉ đồng (1 triệu Mỹ Kim) đang nằm ở đâu?
Trong cuộc phỏng vấn với đài SBTN, cô Marie Tô, tổng giám đốc đài VietFace TV cho biết: Con số 1.5 triệu Mỹ Kim do bài báo tờ Nhân Dân đưa ra là hoàn toàn vô căn cứ. Cô giải thích rành mạch: “VietFace TV làm việc rất cẩn thận trong việc ghi lại chi tiết con số tiền của khán giả. Bởi vì, mỗi khán giả tặng tiền cho từng trường hợp, từng cá nhân khác nhau. Chúng tôi phải ghi chú cụ thể, rõ ràng để tiền về đúng người được cho trước khi gởi về quỹ Trái Tim Nhân Ái của đài truyền hình Vĩnh Long. Con số tiền chúng tôi thu được từ khi bắt đầu chương trình này từ 2013 đến 2015 là $559,198.90 US. Tiền gởi về quỹ của đài truyền hình Vĩnh Long là $467,823 US. Sở dĩ, có con số sai biệt là do những trường hợp người được cho qua đời, hay tiền được 2 người điều khiển chương trình là anh Chung Tử Lưu, cô Christine Thúy Hằng đưa trực tiếp cho người nhận tại Việt Nam. Về số tiền mà người nhận không còn nữa, chúng tôi chuyển vào các chương trình từ thiện khác chẳng hạn cho VietLove trong những lần gây quỹ bão lụt miền Trung, động đất Nepal v.v…”. Cô Marie Tô còn cho biết các con số đều được kê khai rõ ràng khi trong các bản khai thuế hàng năm.
Đối với cáo buộc của tờ Nhân Dân về việc đài truyền hình Vĩnh Long sai trái trong việc đưa bản quyền chương trình Trái Tim Nhân Ái cho đài VietFace chiếu trong chương trình Những Mảnh Đời, cô Marie Tô trả lời cho SBTN rằng: “Thoạt đầu, VietFace chỉ trích những clip của chương trình Trái Tim Nhân Ái khi 2 MC Chung Tử Lưu và Christine Thúy Hằng kể những câu chuyện cảm động, thương tâm này cho khán giả và được khán giả quan tâm, ủng hộ mạnh. Sau đó, mới hình thành chương trình Những Mảnh Đời, xử dụng những câu chuyện trong Trái Tim Nhân Ái. Vì đây là mục đích hoàn toàn là từ thiện nhằm giúp đỡ những người gặp bất hạnh nên chúng tôi chỉ xin phép miệng, và được cho phép xử dụng trên tinh thần từ thiện và nhân đạo. Còn những chương trình nào khác mang tính thương mại nếu xử dụng chúng tôi đều thanh toán quyền phát sóng.”
Trả lời cho câu hỏi VietFace TV đối phó thế nào với trước sự việc này, cô Marie Tô cho biết VietFace TV ủy thác văn phòng luật Tilleke & Gibbins tại Việt Nam với đại diện là luật sư Lê Xuân Lộc gởi thư đến các giới chức thẩm quyền bộ Thông Tin và tổng biên tập báo Nhân Dân yêu cầu lấy bài báo đăng thông tin sai lệch đó xuống và xin lỗi.
Liên quan đến câu hỏi về một đài truyền hình hải ngoại lại phát sóng chương trình trong nước, cô Marie Tô nói: “Hiên nay, tất cả các đài truyền hình tại đây đều phát sóng các chương trình được thực hiện trong nước. VietFace TV cũng không làm khác hơn. Chúng tôi cũng chỉ chiếu những chương trình mang tính giải trí, văn nghệ, du lịch hay ẩm thực như tất cả mọi đài truyền hình khác.”
Cho đến thời điểm bài này được viết, cả hai cơ quan truyền thông VietFace TV và đài TP-TH Vĩnh Long đều khẳng định thông tin về số tiền quyên góp do báo Nhân Dân đưa ra là sai lệch.
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội của người Việt bình luận rất sôi nổi về chuyện này. Nhiều ý kiến cho rằng báo Nhân Dân khêu ra chuyện này vì tranh chấp nội bộ, khi đài truyền hình Vĩnh Long đang nổi trội hơn cả đài chính thống từ Hà Nội và Sài Gòn. Chuyện đấu đá giữa tờ Nhân Dân và đài Vĩnh Long là chuyện nội bộ của CSVN. Chuyện bản quyền giữa VietFace TV và đài Vĩnh Long là vấn đề thương mại thuần túy.
Hai vấn đề cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm là đài truyền hình hải ngoại phục vụ cộng đồng tị nạn lại xử dụng chương trình trong nước, và sự minh bạch của việc quyên góp cho các chương trình từ thiện giúp đỡ cho đồng bào quốc nội.
Mai Phi-Long/SBTN
Đài Phát Thanh Truyền Hình Vĩnh Long lên tiếng về vụ làm ăn với VietFace TV
Đài Phát Thanh Truyền Hình Vĩnh Long đã gửi đơn lên tới ban tuyên giáo trung ương ĐCSVN, để khiếu nại cáo buộc của tỉnh ủy Vĩnh Long, cho rằng đài này làm ăn với một đài truyền hình VietFace ở Hoa Kỳ, và không minh bạch về số tiền quyên góp lên tới gần 1 triệu Mỹ kim của đồng bào hải ngoại.
Báo Người Lao Động hôm Thứ Năm 1 tháng 2 đưa tin về đơn khiếu nại của Đài Vĩnh Long. Theo đó đài này xác nhận đã ký hợp đồng chuyển nhượng phim truyện và các chương trình giải trí cho công ty VietFace Media Group, Inc, tức đài truyền hình VietFaceTV điều hành bởi Thuy Nga Paris By Night Entertainment ở Hoa Kỳ. Đơn khiếu nại xác định, việc phát sóng phim trong nước nhắm vào cộng đồng người Việt hải ngoại là để “góp phần tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc”. Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng đặt hoạt động của Đài Vĩnh Long vào khuôn khổ Nghị Quyết 36 của nhà cầm quyền CSVN, vốn bị cộng đồng hải ngoại cương quyết phản đối, ngăn chặn.
Cũng theo báo Người Lao Động, trong hai năm 2011 và 2012, giám đốc Đài Vĩnh Long, ông Lê Quang Nguyên, đã thực hiện 5 hợp đồng chuyển nhượng bản quyền với VietFace, có tổng trị giá hơn 817.7 triệu đồng (hơn 35,500 Mỹ kim). Đơn khiếu nại của Đài Vĩnh Long cũng bác bỏ sự hiện hữu của số tiền 22 tỉ đồng (gần 1 triệu Mỹ kim), mà tỉnh ủy Vĩnh Long cáo buộc là không được ghi vào sổ sách, dù đây là một phần số tiền do VietFace thu được từ những đợt quyên góp trong các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và Canada.
Đài Vĩnh Long phủ nhận đã từng cho phép VietFace khai thác chương trình “Trái tim nhân ái” do đài này sản xuất, đồng thời cáo buộc VietFace đã “tự khai thác và đổi tên chương trình” thành “Những mảnh đời”. Mặc dù không cho phép VietFace khai thác chương trình vừa kể, Đài Vĩnh Long vẫn mặc nhiên chấp nhận tiền quyên góp do VietFace gửi về.
Đơn khiếu nại cho biết, trong hai năm 2014 và 2015, mỗi chương trình “Những mảnh đời” đã được VietFace phát từ 4 đến 6 lần trong vòng ít nhất 2 tuần. Tính đến cuối tháng 8 năm 2015, VietFace phát sóng được 44 chương trình, trung bình mỗi chương trình quyên góp được từ 8,000 tới 12,000 Mỹ kim của khán giả hải ngoại. Như vậy, với 44 chương trình, VietFace quyên góp được từ 352,000 đến 528,000 Mỹ kim, thay vì con số 1.5 triệu Mỹ kim do tỉnh ủy Vĩnh Long đưa ra.
Đơn khiếu nại cũng cho biết rõ, VietFace đã không chuyển tiền quyên góp về Đài Vĩnh Long qua vợ ông giám đốc Lê Quang Nguyên. Hai người thường đứng tên trên phiếu chuyển tiền là Christina Thuý Hằng và Chung Luu.
SBTN đang cố gắng liên lạc với VietFaceTV và sẽ cập nhật thêm thông tin khi nhận được sự trả lời.
Huy Lam / SBTN