Tin lời thầy bói, bà Thương dồn hết của cải trong nhà, thuê người đào hầm vàng trái phép trong suốt 2 năm khiến gia đình kiệt quệ, vợ chồng mâu thuẫn.
Ngày 27/4, hai tuần sau sự cố ngạt khí dưới hầm vàng khiến 4 công nhân tử nạn, Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục làm rõ trách nhiệm những người liên quan. Đường hầm nơi xảy ra tai nạn được xác định dùng để khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên suốt hai năm đào bới, nơi đây chưa từng phát hiện ra vàng.
Tin lời thầy bói, bà Thương dốc hết gia tài, vay mượn tiền tỷ để thuê người đào hầm tìm kiếm vàng. Ảnh. Tiến Hùng. |
Hơn 2 năm trước, bà Thương đi xem bói và được “thầy” phán ở khu vực khe Dung (thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ) có nhiều vàng nên bỏ tiền thuê người tìm kiếm. Bà bán hơn 10ha rừng keo, dốc hết tiền dành dụm của gia đình vào “canh bạc này”.
Theo thiếu tá công an này, không lâu sau khi vợ đầu tư làm vàng, gia đình đã khánh kiệt. Nhiều lần ông khuyên bảo nhưng không có kết quả, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Ông đòi ly hôn và hai người đang chuẩn bị hầu tòa thì xảy ra sự việc.
Hầm vàng trái phép của bà Thương nằm cách trung tâm thị trấn chừng 2 km và cách khu dân cư khoảng vài trăm mét. Tuy nhiên ông Alăng Mai (Chủ tịch UBND huyện Nam Giang) cùng những người sống lâu năm tại đây đều khẳng định khu vực này không hề có vàng.
Do vậy trong báo cáo gửi UBND tỉnh sau khi xảy ra vụ việc, ông Mai cho rằng, phu vàng bị ngạt khi trong hầm trong lúc đào “đất đá”. “Nói như vậy cũng có lý, bởi khi khám nghiệm hiện trường thì không có máy đãi, sàng lọc vàng. Chứng cứ tại hiện trường cộng với lời khai của những người liên quan cho thấy bà Thương vẫn chưa tìm thấy vàng để đưa ra ngoài sàng lọc”, một điều tra viên tham gia vụ việc nói.
Trước đó, khoảng 17h ngày 12/4, nhóm 7 phu vàng cho nổ mìn dưới đường hầm khai thác vàng trái phép thuộc thôn Dung. Không lâu sau, các phu vàng kéo nhau xuống hầm rồi lần lượt bị ngạt khí. Đường hầm dài 15 mét đi ngang vào lòng núi sau đó đi thẳng xuống thêm 10 mét.
Bên trong đường hầm khai thác vàng trái phép của bà Thương. Ảnh: Tiến Hùng. |
Cơ quan điều tra xác định, do mìn nổ đốt cháy hết ôxy bên trong và tạo ra khí độc. Các phu vàng chưa có kinh nghiệm nên xuống hầm quá sớm. Người đầu tiên leo xuống bị ngạt khí trượt khỏi dây rơi xuống đáy hầm vỡ đầu.
Thay vì báo cáo chính quyền để tổ chức cứu hộ, bà Thương lại cho người mua sắm lễ vật, lập bàn thờ. Sau hai tiếng cúng bái, bà Thương mới trình báo. Đến khoảng 23h, 5 phu vàng bị ngạt khí đưa lên khỏi hầm, một người còn sống sót.
Trong 4 người tử nạn có 3 anh em ruột người dân tộc Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). “Mấy tiếng sau mà vẫn có người sống sót. Nếu bà Thương không lập bàn thờ cúng mà báo chính quyền cứu hộ sớm thì có thể đã giữ được mạng sống cho họ”, một nhân chứng tham gia cứu hộ nói.
Bà Thương hiện bị Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố, tạm giam 3 tháng về hành vi Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên và Tàng trử sử dụng trái phép vật liệu nổ.
Ba phu vàng thoát nạn gồm Và Bá Nhìa (23 tuổi), Cụt Văn Hoanh (29 tuổi) và Cụt Văn Bình (18 tuổi, cùng trú xã Bảo Thắng, Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng bị khởi tố, tạm giam cùng tội danh với bà Thương.