Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều kiện mà phía Trung Quốc đặt ra khi cho Việt Nam vay 7.000 tỷ đồng để làm đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chưa thuận lợi, lãi suất cao và đặc biệt là phải chỉ định thầu…
Vay vốn Trung Quốc làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có nhiều điều kiện không thuận lợi – ảnh minh họa |
Chiều 29/7, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề vay 7.000 tỷ đồng của Trung Quốc để làm đường cao tốc.
– Thưa Bộ trưởng, vừa qua, dư luận quan tâm dự án đường 7.000 tỷ đồng vay vốn Trung Quốc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, điều kiện vay chưa thực sự thuận lợi do lãi suất cao và lại chỉ định thầu nên Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay cho thuận lợi hơn, lãi suất thấp, bỏ điều kiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc.
– Từ trước đến nay, chúng ta có nhiều bài học về vay vốn Trung Quốc, tại sao lần này ta vẫn bàn chuyện vay vốn Trung Quốc, thưa ông?
Trung Quốc họ thoả thuận với ta về việc cho vay, ta có thể thoả thuận mở rộng ra tất cả, có lợi thì vay, không có lợi thì không vay.
Chúng ta có thể đa dạng hoá tất cả các nguồn vay, chỗ nào thuận lợi thì chúng ta tranh thủ tận dụng. Tất nhiên trong quá trình vay, ai vay, vay làm gì, điều kiện thế nào thì chúng ta phải xem xét, thận trọng, không phải có nguồn vay tốt mà ta không chú ý.
Ta quan tâm đến tất cả các nguồn vay tốt của ta có lợi cho ta, còn quyết định cuối cùng như thế nào phụ thuộc vào điều kiện của từng dự án. Sau khi xem xét từng dự án, chúng ta sẽ xem vay hay không vay, nếu vay thì thế nào.
– Ngoài đối tác Trung Quốc, còn có đối tác nào ngỏ ý cho chúng ta vay nữa hay không, thưa Bộ trưởng?
Không, đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì mới có khoản vay của Trung Quốc.
– Từ bài học dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vay của Trung Quốc bị đội vốn rất nhiều và kéo dài, nhiều ý kiến cho rằng không nên vay tiền của Trung Quốc cho dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Bộ trưởng có ý kiến gì?
Đó là bài học mà các bộ, ngành , Chính phủ phải xem xét khi tính toán chuyện có vay hay không. Giờ chúng ta đang để mở, không khẳng định là có vay hay không. Chúng ta đang phải đàm phán tiếp xem điều kiện vay có thuận lợi hay không rồi mới quyết có định đầu tư dự án đó bằng nguồn đó hay không.
– Tại sao Chính phủ không tính toán vay nguồn tiền trong nước, thưa Bộ trưởng?
Vay trong nước chi phí vay cao hơn, phải tính toán hài hoà, không phải cứ vay là được. Vay mà chi phí cao thì hiệu quả thấp.
– Nhưng các dự án vay nước ngoài thường kèm các điều kiện, nếu tính cả các điều kiện này nữa thì có khi chi phí lại cao, hoặc hiệu quả không bằng vay trong nước… ?
Đó là vấn đề , điều kiện lãi suất cho vay thì rất tốt, nhưng cũng tuỳ từng nhà đầu tư. Ví dụ như các đầu tư đa phương, họ không quan tâm đến chuyện phải có nhà thầu của họ, hay mua hàng hoá của họ. Còn các nhà đầu tư song phương thì họ quan tâm.
Chúng ta phải hài hoà giữa mục tiêu, lợi ích của mình và của người cho vay, cố gắng giảm thiểu để làm sao minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và giảm chi phí. Ví dụ việc chỉ định thầu, chúng ta đang cố gắng không chỉ định thầu và đấu thầu rộng rãi, công khai. Đó là một hình thức tăng hiệu quả của dự án.
– Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Nhiều dự án sử dụng vốn vay không trả được nợ Trình bày trước Quốc hội về vấn đề chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại. Đó là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để ghi vốn, dẫn đến tình trạng điều chỉnh dự án lớn, tổng mức đầu tư tăng cao khiến bố trí vốn khó khăn. Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập. Một số dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Sử dụng vốn vay còn dàn trải, một số dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt được mục tiêu đề ra. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) chưa được khắc phục, ứng trước vốn kế hoạch nhưng không cân đối được nguồn thanh toán. Theo quy định của Luật Đầu tư công, các bộ, ngành và địa phương không được để phát sinh nợ đọng XDCB sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên một số địa phương vẫn để phát sinh nợ đọng XDCB nhưng chưa khắc phục hiệu quả…. Bộ trưởng cũng cho rằng, tình trạng ỷ lại vào nguồn vốn của nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương chưa được khắc phục. Chưa có nhiều giải pháp, chính sách hiệu quả để thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác tham gia vào đầu tư phát triển hạ tầng. Số lượng các dự án theo hình thức PPP nhiều, nhưng chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc xác định tổng chi phí của dự án còn có bất cập, đặc biệt là đối với các dự án BOT, BT. |
Xuân Hưng